Sa vào lưới của chính mình

TP - Triết gia Ấn Độ hiện đại Osho (1931-1990) kể lại một giai thoại của Nhật Bản từ thế kỷ XIII. Thời ấy, các tăng sĩ vân du đi khắp nơi, nếu muốn ngủ trọ qua đêm ở một ngôi chùa hay tinh xá nào, họ phải thắng cuộc tranh luận tay đôi với vị sư trụ trì ở đó. Nếu thua, du sĩ phải rời chùa ngay, không được phép ở lại tá túc qua đêm.

Một nhà sư lang thang đến một ngôi chùa và buộc phải tranh luận trong im lặng với một nhà sư trẻ chột mắt. Sau cuộc đàm đạo trong im lặng, nhà sư lang thang đến chào vị sư cao niên trụ trì để giã từ và nhận rằng mình đã thua trong cuộc đàm thoại.

Ông kể: “Tôi giơ một ngón tay hàm ý Phật, người giác ngộ. Nhà sư trẻ giơ hai ngón hàm ý bên cạnh Phật còn có Pháp, tức là giáo lý. Tôi giơ ba ngón tay hàm ý cả Phật, cả pháp, cả Tăng, tức là thêm giáo hội nữa. Nhà sư bèn đấm vào mặt tôi nảy đom đóm, hàm ý cả ba báu vật tam bảo ấy đều xuất phát từ một sự thôi, đó là sự giác ngộ. Một quả đấm tuyệt vời. Một là tất cả, tất cả là một. Tuyệt. Tư tưởng thật sâu xa”.

Nhà sư thua cuộc đi rồi, vị sư huynh mới hỏi sư đệ về cuộc đấu trí. Nhà sư trẻ chột mắt bèn giải trình về cái kết cục bạo lực:

“Đấu trí gì đâu. Vừa mới vào cuộc hắn đã giơ một ngón tay hàm ý em chột một mắt. Em lịch sự giơ hai ngón tay mà rằng em khen hắn còn đủ hai mắt. Hắn không dừng lại, hắn tiếp tục giơ ba ngón tay mà rằng cả em và hắn cộng lại cũng chỉ có ba mắt mà thôi. Thế thì hắn phải ăn đấm”.

***

Các bậc trí thức, các nghệ sĩ đều ít nhiều loay hoay trong tấm lưới tư duy bùng nhùng, một kiểu méo mó nghề nghiệp.

Hầu hết các chuyên môn đều có xu hướng phức tạp hóa những điều đơn giản.

Chẳng hạn trong ngôn ngữ học: quan hệ hai người phân chia tài sản, một bên được lợi, một bên bị thiệt, như vậy có thể gọi là quan hệ lợi - hại, đơn giản và dễ hiểu. Nhưng ngôn ngữ học đặt cho nó một khái niệm to tát: quan hệ phản đối xứng. Cả một tập hợp những khái niệm như thế có lẽ chỉ chết học trò, cố mà nhớ cho hết nếu không muốn bị trượt vỏ chuối.

Chẳng hạn các nhà thơ: Ngày hằng sống ngày hằng thơ. Đồ rằng người viết từng rất tâm đắc với chữ hằng thơ ấy. Bẻ bai ra được một chữ bèn ngấm ngầm tự xưng tụng. Suy cho cùng xoắn vặn câu chữ rồi âm ỉ tự sướng cũng là tự sa vào một tấm lưới méo mó nghề nghiệp.

Một nhà thơ khác thì dịch một câu thơ nước ngoài ra tiếng Việt, về một người đàn bà có mang - một bà bầu: Bụng mang mẻ những niềm đau của thế gian. Sinh thời, nhà thơ vốn là người hay bình thơ, bẻ từng chữ ra mà phân tích, và ông cũng tự khoái với chữ mang mẻ này lắm.

Rất nhiều câu thơ được tụng ca là hay là táo bạo mạnh mẽ, thực ra chỉ là sự mạnh mẽ của một cơn bão trong cốc nước. Suy cho cùng, đấy cũng chỉ là sự cầu kỳ từ ngữ, lại được các nhà bình tán thổi lên thành ý nghĩa, “nâng cao quan điểm”, kiểu suy diễn của du sĩ khi tranh luận với ông chột ở trên. Sự suy diễn và bình tán có khi cũng khiến cho những cầu kỳ hổng rỗng tưởng như đã mang màu sắc tư tưởng. Hạc trắng!/Hạc trắng!/những con đã sinh ra thì đã chết/những con chưa chết thì chưa sinh ra… Anh đủ sức đập vụn mình ra mà ghép lại/Nung chảy mình ra mà tìm lõi/Xé toang mình ra mà kết cấu...

Có hai câu thơ được trích dẫn nhiều: Những cô hàng xén răng đen/Cười như mùa thu tỏa nắng.

Nhà văn Tô Hoài có lần bình, thơ của nhà thơ này là giấy trang kim.

Giấy trang kim? Đấy là loại giấy có tráng một lớp đồng óng ánh bóng bẩy sặc sỡ, thường dùng để trang trí.

Không buộc thơ phải chính xác, dù sao thì cười như mùa thu tỏa nắng là nụ cười của một cái miệng đầy răng vàng. Nhưng bị cuốn theo vần vè nhịp điệu du dương, theo cái so sánh bao la, người ta cũng sao nhãng mà quên rằng răng đen cười lên thì dù có lấp lánh cũng là nụ cười lấp lánh trong thăm thẳm đêm thâu.