Nín thở đi qua cầu gỗ Ông Cọp chông chênh

TPO - Cầu gỗ Ông Cọp (tỉnh Phú Yên) được ghép từ hàng ngàn ván gỗ đơn sơ. Thành cầu chỉ là những thân tre buộc ngang thấp lè tè, nếu chuệch choạc tay lái, cả người và xe gần như chắc chắn sẽ lao xuống đầm sâu.

Cầu gỗ gần như được coi là một “đặc sản” của vùng đất “hoa vàng cỏ xanh” Phú Yên, nơi có rất nhiều sông hồ, đầm, phá… Tuổi đời những cây cầu gỗ này thường lên đến vài năm, có khi là cả chục năm, nhưng đến nay chỉ còn sót lại một vài cây cầu nổi tiếng. Trong đó có cầu Ông Cọp (hay còn gọi là cầu Tuy An).

Cầu Ông Cọp nối các thôn phía Bắc xã An Ninh Tây (huyện Tuy An) với thị xã Sông Cầu (Phú Yên), bắc qua đoạn cửa sông Bình Bá thông ra đầm Ô Loan. 

Cầu mới được dựng chừng hơn chục năm nhưng đã phải gia cố nhiều lần do bão lũ làm hư hại.

 Mặt cầu lót ván gỗ... 
...thành cầu cột bằng tre. 
Thứ duy nhất không phải làm từ gỗ, tre trên cây cầu này là những chiếc đinh sắt.
Cầu dài khoảng gần 400m, rộng khoảng 1,5m, chỉ vừa cho hai xe máy đi qua và gần như không phải điểm đến dành cho người yếu tim, hoặc có tay lái không vững.
Những tấm ván lót mặt cầu thường được thay mới. Ván cũ, ván mới nằm xen kẽ và dường như không có tấm nào khít nhau. 

Mỗi khi lái xe qua đây, mặt cầu phát ra những tiếng lộc cộc dễ khiến những người yếu tim hoảng sợ. 

Sẽ không có gì đáng nói nếu như cây cầu này chỉ dài vài chục mét. Thế nhưng, cây cầu này lại dài tới vài trăm mét và cần hơn 5 phút vừa lái vừa run mới có thể đi từ đầu bên này sang đầu bên kia.
Thành cầu đơn sơ, cao ngang thân xe máy và gần như chỉ có tác dụng che chắn... tượng trưng.
Nhiều người gần như không dám lái xe qua cầu mà chỉ có thể xuống dắt bộ.

Chênh vênh là thế nhưng người dân nơi đây vẫn phải lưu thông qua cầu Ông Cọp, vì nếu đi đường vòng sẽ xa hơn rất nhiều. 

Vì đây là cây cầu do tư nhân đầu tư nên người dân đi qua phải đóng tiền. Trạm thu phí nằm ở đầu cầu phía thị xã Sông Cầu, ngay sát Quốc lộ 1. 

Mỗi lượt xe máy đi qua phải trả 3.000 đồng (nếu chở thêm người, hàng hóa nặng sẽ phải đóng thêm 1.000 đồng).

Nhiều khách du lịch chọn đi qua cây cầu Ông Cọp chênh vênh này để đi đường tắt đến thắng cảnh Ghềnh Đá Đĩa nổi tiếng.

Các "phượt thủ" khi đặt chân đến đất "hoa vàng cỏ xanh" cũng thường mong muốn được một lần đặt chân đến cây cầu gỗ hiếm hoi còn sót lại này để thử thách tay lái của bản thân.

Gần cầu gỗ Ông Cọp cũng từng có một cây cầu gỗ nổi tiếng khác là cầu An Hải. Tuy nhiên, sau nhiều lần sập, gãy làm người, phương tiện rơi xuống đầm Ô Loan, cầu An Hải đã bị ngừng hoạt động. Chính quyền nơi đây cũng đã xây cầu bê tông chắc chắn gần đó để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.