Ông chủ xe 'hổ vồ' náo loạn phố cấm Hà Nội là ai?

TPO - Ngoài việc không có giấy phép lưu hành đặc biệt vào phố cấm, tất cả các xe tải hầu hết là loại “hồ vồ” (Howo) đang hoạt động trên 30 tuyến phố cấm tại 8 quận nội thành Hà Nội đều đeo logo nhận biết riêng. Qua một số ngày ghi nhận, PV Tiền Phong đã xác định được chủ quản của các “xe vua” này.
Thay vì chấp hành kiểm tra, tài xế xe tải 29C-573.27 vi phạm đẫ lấy điện thoại ra gọi và đưa cho TTGT nói chuyện (vòng tròn), nhưng TTGT đã từ chối.

Thành phố Hà Nội có quy định, cấm toàn bộ xe tải hoạt động vào ban ngày tại các quận nội thành (từ Vành đai 3 trở vào), trường hợp xe tải muốn hoạt động phục vụ các công trình xây dựng thì phải làm thủ tục xin cấp “Giấy phép lưu hành đặc biệt” vào phố cấm tại Sở GTVT. Tuy nhiên, dưới danh nghĩa văn bản chấp thuận có được từ Sở GTVT Hà Nội, nhiều tháng qua hơn 100 xe tải chủ yếu là loại "hổ vồ" đang hoạt động đêm ngày và “qua mặt” nhiều chốt Cảnh sát - Thanh tra giao thông trên 30 tuyến phố tại 8 quận nội thành. 

Xe tải đang được chấp thuận để ra vào công trình nhà cao tầng tại số 43 Hai Bà Trưng cả ngày và đêm.

Theo phản ánh của cơ quan chức năng, trong quá trình hoạt động nếu xe tải bị lực lượng chức năng trên đường dừng kiểm tra, xử lý, lái xe lập tức chây ì việc chấp hành bằng việc đóng kín cửa ngồi trên xe. Khi xuống xe, một số tài xế xe tảikhông xuất trình ngay được các giấy tờ liên quan, tất cả đều gọi điện thoại mà theo giải thích là gọi cho “ông chủ xe”.

Trường hợp như tài xế xe 29C-573.27, khi xuống xe, thay vì chấp hành kiểm tra, tài xế xe gọi điện thoại và đưa Thanh tra giao thông nói chuyện với người đầu sóng bên kia, tuy nhiên Thanh tra giao thông đã từ chối.

Văn bản chấp thuận của Sở GTVT đang được các tài xế xe tải tại công trình 34 Hai Bà Trưng đưa ra như "lệnh bài" để thay giấy phép vào phố cấm mỗi khi bị Cảnh sát-TTGT kiểm tra.

Từ thực tế xe hoạt động trên đường và qua các văn bản chấp thuận, cho phép của cơ quan chức năng, chúng tôi đã xác định được đơn vị chủ quản của hơn 100 xe này.

Cụ thể, xe đeo các logo “TP”, “VTP” có 57 xe, chủ yếu là xe tải “hồ vồ” là của Công ty CPXD Dân dụng Bắc Việt, trong đó có các xe mang BKS như: 29C-909-27, 29C- 635.01, 29C-535.77, 29C-708.00, 29C-030.28, 98C-099.81, 90C-054.65…; xe mang tên Transmeco có 20 xe, chủ yếu là xe bồn chở bê tông tươi là của Công ty TNHH Bê tông Transmeco, trong đó có một số xe mang BKS: 29C-014.79, 29C-014.80, 29C-014.82, 29C-052.16, 29C-052.17…; xe có tên chủ quản là Sungshin Vina có 17 xe, là của Công ty TNHH Sungshin Vina, trong đó có một số xe mang BKS: 29LD-023.98,  29LD-024.21, 29LD-023.63, 29LD-024.52, 29LD-045.48, 29LD-045.38, 29LD-010.51…; các xe còn lại thuộc các đơn vị: Công ty CP Vạn Phúc, Công ty CP Thiết bị Sông Lam…

Ngoài "lệnh bài" là văn bản chấp thuận, hầu hết xe tải hoạt động tại công trình 34 Hai Bà Trưng còn có logo để dễ nhận biết khi hoạt động trên đường. Trong ảnh : Xe tải 29C-573.27 đeo logo "TP" chạy ngược chiều trên đường Hai Bà Trưng vừa qua.
Đại diện liên ngành Hà Nội cho biết, từ khi báo chí phản ánh tình trạng trên, các lực lượng làm nhiệm vụ đã tăng cường công tác xử lý và phát hiện, xử phạt hàng chục xe tải của các đơn vị trên vi phạm. Lỗi các xe thường vi phạm: không có giấy phép vào phố cấm; chở bùn đất, vật liệu xây dựng gây rơi vãi ra đường; xe dừng đỗ sai quy định…