Phải có quy định xử lý vi phạm nhà công vụ

TP - Ngày 12/8, thảo luận dự án Luật Nhà ở, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, nên có quy định thống nhất về nhà công vụ, đồng thời có quy định xử lý vi phạm trong quá trình sử dụng nhà công vụ, không nên quay lại tư duy bao cấp nửa vời về nhà ở.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý. Ảnh: Phương Hoa

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) Phan Trung Lý cho biết, có nhiều ý kiến khác nhau về nhà ở công vụ. Bên cạnh ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật, có đề nghị chỉ áp dụng chế độ nhà ở công vụ cho cán bộ cấp cao cần bảo vệ an ninh, không áp dụng chế độ này cho các đối tượng được điều động, luân chuyển khác. 

Có ý kiến đề nghị chỉ đầu tư xây dựng nhà công vụ tại khu vực vùng sâu, vùng xa, còn đối với cán bộ khi được điều động, luân chuyển đến các thành phố lớn thì đưa chế độ nhà ở công vụ vào tiền lương nhằm tránh lãng phí, dàn trải...

UBPL cho rằng, nếu quy định bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ cấp cao có yêu cầu bảo vệ an ninh hoặc chỉ bố trí cho các cán bộ tại khu vực vùng sâu, vùng xa mà không bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ tại các thành phố lớn thì việc thực hiện chính sách điều động, luân chuyển cán bộ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. 

Việc quy định tạo lập quỹ nhà ở công vụ để cho các đối tượng được điều động, luân chuyển công tác, giáo viên, bác sỹ... làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuê là hết sức cần thiết, nhằm tạo điều kiện cho những người này yên tâm công tác. 

Đây cũng là một trong những chính sách cán bộ của Đảng và Nhà nước đang được triển khai trên thực tế theo quy định của Luật Nhà ở hiện hành. 

“Trong điều kiện hiện nay, chưa thể áp dụng chế độ nhà công vụ cho tất cả đối tượng cán bộ, công chức đang thực hiện công vụ, đồng thời việc đưa tiền thuê nhà ở công vụ vào tiền lương là phá vỡ mặt bằng chung về chế độ tiền lương và khó khả thi. Do đó, Thường trực UBPL đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách về nhà ở công vụ như Luật Nhà ở hiện hành, bổ sung chặt chẽ về đối tượng, việc quản lý, sử dụng nhà công vụ trong dự thảo Luật”, Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý nói. 

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lưu ý, quy định về nhà công vụ như hiện hành đã quá lạc hậu, phải thay đổi. Theo ông Phước, phải xây dựng nhà công vụ theo nhu cầu công tác cán bộ, không phải chỉ vùng sâu, vùng xa, đô thị lớn, mà các tỉnh cũng có nhu cầu khi có luân chuyển cán bộ từ huyện về tỉnh.

“Luật nên quy định về nhà ở công vụ, nhất là khi chưa giải quyết nhà công vụ vào lương và cũng không nên để mỗi cơ quan làm một kiểu, không đúng nghĩa là nhà công vụ. Nhà công vụ là nhà phục vụ cho cán bộ, công chức, phải có thứ bậc, có sự công bằng”, ông Phước nói. 

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tán thành quy định nhà ở công vụ dành cho đối tượng là cán bộ luân chuyển công tác. Nhưng quan trọng là giá nhà công vụ phải phù hợp, có sự bình đẳng. Cần có công thức chung, tránh mỗi nơi, mỗi cơ quan quy định một giá khác nhau.

Về vấn đề nhà ở công vụ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, lần này, luật quy định về nội dung nhà ở công vụ phải rõ. 

Ví dụ, trước đây, có người sau khi sử dụng xong không trả lại nhà, hay có vi phạm trong quá trình sử dụng nhà công vụ, nay phải có quy định để giải quyết những vấn đề như vậy.

Mỗi luật sinh ra một quỹ?

Một số ý kiến cho rằng, Nhà nước cần giữ vai trò chính trong phát triển nhà ở xã hội, nhưng phải bảo đảm sử dụng nhà ở đúng mục đích, tránh lợi dụng các cơ chế ưu đãi để hưởng lợi. 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến nêu việc xây dựng nhà ở xã hội là trách nhiệm của nhân dân, Nhà nước chỉ thực hiện hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, cần quy định rõ đối tượng được thụ hưởng nhà ở xã hội, tránh bao cấp tràn lan. 

Thường trực UBPL cho biết, mục tiêu phát triển nhà ở xã hội là nhằm trợ giúp các đối tượng có khó khăn mua, thuê, thuê mua nhà ở; nhiều nước trên thế giới đã xác định đây là trách nhiệm chính của Nhà nước.

“Việc phát triển loại hình nhà ở xã hội không thu được nhiều lợi nhuận do mức giá được xác định chặt chẽ, mức lợi nhuận được khống chế, thu hồi vốn chậm, do đó cần phải có nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế”, Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý kiến nghị.

Tờ trình của Chính phủ và nội dung của dự thảo Luật đề nghị thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội tạo thêm kênh huy động vốn nhằm trợ giúp các đối tượng khó khăn về nhà ở được vay vốn từ Quỹ để mua, thuê, thuê - mua nhà ở xã hội; hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn tham gia phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, nên cân nhắc việc thành lập một quỹ như vậy. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn, mỗi luật lại quy định phải có một cái quỹ như vậy có nên không? Chúng ta không nên làm theo kiểu bao cấp nửa chừng. Ngoài ra, cũng không nên có một cơ quan đi xây nhà rồi đi bán nhà ấy, cuối cùng lại giống như việc bán nhà theo Nghị định 61.

Minh bạch giá nhà

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dự thảo Luật cần quy định và làm rõ vấn đề sở hữu diện tích chung/riêng đối với nhà chung cư; làm rõ giá bán nhà được tính toán ra sao đối với phần diện tích đó. Đồng thời, Luật cần quy định nhà chung cư phải có nơi vui chơi cho trẻ em, có chỗ cho người già, tổ dân phố sinh hoạt. Nếu chủ đầu tư chỉ tập trung vào kinh doanh, làm chỗ để ô tô thì cũng không được.

“Nhà 10, 20 tầng, người ta đổ xuống dưới, Trung thu sắp tới rồi, trẻ em sẽ vui chơi ở đâu? Luật phải quy định những vấn đề đang đặt ra”, bà Ngân lưu ý.

Một số ý kiến đồng tình, minh bạch giá nhà, minh bạch diện tích sử dụng chung cần phải được làm rõ trong luật này. Bên cạnh đó, hiện nay có nơi để giá nhà ở xã hội cao hơn giá nhà thương mại là không hợp lý, chất lượng nhà ở xã hội quá thấp cũng khiến người dân lo ngại.

Tạo sự bình đẳng mua nhà

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, Luật Nhà ở cần tạo sự bình đẳng cho các đối tượng trong việc mua nhà. Có ý kiến lo ngại người nước ngoài đến Việt Nam mua nhà để rửa tiền, nhưng bản chất không phải vậy. 

“Nếu chúng ta không quản lý được khối tài sản xã hội thì rửa tiền vẫn xảy ra. Người ta vẫn ôm cả va li tiền đi nhưng cũng không ai biết được. Nên quy định bình đẳng trong thanh toán giữa người Việt Nam và người nước ngoài khi mua nhà. Hành vi rửa tiền đã có các luật khác quy định, không nên dùng rào cản trong luật này”, ông Quyền nói.