Thơ tục, chữ Hán sai nghiêm trọng
Không phải lần đầu các nhà nghiên cứu Hán Nôm bức xúc về hiện tượng loạn chữ, dùng sai chữ ở nhiều di tích, thậm chí các di tích được xếp hạng quốc gia. TS Trần Trọng Dương, nhà nghiên cứu Hán Nôm, gần đây lên tiếng về “hiện tượng nhức nhối của chữ Hán - hỏng từ mỹ thuật đến chính tả, nội dung- mà chưa có cơ quan văn hóa nào kiểm soát”.
Ông nêu hàng loạt ví dụ: Đền thờ Nguyễn Trãi, di tích cấp quốc gia, có bức hoành phi “Nhân giả thọ” (người nhân được thọ). Nguyễn Trãi chịu chém, như thế hóa ra nhạo báng người xưa. Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm muốn ghi công lao của ông trong dạy học, dùng ba chữ “Hối bất quyện” (dạy dỗ không biết mệt), nhưng dùng sai chữ “hối” thành ra Hối hận không nguôi. Tại ngôi đền này còn có lỗi sai ngớ ngẩn khác, biến chữ “thục” trong nghĩa trường học, thành “nấu chín nhừ”.
Hai câu thơ của Lý Bạch tả Dương Quý Phi trong Thanh bình điệu “Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương/Vu sơn vân vũ uổng đoạn trường” (Một nhành hồng thắm móc ngưng hương/Chuyện mây mưa ở Vu Sơn vốn đoạn trường) đường hoàng ghi trên lọ lộc bình ở chính điện thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông tại chùa Vân Tiêu, Yên Tử. “Vu Sơn Vu Giáp là vị thần tình dục nổi tiếng của Trung Quốc mà chúng ta đưa lên non thiêng Yên Tử thế này là chết rồi. Thử tưởng tượng, khách du lịch quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc tham quan các di tích cấp quốc gia này sẽ nghĩ thế nào nếu họ đọc những câu chữ “toe toét” như thế? Chữ nghĩa là bộ mặt của trí tuệ quốc gia đó”, TS Dương nói.
Nhiều nhà nghiên cứu khác cũng đề xuất, một số thứ khác cần đưa ra khỏi di tích: văn bia rác ghi danh những người công đức đặt bừa bãi tại nhiều di tích, những lọ lộc bình của gốm sứ Giang Tây nhan nhản các nơi thờ tự...
Chữ quốc ngữ thay chữ Hán?
Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, nói rằng, sau hiện vật lạ, Bộ đang tính đến và tới đây trong thông tư mới sẽ quy định việc dùng tiếng Việt đối với những chùa xây mới. “Cái đó nghe cũng hơi lạ. Đình, chùa là kiến trúc truyền thống, nếu viết chữ quốc ngữ thì xây dựng kiểu khác đi, còn xây truyền thống mà viết chữ quốc ngữ không ra sao”, GS Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, nói.
Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho rằng, chiều dài lịch sử Việt Nam gắn với chữ Hán cổ. “Việt Nam may mắn ở ngã ba đường. Thế mạnh Việt Nam là đa văn hóa. Thời Lý, Trần vẫn tự hào tiếp thu tinh hoa Bắc - Nam, không tội gì bỏ đi. Chúng ta có thể dùng chữ phồn thể, bên cạnh ghi chữ quốc ngữ, đấy là giải pháp tuyệt vời nhất. Trang trí phải thiết kế ngay từ đầu, dù nói rằng chùa mới nhưng đa số làm trên nền đất cũ, phải duy trì truyền thống”, ông nói.
Trước thực tế nhiều nơi dùng sai chữ Hán ở hoành phi, câu đối, một số người đề xuất thay chữ Hán bằng quốc ngữ. Họ cho rằng, chữ viết thì phải đọc được, treo chữ thiêng mà không đọc được thì còn ý nghĩa gì nữa, khác gì “bịt mắt nhân dân”, “đánh đố mọi người”. Luồng ý kiến khác: đã câu đối, hoành phi thì phải viết chữ Hán. Câu đối mà viết bằng chữ quốc ngữ thì không thấy thiêng.
“Mỗi quan điểm đều có sự cực đoan riêng. Làm mới hoành phi, câu đối (Hán Nôm hay Latin) nên tùy thuộc vào việc câu chữ đó đặt ở không gian nào. Nếu đặt ở một công trình hoàn toàn xây mới, thì có thể hoặc dùng toàn Hán hoặc toàn Nôm, hoặc toàn Latin để thống nhất chữ viết và mỹ thuật. Nếu đặt/cung tiến vào các di tích cổ vốn chỉ có các hoành phi, câu đối bằng chữ Hán chữ Nôm thì không được dùng chữ Latin”, TS Dương kiến nghị.
Muộn hơn không
Nhiều chuyên gia chỉ ra, sự xáo loạn của chữ thiêng trong di tích xuất phát từ nhu cầu cung tiến của người dân, các thương gia thành đạt và quan chức. “Nhiều nơi, hoành phi câu đối do những “tín chủ quan trọng” cúng tiến thường được dùng để treo những vị trí quan trọng, thay thế những hiện vật cổ trước đó. Có khi các hoành phi, câu đối cổ đó bị xếp vào nhà kho, gác lên mái chùa. Thậm chí, dân buôn đồ cổ đã lợi dụng việc này để đánh tráo, ăn cắp các cổ vật này. Vì vậy, Bộ cần ban hành nội dung cụ thể: cấm di dời, thay đổi các câu đối, hoành phi cổ bằng các hoành phi mới”, TS Dương nói.
GS Nguyễn Quang Ngọc đồng quan điểm Bộ cần chấn chỉnh chữ Hán viết sai tại các di tích. “Viết cái gì phải do chuyên gia, nhiều chỗ cứ vẽ ba lăng nhăng thành ra lố bịch”, ông nói. Việc sản xuất hoành phi, câu đối mới phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, hiện không có một cơ quan chức năng nào quản lý các làng nghề, nghệ nhân cả về mặt thư pháp lẫn nội dung.
Trước phản ứng của các chuyên gia, một số di tích kịp sửa sai. Đôi lục bình ghi thơ tục được di dời khỏi chùa Vân Tiêu. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những nơi được các nhà nghiên cứu phát hiện. Nhà sử học Dương Trung Quốc nói, mọi thứ cứ thực hiện theo luật di sản. Điều này đòi hỏi trách nhiệm quản lý ở mỗi di tích, địa phương.
“Bộ có động thái chấn chỉnh chữ viết tại đình chùa là việc tuy muộn song cần thiết, nhất là hiện nay loạn chữ thiêng tại hầu hết các di tích cấp quốc gia. Bộ nên có văn bản chính thức quy định đối với các làng nghề, các cơ quan/công ty trùng tu di tích. Bất cứ việc cung tiến, sửa sang, làm mới các linh vật có chữ thiêng (kể cả văn bia, văn chuông...) đều phải có sự kiểm duyệt của một cơ quan chuyên trách chuyên môn, đó là Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam”, TS. Trần Trọng Dương nói.
Không cổ vũ xây chùa mới
GS. TS Nguyễn Quang Ngọc nói, không nên cổ vũ xây mới hoàn toàn đình, đền, chùa. “Nếu người ta xây dựng trên nền cũ, phải tôn trọng giá trị và phải thẩm định giá trị của di tích cũ đó. Làm mới hoàn toàn là không nên. Việc xây mới đình chùa là văn hóa lố, không thể để một làng cho xây vài cái chùa, đình”, ông nói.