Ngày 11/8, tại ngày làm việc thứ 3 của kỳ họp thứ 2 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX nhiều vấn đề liên quan đến thu hút đầu tư, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, an ninh mạng… được các đại biểu đặt câu hỏi đến các giám đốc Sở và lãnh đạo thành phố.
Thu hút đầu tư giảm sút
Liên quan đến việc thu hút đầu tư, 6 tháng đầu năm sụt giảm cả về số lượng dự án cũng như số vốn đăng ký. Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho biết: trong 6 tháng đầu năm tổng vốn đăng ký chỉ 10 triệu USD, trong khi đó điều chỉnh 1 dự án giảm vốn đến 14,3 triệu USD, âm mất hơn 4 triệu USD.
Theo ông Anh, đánh giá việc này phải nhìn nhiều khía cạnh bởi Đà Nẵng khác các địa phương khác, không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Đà Nẵng “kén” thu hút đầu tư, chỉ tập trung thu hút vào ngành công nghệ cao, công nghệ thông tin… đây là những lịch vực có giá trị gia tăng cao, không ảnh hưởng đến môi trường sống, môi trường du lịch…
“Không phải chỉ số cạnh tranh dẫn đầu là sẽ thu hút được đầu tư. Đà Nẵng không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Nếu Đà Nẵng mở cửa cho các dự án ảnh hưởng đến môi trường thì chắc chắn sẽ có dự án lớn. Nhưng Đà Nẵng không làm việc đó…. Sống chết Đà Nẵng cũng phải giữ định hướng này, không vì phải mục tiêu thu hút đầu tư mà mở cửa, mà phá hỏng thành quả mà các thế hệ đã gây dựng”, ông Anh nhấn mạnh.
Đưa gì vào miệng cũng sợ!
Phần chất vấn và trả lời chất vấn của giám đốc sở NN&PTNT Đà Nẵng Nguyễn Phú Ban và Phó chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng được các đại biểu quan tâm đặt câu hỏi liên quan đến tình trạng xâm hại, phá rừng cũng như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Liên quan đến các vụ phá rừng ở rừng đặc dụng Sơn Trà mà dư luận quan tâm, ông Ban cho biết: Đây không phải là các vụ phá rừng mà là xâm hại rừng. Hiện, rừng Sơn Trà có 26 dự án, trong đó 11 dự án cho công cộng 15 dự án cho du lịch nên rừng đang bị xâm hại. Qua điều tra, các vụ xâm hại rừng có quan hệ gia đình của lực lượng kiểm lâm bên trong. Các vụ việc đã được xử lý. Các cán bộ kiểm lâm vi phạm liên quan đến các vụ việc đã bị cách chức, điều chuyển công tác.
Để bảo vệ rừng trong thời gian đến, ông Ban đề nghị không cấp phép khai thác khoáng sản ở khu vực có rừng, không cấp phép kinh doanh trong rừng, hạn chế cấp phép cơ sở chế biến gỗ, giám sát việc trồng rừng thay thế…
“Rừng Đà Nẵng đã đóng, nguyên liệu đã hết nhưng toàn thành phố vẫn còn 162 cơ sở chế biến gỗ, cần xét lại” ông Ban đề nghị
Về vấn đề ATTP, ông Nguyễn Xuân Anh yêu cầu ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP phải giải trình thêm. Ông Anh yêu cầu ông Dũng có thể trả lời với nhân dân thành phố đã có thể an tâm, ăn uống thoải mái được chưa?
Ông Dũng, cho biết: Đà Nẵng đang “tuyên chiến” với thực phẩm bẩn và làm quyết liệt vấn đề này. Nhờ làm tốt nên thời gian qua trên địa bàn không xảy ra vụ ngộ độc tập thể nào….Tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập như việc kiểm tra các mẫu thử mất nhiều thời gian, 3 – 7 ngày mới có kết quả. Hiện nay, việc một sản phẩm có tới 3 ngành cùng quản lý dẫn đến nhiều bất cập. Do đó cần thống nhất chỉ một cơ quan quản lý một sản phẩm từ khâu sản xuất, tiêu thụ đến bàn ăn người tiêu dùng. Từ nay đến cuối năm Thành phố sẽ cố gắng công bố sớm các cửa hàng thực phẩm để người dân biết…
Ông Nguyễn Xuân Anh yêu cầu ông Dũng phải khẳng định mức độ tin cậy với người dân thành phố là bao nhiêu? Ông Dũng cho rằng: Tại thời điểm này rất khó đánh giá. Bởi giai đoạn này đang hình thành bộ máy và quy định, hi vọng đến cuối năm nay Thành phố sẽ khẳng định được việc đảm bảo thực phẩm sạch cho người dân
Ông Nguyễn Xuân Anh cho biết: ít nhất phải để người dân có niềm tin, bởi người dân đang rất lo sợ thực phẩm bẩn. Người dân phải tự trồng rau để ăn, thậm chí gia đình có điều kiện còn nhập rau nơi khác về….
“Tôi mong muốn trên địa bàn Đà Nẵng dân ăn gì cũng không phải e ngại, tự tin để ăn uống... Chính quyền phải tạo ra niềm tin cho người dân, không được 100% thì ít ra cũng giúp người dân vững tâm mà ăn, uống” ông Anh nhấn mạnh.