Sáng 12/1, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về công tác nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV. Theo ông Trí, trong nhiệm kỳ, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, ngành Kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố mới 375.884 vụ, tăng 1,2% so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Các thế lực thù địch và tổ chức phản động tiếp tục các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, đẩy mạnh hoạt động chống phá Nhà nước.
Bên cạnh đó, tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường tăng, nhiều vụ xảy ra trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đầu tư công gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; tội phạm về tham nhũng, chức vụ giảm nhưng đã khởi tố nhiều vụ án về tham nhũng gây thiệt hại đặc biệt lớn và nhiều bị can từng giữ chức vụ cao trong cơ quan Đảng, Nhà nước; phát hiện, khởi tố nhiều vụ án đan xen giữa tội phạm hình sự và tội phạm xâm phạm quản lý kinh tế…
Viện trưởng VKSND Tối cao đã xác định chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu, là nhiệm vụ trọng tâm nhất của các đơn vị nghiệp vụ trong ngành. Theo đó, trong các chỉ thị công tác hằng năm và đặc biệt đã ban hành 4 chỉ thị chuyên đề để quán triệt, chỉ đạo toàn ngành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, TAND Tối cao, Ban Nội chính Trung ương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng.
Trong kỳ, toàn ngành Kiểm sát đã kiểm sát 100% việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; ban hành hơn 220.000 văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh; trực tiếp kiểm sát gần 4.900 cuộc tại Cơ quan điều tra… Qua kiểm sát, đã yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố hơn 3.000 vụ án, tăng 64%; Viện kiểm sát trực tiếp quyết định khởi tố gần 150 vụ án, hủy hơn 700 quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố vụ án. Viện kiểm sát đã trực tiếp lấy lời khai hơn 223.000 người bị bắt, tạm giữ; quyết định không phê chuẩn trên 600 lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp…
Trong nhiệm kỳ, số vụ án được phát hiện, khởi tố và điều tra tăng 34,3% so với nhiệm kỳ trước. Trong đó, đã khởi tố điều tra nhiều vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp, nhiều vụ án tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp dư luận xã hội quan tâm; tiến độ, chất lượng điều tra tăng và không để xảy ra oan, sai. Ngành Kiểm sát đã quán triệt, thực hiện nghiêm và hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là những chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
“Trong nhiệm kỳ vừa qua, VKSND đã thể hiện bản lĩnh, quyết tâm chính trị rất cao, tập trung giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế; đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, TAND Tối cao, Ban Nội chính Trung ương tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu nên việc điều tra, truy tố, xét xử thực hiện theo đúng tiến độ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đề ra; đã kịp thời phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp; bảo đảm việc xử lý, giải quyết vừa có tính pháp lý, vừa có tính chính trị sâu sắc; tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80 nghìn tỷ đồng, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân đồng tình, đánh giá cao”, ông Trí cho hay.
Tuy nhiên, ngành Kiểm sát cũng thẳng thắn cho rằng, do một số nguyên nhân chủ quan, khách quan và một số tồn tại cần có lộ trình, thời gian để khắc phục nên vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đáp ứng yêu cầu Quốc hội hoặc có chỉ tiêu không thể thực hiện, như: còn có trường hợp bắt, tạm giữ, tạm giam sau phải trả tự do không xử lý hình sự; còn để xảy ra một số trường hợp oan; trả hồ sơ để điều tra bổ sung do vi phạm tố tụng…
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, ngành Kiểm sát đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm hơn nữa trong việc xây dựng cơ chế, biện pháp hữu hiệu để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quyền kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát trong kiểm sát hoạt động tư pháp; tập trung giám sát những vấn đề mang tính vĩ mô, chiến lược của các vùng, miền, bộ, ngành, của đất nước, nội dung vấn đề thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri…