Sống trong ngôi nhà mái tôn ở một làng quê Philippines không bệnh viện, không trường học, không đèn chiếu sáng công cộng, chị Monica có 3 con và người chồng chật vật lắm mới kiếm đủ tiền nuôi sống gia đình. Monica nghĩ, nếu sang vùng Vịnh làm việc vài năm, chị có thể mang lại cuộc sống khác cho các con. Monica đi 10 giờ mới đến thủ đô Manila để đăng ký với một công ty tuyển dụng, sau đó chị được đưa sang UAE để giúp việc cho một gia đình.
Những trung tâm mua sắm và tòa nhà chọc trời ở Dubai và Abu Dhabi là thế giới hoàn toàn xa lạ với làng quê nghèo khó, khiến Monica ban đầu háo hức với công việc mới. Nhưng dần dần, chị thấy nhớ con và mệt mỏi vì công việc nặng nhọc và sự khắt khe của chủ nhà. Gia đình này còn thuê một lái xe từ Pakistan. Vài tháng sau khi Monica đến, gia đình chủ đi chơi cả ngày, để chị ở nhà một mình với lái xe. “Tôi đang dọn dẹp trong bếp thì anh ta vào, cầm dao trên tay và khống chế tôi…Tôi không làm được gì khi chỉ có một mình. Dù có hét lên tôi cũng chỉ có một mình”, BBC dẫn lời chị Monica.
Ba tháng sau, Monica nhận ra chị đã có thai, nhưng chưa nói với ai việc chị bị cưỡng hiếp. Theo luật của UAE, quan hệ tình dục ngoài hôn nhân bị coi là tội hình sự. Monica không có cách nào để chứng minh chị bị cưỡng hiếp, nên cái thai trong bụng chị trở thành bằng chứng “tội lỗi”. Sợ phải vào tù, Monica giấu việc mang thai lâu hết mức có thể. Theo luật Hồi giáo Sharia, nền tảng cho Bộ luật hình sự của UAE, quan hệ tình dục ngoài hôn nhân cấu thành tội Zina, bao gồm hành vi ngoại tình, gian dâm và quan hệ đồng giới. Theo BBC, vài trăm phụ nữ nhập cư bị tống giam ở UAE mỗi năm vì tội Zina, trong đó có cả hành vi quan hệ tình dục đồng thuận.
Đối với Monica, cũng như những phụ nữ khác phải đối mặt án tù vì tội quan hệ trái pháp luật, cách tốt nhất để thoát tội là rời khỏi nước này. Nhưng cách đó không dễ vì Monica bị ràng buộc bởi luật khác của UAE. Những người giúp việc được đưa đến UAE theo hệ thống Kafala, trong đó quyền làm việc, thay đổi việc và về nhà của người lao động nhập cư hoàn toàn phụ thuộc vào đơn vị tuyển dụng đã đưa họ đến. Sự phụ thuộc này góp phần đẩy những người giúp việc gia đình như Monica vào tình thế dễ bị bóc lột và lạm dụng. Những người giúp việc chủ yếu phàn nàn rằng, họ phải làm quá nhiều giờ mà không được trả thêm tiền, thậm chí kéo dài đến 21 giờ mỗi ngày, có người bị chủ giữ lại tiền công, bị chủ giam trong nhà, không được cho ăn, nghỉ đủ, thậm chí bị lạm dụng thân thể. Hầu hết bị giữ lại hộ chiếu, cho dù việc này vi phạm pháp luật của UAE.
Mùa hè năm 2014, khi không còn giấu nổi cái bụng, Monica van xin bà chủ nhà cho chị trở về Philippines, nhưng không được chủ đồng ý vì chưa hết hợp đồng. Cái thai đến tháng thứ 7, Monica nghĩ ra một cách để chạy trốn. Dùng Facebook, Monica liên lạc với người dẫn chương trình đối thoại trên radio. Monica cung cấp số điện thoại của chiếc di động mà chị giấu trong bếp. Người dẫn chương trình gọi cho chị không lâu sau đó. Kể chuyện trên sóng phát thanh trực tiếp khi đang trốn trong nhà tắm khóa cửa, Monica kể với hàng ngàn người nghe việc chị bị cưỡng hiếp và chị muốn về nhà như thế nào. Sự mạo hiểm của Monica đã được đền đáp. Hiệu ứng của chương trình đã khiến chính phủ Philippines hành động. Trong vài tuần, chủ lao động trả lại hộ chiếu, mua vé và đưa Monica về Philippines.
Trở về nước, chồng Monica lúc đầu không chấp nhận sự việc và đổ lỗi cho chị. Nhưng cuối cùng, người chồng cũng đồng ý đón chị về và cùng nuôi đứa trẻ.