Một số chuyên gia cho rằng đại lộ này là “thủ phạm” gây ra tình trạng kẹt xe khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất.
Ngày nào cũng kẹt
Chiều 16/1, các tuyến đường khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất kẹt cứng. Chiều từ quận Gò Vấp đi quận Tân Bình, ô tô xếp hàng dài gần hai cây số, nối từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Trường Sơn, vắt qua giao lộ dẫn vào nhà ga sân bay. Ở hướng ngược lại, nhiều phương tiện bị cản, không chuyển hướng được vào sân bay buộc phải dừng đỗ ngay trên đường để chờ lực lượng chức năng giải cứu. Các tuyến đường xung quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất như Trường Chinh, Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Trường Sơn, Phan Thúc Duyệt (quận Tân Bình, TPHCM)… đều đông nghẹt xe máy và ô tô.
Ông Hải (34 tuổi, lái xe taxi VinaSun) cho biết: Hồi trước chỉ kẹt xe mấy ngày giáp Tết, nghỉ lễ, người ta đi du lịch nhiều còn bây giờ hầu như ngày nào cũng kẹt, bất kể giờ giấc. Có lần tôi đưa khách vào sân bay, bị kẹt hơn một tiếng. Sợ bị “lố” giờ, hành khách phải xuống xe lội bộ mấy cây số vào sân bay.
Theo một số cán bộ chiến sỹ thuộc Đội Cảnh sát giao thông Tân Sơn Nhất, việc thông xe toàn tuyến đường Phạm Văn Đồng đã làm mật độ lưu thông trên tuyến đường Trường Sơn, Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Lý Thường Kiệt tăng cao hơn so với trước. Cụ thể: Nhiều phương tiện từ Quốc lộ 1A, quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp không có nhu cầu sử dụng dịch vụ hàng không nhưng vẫn chọn lộ trình đi theo đường Phạm Văn Đồng – Trường Sơn, đi qua khu vực sân bay Tân Sơn Nhất để đến các quận 5, 6, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh vì chất lượng mặt đường tốt, cự ly di chuyển ngắn.
TS Nguyễn Đình Phúc, chuyên gia đô thị nói: Các tuyến đường xung quanh sân bay chưa được cải tạo, mở rộng, đường mới kết nối từ sân bay ra đường Cộng Hòa chưa mở. Lượng phương tiện giao thông từ các nơi đổ dồn về khiến khu vực xung quanh sân bay trở thành “vùng trũng”, nếu không ùn tắc mới lạ. Tuyến đường Phạm Văn Đồng (còn gọi là đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài thông xe toàn tuyến từ ngày 30/8/2016 với việc kết nối nút giao Nguyễn Thái Sơn với sân bay Tân Sơn Nhất qua hai tuyến Bạch Đằng, Hồng Hà thông suốt đến nút giao Linh Xuân (Quốc lộ 1A).
Theo Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM Nguyễn Văn Tám, tuyến đường tạo ra hướng giao thông mới giúp giảm tình trạng quá tải trên đường Trường Sơn vào sân bay. Đường Phạm Văn Đồng còn là trục đường hướng tâm quan trọng của TPHCM, kết nối từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Quốc lộ 1A và Quốc lộ 1K, tạo hướng giao thông mới qua các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.
Khơi thông các điểm nghẽn
Lãnh đạo Sở GTVT đánh giá đường Phạm Văn Đồng không chỉ giúp người dân đi lại thuận tiện hơn mà còn giảm tình trạng ùn tắc ở các cửa ngõ. “Tuy nhiên, Sở GTVT đã không lường được hệ quả việc mở đường đã thu hút một số lượng rất lớn phương tiện từ các tỉnh, các quận, vùng ven dồn vào khu vực sân bay khiến tình trạng ùn tắc càng trầm trọng hơn”, ông Phúc nói.
Mới đây, UBND TPHCM đã kiến nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư xem xét, lựa chọn dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 4b giai đoạn 1 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuyến metro 4b (giai đoạn 1) bắt đầu từ sân bay Tân Sơn Nhất đi theo đường Trường Sơn, Trần Quốc Hoàn và kết nối với tuyến metro số 5, giai đoạn 1 tại ga Lăng Cha Cả. Tuyến metro số 4b giúp cho việc trung chuyển hành khách ra vào sân bay đến các khu vực khác của TPHCM được thuận tiện và giảm áp lực giao thông tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 5.523 tỷ đồng.
Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM Lê Nguyễn Minh Quang cho biết dự án tuyến nhánh metro 4b giai đoạn 1 nối đến sân bay Tân Sơn Nhất sử dụng vốn, hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại của Hàn Quốc. Dự án hỗ trợ kỹ thuật lập nghiên cứu tiền khả thi được thực hiện bởi Liên danh SAMBO từ tháng 2/2016. Năm 2017, TPHCM sẽ triển khai sáu dự án cấp bách với tổng vốn 1.380 tỷ đồng để kéo giảm ùn tắc các tuyến đường vào sân bay Tân Sơn Nhất. Đó là dự án xây dựng cầu vượt thép chữ Y tại nút giao Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (quận Tân Bình) với kinh phí hơn 770 tỷ đồng (giai đoạn 1 là 394 tỷ đồng, giai đoạn 2 sẽ xây thêm hầm chui qua đường Trường Sơn).
Dự kiến trong tháng này, Khu Quản lý Giao thông đô thị số 3 (Khu 3) sẽ khởi công cầu vượt tại vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm - Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp) với kinh phí hơn 500 tỷ đồng. Cả hai cầu vượt trên sẽ hoàn thành trong năm 2017. Bên cạnh đó, Khu 1 sẽ thực hiện dự án cải tạo, mở rộng đường Hoàng Minh Giám (đoạn từ Công viên Gia Định đến đường Đào Duy Anh và đoạn nối đường Phổ Quang hiện hữu, quận Phú Nhuận) và mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa với tổng mức đầu tư trên 400 tỷ đồng…
Làm việc với Bộ GTVT mới đây, ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho rằng lượng xe trên đường Trường Sơn ùn tắc do nút giao Lăng Cha Cả, Phan Thúc Duyệt quá hẹp. Ông Tú đề nghị xây thêm một cầu cạn tại nút giao này để gỡ nút thắt cổ chai gây kẹt xe cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Dự án xây dựng đường Phạm Văn Đồng có tổng vốn 340 triệu USD, do tập đoàn GS (Engineering Contruction - Hàn Quốc) làm chủ đầu tư, khởi công tháng 6/2008. Đây cũng là dự án đầu tiên tại Việt Nam do nước ngoài đầu tư xây dựng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Tuyến đường dài gần 14 km, mặt đường rộng từ 30-65 m (từ 6-12 làn xe) là tuyến đường nội đô đẹp nhất TPHCM hiện nay.