Hành trình đến Trường Sa
Theo học Sư phạm Ngoại ngữ rồi về làm biên tập viên tiếng Pháp tại VOV, Mỹ Trà có may mắn được biết tới Trường Sa qua lời kể của cô Kim Cúc - một phát thanh viên nổi tiếng. Trong những lần trò chuyện, cô Kim Cúc thường hay kể về Trường Sa mà cô là một trong những phụ nữ may mắn được đến. “Không chỉ kể chuyện trên sóng phát thanh làm triệu người mê, khi nói về Trường Sa cô Kim Cúc cũng làm mình không thể ngồi yên, cứ muốn lên tàu để chạy đến Trường Sa ngay”- Mỹ Trà kể lại.
Để thực hiện khát khao đến Trường Sa, Trà đã xin xuống làm phóng viên, trực tiếp đi thực tế để viết bài, để dấn thân với cuộc sống nhằm chuẩn bị hành trang cho chuyến đi Trường Sa đang mơ ước. Nhờ có khả năng tiếng Pháp nên khi phỏng vấn về tranh chấp chủ quyền trên biển Đông nổ ra, Trà đã viết nhiều về Trường Sa. Loạt bài “Những vi phạm luật Quốc tế của Trung Quốc qua góc nhìn của các chuyên gia” do cô thực hiện được đánh giá cao và đoạt giải 3 giải Báo chí quốc gia năm 2015.
Thế nhưng, giấc mơ được đặt chân đến Trường Sa vẫn xa vời với Trà bởi một năm chỉ có vài chuyến đi mà những người khát khao đến Trường Sa như Trà không phải là ít. Nhưng Trà vẫn tin, vẫn hy vọng và chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến đi này. Trà tập chụp hình, tự rèn luyện sức khỏe và mỗi lần có chuyến đi, Trà lại hăng hái đăng ký đầu tiên. Suốt mấy năm kiên trì, mãi tới giữa năm 2016, Trà mới may mắn được có tên trong danh sách đi thăm Trường Sa. “Lúc đọc danh sách, tôi còn không tin vào mắt mình nên đọc đi đọc lại mãi”- Trà kể và nói rằng “Mơ ước đã thành sự thật và tôi hiểu đây là cơ hội hiếm có, tôi phải tận dụng hết những gì mình có thể”. Trước ngày lên tàu, Trà chuẩn bị tới 2 bộ máy ảnh “khủng”. Nhiều người khuyên Trà ra Trường Sa nên gọn gàng, càng cơ động càng tốt nhưng Trà không nghe mà bảo “Một lần đi rất khó nên không muốn bỏ lỡ khoảnh khắc nào cả”.
Mỹ Trà tác nghiệp tại Trường Sa.
Chuyến đi Trường Sa của Trà đúng vào dịp áp thấp nhiệt đới trên biển Đông nên những ngày lênh đênh trên tàu là những ngày Trà “nằm bẹp” vì say sóng. Dù mệt lả không thể ăn nổi nhưng những lúc biển êm hay tàu dừng lại Trà lại bật dậy ôm máy ảnh, nhao đi tìm chỗ tác nghiệp. Lên đảo nào Trà cũng đi khắp rồi bấm máy chụp tất cả những gì lọt vào ống kính. Thấy cô gái mảnh dẻ ôm chiếc máy to đùng chỉ đi chụp ảnh, những người lính cũng tận tình giúp Trà tìm những góc ảnh đẹp, nơi có thể phóng tầm mắt ra khắp đảo. Đó là thành quả cho bộ ảnh hơn chục ngàn tấm trong chuyến đi Trường Sa chỉ có 10 ngày này.
Chuyến đi của Trà có nhiều thú vị khi đoàn đại biểu đa số là nữ thanh niên thuộc Đoàn khối cơ quan Trung ương, trong đó có nhiều người là Hoa khôi, Hoa hậu nên có rất nhiều chuyện thú vị để kể. Từ chuyện làm bản tin trên tàu do Trà phụ trách cũng như cuộc bình bầu xem ai bình chọn được soái ca (chụp nhân vật chính là những chiến sỹ Trường Sa) để rồi chấm điểm trao giải. Trà may mắn nhận được danh hiệu “Người chụp soái ca đẹp nhất” khi dự thi bằng tấm ảnh một chiến sỹ Trường Sa đang đứng gác với góc cạnh, khuôn mặt rất cương nghị. Nhưng ấn tượng nhất theo Trà, phía đằng sau sự cương nghị phải tỏa sáng được sự lãng mạn, vô tư.
Có một Trường Sa ở Hà Nội
Trở về với đất liền, việc đầu tiên của Trà là soạn bộ ảnh. Trà cho biết, ban đầu cô chỉ tính giữ làm tư liệu cho công việc và gửi tặng những chiến sỹ ngoài Trường Sa cũng như những bạn bè cùng chuyến đi. Nhưng sau đó, một vài người bạn khuyên Trà nên làm cuộc triển lãm về Trường Sa nên cô cân nhắc và quyết định mở triển lãm.
Mắt biển
Nhờ bạn bè giúp đỡ, vào đầu tháng 9 vừa qua Trà đã làm cuộc triển lãm riêng mang tên “Trường Sa - Nơi ta đến” tại Hà Nội. Cuộc triển lãm không chỉ trưng bày 70 tấm ảnh Trà chọn lựa từ hàng chục ngàn tấm ảnh mà trung tâm triển lãm còn được cách điệu bởi 1 sân khấu với tấm ảnh chụp Trường Sa ở phía sau và một các cửa sổ phía trước. Phong ảnh được phóng đại rộng tới 5x2,5m để mọi người có thể chụp ảnh như thể đang chụp ở giữa Trường Sa.
Trong các tấm ảnh tại triển lãm, có một tấm Trà chụp một chiếc cầu vồng vắt ngang từ con tàu nối vòng qua đảo nổi và hạ xuống nơi người chiến sỹ đang đứng gác. Trà kể: “Tôi chụp tấm này rất tình cờ, khi trời vừa ngớt mưa, tôi men theo bờ đảo lên vọng gác trên cao để hy vọng bắt được khung cảnh toàn đảo sau cơn mưa và bắt được khoảnh khắc tuyệt vời này. Tôi đặt tên cho bức ảnh Diệu kỳ Trường Sa”.
Đến với triển lãm, rất nhiều người đã tìm được sự đồng cảm với Trà. Ở đó họ bắt gặp hình ảnh những chiến sỹ đang chia tay các vị khách từ đất liền, những đứa trẻ đang tung tăng đến trường; con chó nhỏ ngơ ngác nhìn chiếc xuồng rời xa... Không có sự dàn dựng, chính thế những tấm ảnh của Trà cho thấy nơi Trường Sa không chỉ có những phong cảnh đẹp mà còn có một cuộc sống bình yên như nhiều vùng đất khác của Tổ quốc.
Diệu kỳ Trường Sa.
Không dừng lại ở triển lãm, Mỹ Trà còn tổ chức các chuyến kết nối Trường Sa với đất liền. Thông qua một câu chuyện về hoàn cảnh của một người lính Trường Sa đang có vợ bị ung thư, Trà đã nhờ một số bác sỹ quen đến giúp chữa trị. Từ kết nối của Trà, nhóm bác sỹ đã chữa trị thành công cho người vợ của chiến sỹ Trường Sa đồng thời xúc tiến thành lập CLB chuyên chăm sóc cho hậu phương của người lính bảo vệ biển đảo. Cũng thông qua quỹ vì Trường Sa, Trà tổ chức bán đấu giá chiếc tàu ngầm mô hình - Kỷ vật Trà được tặng sau chuyến đi Trường sa được 50 triệu để ủng hộ cho quỹ Vì Trường Sa.
Ngoài ra, Trà cũng vận động bạn bè ủng hộ được 130 triệu dành cho quỹ. Trà bảo: “Sau đợt triển lãm này, tôi sẽ ra một cuốn sách ảnh về Trường Sa để tổ chức gây quỹ ủng hộ cho quần đảo thân thương này”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Chủ tịch Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì Biển đảo quê hương nói rằng, rất vui vì được thấy một nữ phóng viên ra Trường Sa với một tâm huyết, một tình yêu biển đảo, một tình yêu Tổ quốc dạt dào như thế. “Vậy nên không có lý do gì mà không chia sẻ điều đó với tất cả bạn bè trong nước và quốc tế qua những bức ảnh của mình”- bà Hương chia sẻ.
Triển lãm “Trường Sa - Nơi tôi đến” tại Hà Nội của nhà báo Nguyễn Mỹ Trà là triển lãm đầu tiên về Trường Sa do một nữ nhiếp ảnh gia thực hiện. Với 70 bức ảnh được lựa chọn công phu từ hơn chục ngàn bức ảnh, triển lãm đã thu hút hàng ngàn người đến xem. Từ ngày 15/10, triển lãm tiếp tục được thực hiện tại TPHCM theo yêu cầu của Sở TT-TT TPHCM.