20 gói cà phê mỗi ngày
Chị Trăm là người phục vụ cho một bệnh nhân bị trụy tim đã rơi vào mê sảng dài ngày. Chỉ được trả công 300.000 đồng/ngày đêm để chăm sóc người bệnh còn khá trẻ. 24 giờ mỗi ngày túc trực bên giường bệnh, đôi khi người nhà mới tới thăm bệnh nhân nên không ngạc nhiên khi người xung quanh cứ nhầm chị là vợ, hoặc chị, hoặc em của người bệnh đang nằm trên giường!
Chị Trăm nói với tôi: “Tôi tranh thủ kiếm thêm nuôi đứa con đang học nghề y. Ngày lễ tết họ trả gấp đôi nên cũng kiếm thêm được chút tiền”. Chị kể: “Thật ra tôi cũng có một vài công việc khác, nhưng vì người nhà làm trong bệnh viện lại quen với các bệnh nhân mới vào, gọi điện bảo có rảnh thì nhờ chăm người bệnh giùm, tội nghiệp họ quá, vào viện mà không ai chăm. Thế là tôi thu xếp cho công việc mới”.
Chị hỏi thăm tôi có thể viết báo về trường hợp chị đang chăm sóc. Anh này mới hơn 30 tuổi, đang kinh doanh đồ điện tử, bất ngờ trụy tim, tưởng không sống được. Mấy bệnh viện trả về, mãi đến khi vào bệnh viện Nhân dân 115 nhờ điều trị tích cực nên qua khỏi cơn nguy kịch. nhưng mấy tháng nay bệnh nhân vẫn trong tình trạng mê sảng. Hỏi “vợ anh ta đâu?”, mới biết vợ cũng đang phải ở nhà chăm bố chồng cũng bị tai biến nằm một chỗ. Buổi tối, chừng 2-3 giờ sáng, cô vợ lại gọi điện vào hỏi thăm chồng mình thế nào. Trong những cơn mê sảng, bệnh nhân cứ gọi chị là vợ. Chị bảo: “Không phải, tôi là chị của anh”, thì anh ta lại gật gù. Được một lúc anh lại: “Vợ ơi, vợ ơi, sao tay anh run run thế này”. Chị cầm tay, mở nhạc cho nghe, nịnh đủ kiểu, anh mới chợp mắt được.
Sợ bệnh nhân co giật, rơi xuống giường, chị Trăm hầu như thức thâu đêm. Nếu nằm cùng giường bệnh thì chật quá, nằm dưới đất lại không trông được, nên chị ngủ ngồi dưới đất, tay thì ôm lấy bệnh nhân dè chừng. Cứ thế mà sống trong tình trạng nửa ngủ nửa thức. Chị Trăm mỗi ngày uống 10 cữ cà phê, mỗi lần pha 2 gói, để chống lại cơn buồn ngủ do thiếu ngủ triền miên.
Đường dây đen
Chị Liên, một ôsin bệnh viện đến từ tỉnh Bến Tre. Chị làm nghề chăm sóc người bệnh được nhiều năm rồi, song sau ngần ấy năm, mọi thứ không hề thay đổi. “Chúng tôi có khoảng 100 người chăm bệnh trong các khoa khác nhau, chúng tôi đến từ các tỉnh khác nhau và làm việc qua sự điều phối của “cò” bệnh viện”. Để vào làm ô sin trong bệnh viện, chị phải đóng cho đám cò 500.000 đồng “nếu không đóng thì họ đuổi mình ra khỏi viện ngay lập tức”.
Chị Thương, một người chăm bệnh nhân “nghiệp dư”, đi chăm người bệnh giùm bạn. Chị vừa vào viện ngày đầu tiên, “cò” đã tới hất hàm hỏi: “Đi chăm bệnh lấy tiền đúng không?”. Chị nói “đúng”, quả là chị đi giúp người quen, nhưng họ cũng cho tiền bồi dưỡng. “Cò” bảo: “Đưa tiền đi rồi hãy làm, chăm mỗi bệnh nhân, đóng 800.000 đồng”. Lúc đó, người nhà bệnh nhân mới tới, nói cứng: “Các người làm gì đấy! Đây là người nhà tôi, chứ có phải ôsin đâu”. Nhưng để bảo vệ an toàn cho người bạn của em mình, anh này cũng phải móc túi đưa cho đám cò 300.000 đồng.
Chị Liên thành thật bày tỏ và tôi chợt nhận ra góc khuất của “cò”. “Thật ra, nếu không có “cò” thì chúng tôi không biết xin việc ở đâu. Tôi cũng vài lần tự liên hệ xin chăm nuôi bệnh nhân, nhưng người ta không tin tưởng, sợ mình trộm cắp, hoặc không có kinh nghiệm. Còn “cò” thì họ làm trong bệnh viện từ lâu rồi, họ đảm bảo công việc cho mình”.
Khi bệnh nhân vừa tới viện, bác sĩ chưa tới, “cò” đã tới hỏi: “Có người chăm sóc bệnh nhân chưa? Nếu chưa, chúng tôi sẽ cung cấp cho, ưng ý thì thôi”. Chúng tôi lấy làm lạ, sao “cò” lại đảm bảo “chắc như cục gạch vậy?”. Thì ra họ nắm trong tay một lực lượng người giúp việc trong bệnh viện rất dồi dào. “Cò” cung cấp người chăm bệnh, thu phí 500 ngàn, cho phép người nhà bệnh nhân 3 lần đổi người phục vụ của họ, mỗi lần đổi mất thêm 50.000 đồng phí.
Hành lang là nơi sinh sống của osin bệnh viện. Ảnh: T.N.A
Một người nhà bệnh nhân người Khmer nói bà rất ngạc nhiên khi trong các bệnh viện rất đông người phục vụ gốc Khmer. Bà này kể: “Khi gia đình tôi có nhu cầu “cò” điều tới một người nom khá lam lũ, chúng tôi không ưng ý lắm, “cò” liền bảo sẽ đổi người khác. Lúc sau có người tới, trắng trẻo đẹp trai, ăn mặc áo trắng, sơ vin, cứ tưởng là bác sĩ, không ngờ người ấy nói: tôi cũng là người chăm bệnh nhân, được điều tới để thay người cũ, theo yêu cầu của gia đình bà!”. Cả hai người ấy đều là người Khmer. Có lẽ bệnh nhân người Khmer ở đây đông nên “cò” cũng tuyển nhân sự cho hợp phong tục tập quán.
Người chăm bệnh chuyên nghiệp coi “cò” như một phần không thể tách ra được trong cuộc đời họ, những kẻ vừa tạo công ăn việc làm vừa chăn dắt họ, nhưng người nhà bệnh nhân thì không nghĩ như vậy. Cô Linh, mẹ một bệnh nhân nói: “Người ta đã nghèo khổ, vào bệnh viện kiếm việc, ăn cơm nguội, ngủ gầm giường, thế mà tiền mình trả cho họ, họ lại phải đem đi nộp để nuôi “cò”. Nhiều người khuyên ôsin bệnh viện “đừng đóng tiền cho bọn cò nữa, bất công quá, chúng nó ác quá, hớt miếng ăn của những kẻ khốn cùng”. Khi tôi vào tìm hiểu thông tin, đúng lúc mấy người chăm bệnh gặp nhau, mặt mày tái mét, kể: “Có bà H. vào chăm bệnh, không chịu đóng tiền cho bọn cò, chúng nó nhắc hai lần, sáng bà H. xuống mua nước sôi, bị chúng quây lại đấm đá liền”.
Một vài bác sĩ cũng ái ngại với việc cạnh tranh không lành mạnh giữa những nhóm người ở bên ngoài bệnh viện trong việc chăm sóc bệnh nhân. Một bác sĩ bệnh viện 115 còn bảo tôi: “Xe đưa đón bệnh nhân còn bị chúng ném vỡ cả kính vì không phải xe do chúng nó làm “cò”. Người nhà bệnh nhân chia sẻ, bệnh viện có nước miễn phí cho người phục vụ, nhưng chúng tôi vẫn phải ra ngoài mua vào dùng: “Nếu miễn phí thì bên ngoài làm sao bán nước được. Luật bất thành văn rồi, phải mua mà uống”. Quả thật, thùng nước đề “miễn phí” để đó, nhưng thùng nước để cả ngày vẫn cứ đầy!
Trăn trở
Những người chăm bệnh tâm sự rằng, họ “chỉ có một ước ao là đến lúc nào đó không phải làm nghề này nữa”. Một ôsin chia sẻ rằng, cô đã “vuốt mắt cho 6 bệnh nhân lúc họ qua đời, vì xung quanh không có người nhà”. Nỗi ám ảnh ấy sẽ theo cô suốt đời. Một người khác ám ảnh: “Bệnh nhân suy thận, vào viện, chết nửa đêm, người nhà không có, tay tôi quấn chăn, ôm xác đi ra khỏi phòng hồi sức”.
Giấc ngủ vội vàng.
Trong phòng hồi sức đặc biệt, nơi nhiều bệnh nhân tử vong và chính các bác sĩ cũng nói rằng phải cẩn thận vì nhiều vi trùng vi khuẩn, song ở trong những phòng bệnh đặc biệt đó, vẫn thường có nhiều ôsin bệnh viện, cứ chăm người này xong, lại tiếp chăm bệnh nhân mới. Phòng hồi sức đặc biệt ít khi mở cửa trừ giờ thăm bệnh và lúc thay bình oxy. Những người phục vụ bám trụ trong những căn phòng yếm khí đó.
Chị Bình đồng nghiệp với chị Liên đúc kết: “Ở TPHCM, nhiều bệnh viện lớn, bệnh viện quốc tế việc chăm sóc đều do bệnh viện đảm nhận. Họ được tuyển dụng và điều phối người chăm bệnh bằng hợp đồng công việc. Nhưng nhiều bệnh viện chưa có điều kiện để tổ chức mảng chăm sóc bệnh nhân, thì toàn bộ hoạt động này đều do “cò” điều khiển từ bên ngoài”.
Tôi cũng hỏi chị Trăm và nhiều người khác vì sao họ lại không tìm việc ở các bệnh viện có ký hợp đồng với người chăm bệnh, được bệnh viện bảo vệ quyền lợi. Chị Trăm nói: “Làm nghề này, đa số giấu gia đình, bạn bè, nên rất ngại để nhiều người biết. Đôi khi chỉ đi làm tranh thủ, rảnh vài ba ngày, một tuần thì vào bệnh viện tìm việc. Làm thời vụ lúc khó khăn nên ngại ký hợp đồng, cứ sẵn số điện thoại của “cò” thì gọi nhờ tìm việc, kiếm được chút ít tiền lại về quê! Cuộc đời cứ được chăng hay chớ như thế nhiều năm nay rồi”.
Chị Liên nói với tôi rằng chị làm nghề này nhiều năm, nhưng “không thuê mướn nhà cửa mà chỉ ở cùng bệnh nhân quanh các giường bệnh. Khi không có ai thuê thì ngủ hành lang. Mọi sinh hoạt vệ sinh đều ở công trình công cộng”. Những người chăm bệnh cám cảnh rằng: “Luật cò là cứ nhận chăm bệnh mới phải nộp trước 500 ngàn. Nhưng vừa chăm chưa được một ngày, được 300 ngàn, thì bệnh nhân đã qua đời, biết kêu ai!”.