Quán cơm 1.000 đồng

TP - Nhiều tháng nay, con đường Đỗ Ngọc Du (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) mỗi trưa đều đông người bán vé số, thu chai bao, sinh viên nghèo… lui tới. Họ tìm đến quán cơm ân tình chỉ bán với giá 1.000 đồng mỗi suất.
Nhiều tháng nay, quán cơm 1.000 đồng (đường Đỗ Ngọc Du, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) là địa chỉ người lao động nghèo, sinh viên thường tìm đến mỗi trưa. Ảnh: Thanh Trần

Cơm rẻ nhất thành phố, đối đãi như ở nhà

Quán cơm 1.000 đồng nằm đầu đường Đỗ Ngọc Du, trên chiếc tủ kính đựng thức ăn ghi  “Cơm 1.000đ” để mọi người dễ nhận biết. Hằng ngày, khoảng 11h trưa, quán bắt đầu đón người lao động nghèo và sinh viên tới ăn cơm. Mỗi suất 1.000 đồng, mọi người ăn xong tự giác “thanh toán” tại thùng quỹ trong quán. Vừa móm mém ăn, cụ Nguyễn Văn Hòa (87 tuổi, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) vừa gật gù: “Đĩa cơm có 1.000 đồng, mà bữa nào tui ăn cũng thấy ngon miệng và no. Trước nay cũng gặp một vài nơi bán cơm từ thiện rồi, nhưng chưa chỗ nào bán rẻ như ở đây cả”. Suất cơm với 3 món gồm thịt hoặc trứng, đồ xào và canh, nhìn rất bắt mắt.

“Tôi và bạn bè đã trải qua những tháng ngày sinh viên chỉ có mì tôm và những bữa cơm kham khổ. Bữa ăn nào cũng chật vật, quay quắt đến nỗi ước chi có quán cơm từ thiện để ăn một bữa…”.

Anh N.H.P

Những tốp thợ hồ từ công trường gần đó cũng lần lượt vào quán rồi thoải mái kéo ghế ngồi trò chuyện rôm rả. Người còn lấm bụi và nhễ nhại mồ hôi, ông Nguyễn Vinh (60 tuổi, quê Quế Sơn, Quảng Nam) đùa về quê ăn Tết mấy hôm thèm cơm 1.000 đồng không chịu nổi. Từ ngày biết quán cơm này, đội phụ hồ của ông thường xuyên tới đây vì vừa có cơm rẻ tiền, vừa sạch sẽ. “Tui ưng bụng nhất là mấy chị phục vụ coi tụi tui như người nhà. Biết tụi tui làm việc nặng, mấy chị luôn dặn ăn thiếu cơm thì cứ nói để múc thêm, phải no mới làm việc nổi. Được đối đãi rứa nên khi ăn xong tụi tui tự giác bưng khay đi cất, không phiền quán thêm nữa”, ông nói.

Quán mở cửa từ thứ Hai tới thứ Sáu hàng tuần, riêng ngày rằm và mồng một bán cơm chay, trung bình mỗi ngày phục vụ hơn 100 suất cơm cho người lao động và sinh viên nghèo. Nhiều người đi bán vé số, mua chai bao cách quán vài cây số nhưng buổi trưa vẫn tới đây ăn cơm cho đỡ tiền. Bà Ngô Thị Tám (huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) ra Đà Nẵng bán vé số, mỗi ngày kiếm được 50.000 - 60.000 đồng, ăn cơm bụi hết một nửa, ngày nào ế khách coi như bán không đủ ăn. “Từ bữa biết cơm 1.000 đồng tui ăn miết ở đây. Nhờ rứa nên ngày mô cũng dư thêm chục, mười lăm ngàn. Hồi trước gặp quán bánh mì 1.000 đồng đã thấy mừng, không ngờ giờ lại có cả cơm 1.000 đồng nữa. Quán cơm ni thiệt sự giúp người nghèo tụi tui bớt phải chật vật, lại còn ấm lòng vì được xã hội quan tâm nữa”, bà Tám nói.

Nối dài việc nghĩa

Quán cơm đông người tới lui là vậy, nhưng ít ai biết được những bữa cơm ân tình ấy xuất phát từ tấm lòng của một người quê Long An -  anh N.H.P, 34 tuổi, hiện là chủ một doanh nghiệp ở Đà Nẵng. Anh P. không muốn nêu tên lên báo, vì anh mang bữa cơm đến với người nghèo để giúp họ bớt chật vật, chứ không phải để mọi người biết mình làm từ thiện.

Ngày trước, anh P. lên TPHCM trọ học cùng hai người bạn. Gia cảnh ai cũng nghèo, mấy năm làm sinh viên là chừng ấy thời gian gắn với mì gói và những bữa cơm hết sức kham khổ. “Nhiều lúc mì gói hết, gạo hết, cộng thêm ăn uống thiếu thốn triền miên nên tụi tui chỉ ước có một quán cơm từ thiện nào đó để ăn cho thiệt đã. Lúc ấy, ai cũng nói với nhau gắng học hành, sau này đi làm có tiền sẽ mở một quán cơm từ thiện giúp sinh viên và người nghèo”, anh nhớ lại.

Năm 2012, anh P. tới Đà Nẵng và làm nhân viên kinh doanh cho một công ty rồi lập gia đình. Về sau, anh gây dựng được một cửa hàng nhỏ chuyên về vật tư y tế rồi dần dần phát triển lên. Lời hứa mở quán cơm cho người khó khăn những năm tháng sinh viên được anh bắt đầu vào tháng 10/2016. Bằng cách kêu gọi hàng chục nhân viên trong công ty mình cùng đóng góp 2% lương mỗi tháng, số còn thiếu anh tự trừ vào lương của mình. Ban đầu, anh định đề là quán cơm miễn phí, nhưng sợ người nghèo nghe hai từ “miễn phí” sẽ tự ái không tới ăn nên quyết định bán với giá 1.000 đồng. Dù là cơm từ thiện, nhưng anh chăm chút từ khẩu phần ăn đến cách phục vụ, đối đãi. Anh chia sẻ: “Tôi luôn nhắc các chị nấu nướng phải đổi món liên tục, đảm bảo vệ sinh và đối xử với mọi người không phân biệt. Ai tới cũng phải nhẹ nhàng, tử tế, không được chạm tới lòng tự trọng của người khó khăn”.

Một điều đặc biệt ở quán cơm này nữa là việc nghĩa được lan tỏa, nối dài. Từ những tờ tiền lẻ của người khó khăn bỏ vào thùng sau bữa cơm, quán không lấy làm chi phí chợ đò mà gom lại, hàng tháng trao cho Hội nạn nhân chất độc da cam thành phố.  Anh P. nói đó là cách để nối dài việc nghĩa, làm cầu nối gửi gắm tấm lòng của người nghèo đến với những người kém may mắn hơn. Không chỉ vậy, quán còn là điểm tiếp nhận thực phẩm an toàn, quần áo của các mạnh thường quân và người dân để giúp người gặp hoàn cảnh khó khăn.