'Quả bom' thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu

TP - Lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại Lâm Đồng thải ra rất lớn, ước tính 560-800 tấn/năm nhưng bị vứt bỏ tràn lan khiến môi trường bị đe dọa.
Bao bì thuốc BVTV ở hồ nước sinh hoạt Đan Kia.

Với việc sử dụng tới 7.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) mỗi năm, Lâm Đồng là địa phương sử dụng thuốc vượt mặt bằng chung, cao hơn nhiều so với các tỉnh thành khác.

Ngày 17/8, Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho biết, những năm gần đây trung bình mỗi năm tỉnh sử dụng tới 7.000 tấn thuốc BVTV, tập trung chủ yếu tại vùng chuyên canh rau, hoa, chè, cà phê ở Đà Lạt và các huyện Đơn Dương, Đức Trọng. Lượng bao bì thuốc BVTV thải ra môi trường lên đến 560-800 tấn/năm nhưng hầu hết không được xử lý theo đúng quy định đối với rác độc hại.

Một nghiên cứu của Viện Môi trường nông nghiệp Việt Nam cho thấy lượng thuốc BVTV còn bám lại trên vỏ bao bì bình quân chiếm 1,85% tỷ trọng bao bì. Trong khi đó, theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Lâm Đồng Lương Văn Ngự, đa số người dân chưa ý thức được tác hại của rác thải này nên sử dụng xong thì thu gom cùng rác thải sinh hoạt rồi đem đốt hoặc vứt bỏ trên đồng ruộng, lối đi, mương nước, bờ sông, khe núi… gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường đất.

Chất thải độc hại này đã theo nước mưa, sông suối chảy về các hồ chứa nước gây ô nhiễm, đặc biệt là những hồ chuyên cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Lạt như Chiến Thắng, Tuyền Lâm, Đan Kia...

Theo kết quả quan trắc định kỳ của Sở TN&MT Lâm Đồng, nước hồ Đan Kia (diện tích mặt nước hơn 206 ha, dung tích chứa nước hơn 11 triệu m3) có xu hướng gia tăng về mức độ ô nhiễm, chủ yếu là các thông số về chất hữu cơ và chất rắn lơ lửng. Đợt quan trắc tháng 10/2014 cho thấy có sự phát triển chiếm ưu thế của loài tảo lam Microcystis aeruginosa, loài tảo độc hại chỉ xuất hiện khi môi trường nước bị ô nhiễm. Năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, các chất dinh dưỡng vượt quy chuẩn cho phép, vào những thời điểm giao mùa và đầu mùa mưa, các thông số Sắt cũng vượt quy chuẩn. Đây sẽ là yếu tố ô nhiễm tiềm ẩn ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng nước. Nguyên nhân có thể do rác thải nông nghiệp, rác và nước thải sinh hoạt của các khu dân cư phía thượng nguồn chưa được thu gom và xử lý đúng quy định.