Cầm cự
Bà Thanh Nga (Cty du lịch 365 Travel) kể, từ gần trăm nhân viên công ty phải cho nghỉ luân phiên với mức lương 4-8 triệu đồng. Rồi do dịch quá dài nên hiện chỉ duy trì khoảng hơn 20 nhân sự. Công ty này còn may mắn có tòa nhà cho thuê một phần để lấy thêm kinh phí duy trì hoạt động. Ông Vũ Việt Hùng (HA Travel) thừa nhận, công ty đến nay chỉ còn 6 người.
Tổng cục Thống kê vừa công bố, năm 2020 Việt Nam chỉ đón 3,8 triệu lượt khách quốc tế, giảm 78,7% so với năm trước trong đó hơn 96% đến trong quý I. Sau dịch bệnh, Chính phủ chưa mở cửa du lịch quốc tế nên khách chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam. Khách quốc tế đến trong tháng 12 ước tính đạt 16,3 nghìn lượt người.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm nay ước tính đạt 510,4 nghìn tỷ đồng. Loạt điểm đến như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam, TPHCM, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu đều ghi nhận sự sụt giảm mạnh ở doanh thu du lịch, lữ hành. Dịch bệnh còn khiến hàng triệu lao động trong hơn 4 triệu lao động trực tiếp của ngành mất hoặc phải chuyển việc.
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lữ hành không mấy lạc quan về bức tranh du lịch 2021. Ông Phạm Hà, Giám đốc Luxury Travel cho rằng, khách quốc tế chỉ quay lại khi vắc-xin được phổ biến rộng. Ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO của AZA Travel nhận định, thời điểm đón khách quốc tế còn trễ hơn. Du lịch trông chờ cầm cự ở khách nội địa mà lượng khách này không thể tăng đột biến bù đắp vào doanh thu, vì thế các doanh nghiệp bàn cách bắt tay nhau vượt qua đận khó khăn này.
Phải sống
Một giám đốc công ty du lịch nói vui, ai đó nói sống chết với du lịch nhưng tốt hơn hết chỉ nên sống với du lịch thôi. Vì lẽ đó thay vì ngồi chờ vắc-xin hay chờ khách quốc tế quay lại, các doanh nghiệp buộc phải học cách xoay xở và chuyển đổi thật linh hoạt. Ông Nguyễn Tiến Đạt nhận xét, nhiều doanh nghiệp chuyên đón khách quốc tế trước đây rất “kiêu” vì luôn sống tốt, nay phải học cách quay lại với khách Việt. Muốn phục vụ khách Việt thì công sức gấp năm nhưng lợi nhuận chỉ bằng 1/5 so với khách quốc tế. Khó đấy nhưng buộc phải làm để duy trì công việc cho lao động, coi như trước đây “giàu sụ” thì giờ nên sống vừa đủ thôi.
Trong bối cảnh ngành du lịch điêu đứng vẫn có một vài doanh nghiệp lữ hành sống khỏe. Bà Việt Anh, Phó Giám đốc Pys Travel chia sẻ kinh nghiệm khai phá thị trường khách nội địa theo cách riêng. Chẳng hạn thay vì tua đi Hà Giang 4-5 ngày như tua truyền thống, doanh nghiệp chỉ xây dựng tua 3 ngày đảm bảo thăm đủ các địa danh nổi tiếng của Hà Giang, khởi hành từ Hà Nội vào thứ 6 phục vụ khách văn phòng. Hễ dân phượt đến đâu liền khảo sát xây dựng tua đến đó. Bình Liêu năm nay nổi lên là điểm đến cực hút, chỉ mình Pys Travel “ôm” hết dịch vụ kinh doanh ở đây, nên nhiều công ty khác muốn khai thác cũng khó, đành chấp nhận làm đại lý “gom” khách.
“Tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp vẫn cần liên minh, chúng tôi cũng vậy không thể một mình một ngựa, nhất là khi bán sản phẩm mới”, bà Việt Anh nói. Ông Nguyễn Tiến Đạt thẳng thắn, không thể trông chờ vào cách làm cũ. “Nội địa vẫn có cửa sống để duy trì doanh nghiệp. Muốn vậy không còn cách nào khác ngoài liên minh, nhất là doanh nghiệp nhỏ để giảm bớt rủi ro và tăng sức mạnh. Trước đây doanh nghiệp kinh doanh khách nội địa là các con hổ độc lập chiến đấu, trong bối cảnh này buộc phải hoạt động theo bầy sói. Đây không hẳn bức tranh quá đẹp nhưng phù hợp để đưa doanh nghiệp tồn tại”, ông Đạt nói.
Sau COVID-19, bà Nguyễn Thùy Dương xoay sang kinh doanh lĩnh vực khác, sáng lập và điều phối một số nhóm như VN DMC (các công ty lữ hành quốc tế). Bà Dương nhận định các doanh nghiệp lữ hành còn có nguồn cả chục triệu khách Việt du lịch nước ngoài và tiêu tiền cực nhiều, vì thế các doanh nghiệp nên hợp tác để có thêm miếng bánh từ nguồn này. Muốn phục vụ tốt hơn khách nội địa cần nắm rõ hành vi, xu hướng của khách. Ông Phạm Hà, giám đốc Luxury Travel nhận xét du khách sau này sẽ đi theo nhóm nhỏ, có xu hướng du lịch xanh hơn, du lịch chậm và quan tâm nhiều hơn tới gói chăm sóc sức khỏe toàn diện. Đây cũng là xu hướng được TAB đưa ra qua các khảo sát sau đại dịch, là nguồn tham khảo cho các doanh nghiệp chuyển đổi sản phẩm và thị trường.
Mong sớm có bộ tiêu chí an toàn
Chấp nhận bức tranh u ám của du lịch năm tới, tuy nhiên đại diện các doanh nghiệp lữ hành mong mỏi Chính phủ, bộ, ngành quan tâm và đưa quyết sách kịp thời. Cụ thể, khách quốc tế hiện quan tâm rất nhiều tới lộ trình, tiêu chí an toàn khi Việt Nam mở cửa du lịch trở lại.
“Nhiều công ty đối tác đánh giá cao việc chống dịch an toàn ở Việt Nam, họ háo hức lập tua đưa khách tới ngay khi có thể. Họ mong có những thông tin hướng dẫn, bộ tiêu chí an toàn phòng dịch cho phương tiện vận chuyển, cửa khẩu, nhà ga, sân bay, các điểm tham quan, khu vui chơi giải trí, các cơ sở mua sắm, các cơ sở lưu trú du lịch”, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc công ty Handspan nêu.