Những bờ rào Việt ở Lý Sơn

TP - Đợt ra Lý Sơn mới đây nhân sự kiện nối điện với đất liền, tôi bồi hồi như gặp lại người quen khi thấy lại những bờ rào Việt mấy năm trước may hãy còn!
Bờ rào ở Lý Sơn. Ảnh: Xuân Ba

Cái năm theo tốp điêu khắc Hà Trí Dũng, Hoàng Nhân, Phạm Hoàn ra đảo Lý Sơn làm nhóm tượng Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải bây giờ đang sừng sững trước Bảo tàng huyện đảo Lý Sơn thấy lắm cái lạ. 

Lần đầu được dõi được tường một quy trình trồng thứ tỏi độc, thứ tỏi một nhánh đặc sản Lý Sơn trên cát chứ không phải đất. Thứ cát sần nhưng nuột trắng. Cũng chỉ thổ ngơi Lý Sơn mới có. Ngồi bần thần bên cái chậu thau tướng phiên chợ chiều huyện đảo đựng thứ đỉa biển tên chữ là hải sâm, con nào con nấy bằng cườm tay trẻ con. Rồi những con nhím biển, dân đảo kêu bằng con nhum tua tủa gai. Về sau mới biết, dân Lý Sơn từng chế thứ mắm nhum, thứ đặc sản không đâu có dùng để tiến vua mà sách Đại Nam Thực lục có chép một đoạn hẳn hoi. Lại tha thẩn bên những khu mộ cổ được xây cất bằng thứ đá đen, thứ đá này trên đảo không có. Đá ấy được chuyển từ mãi đất liền ra của những dòng họ có máu mặt. Và những ngôi nhà cổ hơn trăm năm với lối bài trí na ná như một vùng quê Bắc bộ. Gì nữa, được tường thêm tên nôm của Lý Sơn là Cù Lao Ré. Ré là thứ cây tờ tợ như dứa dại, trước thì mênh mông bát ngát, chừ hẵng còn nhiều mọc hoang ở đảo. Dân đảo dùng vỏ thứ dứa này đập dập bện thành thứ chão thừng bền dai hơn sắt dùng cho ngư cụ và đồ đi biển cực kỳ đắc dụng. Xửa xưa đảo đã có tên Cù Lao Ré là vậy.

Và chợt sững người trước một thứ quen nhưng chợt lạ. Bởi lâu rồi không được ngó, được chạm mặt. Ấy là những bờ rào giăng giăng xuyên mãi vào các khu dân cư trên đảo Lý Sơn.

Bờ rào? Có thể tên ấy, mỗi nơi kêu mỗi khác, hàng rào bờ dậu chẳng hạn? Nhưng đích đây, nhỡn tiền đây là thứ bờ rào, là riêng là đặc thù không riêng chi xứ Bắc mà xứ Trung từng nhan nhản.

Thứ nhỡn tiền ấy như một cú thúc làm bừng thức một quá vãng?
Cốt của những bờ rào ấy thường là thứ tre vòi tờ tợ như tre gai thân nhỉnh hơn đốt ngón tay người nhớn. Thứ tre ấy hợp nơi rậm tối. Lấy gốc hay hom tre cắm rồi vốc ít bùn phủ lên. Mắt trước mắt sau chỉ ít tháng đã bén xanh nhồng vổng đọt tua tủa. Hàng chục gốc tre vòi đặt cách nhau theo chiều dài cửa bờ rào- lãnh thổ của một tư gia nào đó chả mấy chốc đã thành một dấu mốc xanh. Để thành thứ biên giới xanh thứ phên dậu bất khả xâm phạm đến nỗi con gà chui cũng khó lọt thì là còn phải đợi thời gian cho bao thứ thực vật khác, thứ trồng thứ mọc hoang quấn quýt, giằng rịt theo hàng theo lối quanh những bụi cốt tre vòi ấy!

Vài năm? Rồi mấy chục năm, cả hàng trăm năm. Cả mấy đời người? Chả biết nữa. Nhưng những thứ bờ rào nửa thuần nửa hoang ấy chừng như bén hơi người bén cái không khí xóm mạc trại ấp nơi quần cư của làng của thôn mà dày dặn mà dần tày tặn bít bùng. Những bờ rào rằng rịt giăng mắc ấy hàng bao đời lặng lẽ làm chức phận cho dân Đại Việt yêu nhau rào dậu cho kín. Giải mã cho kỳ thoáng ra cái câu thâm sâu ghê gớm ấy thì còn là nhọc lẫn nhiêu khê? Bán anh em xa mua láng giếng gần. Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau… Thì đã đành. Nhưng hạt nhân của khối đoàn kết của quan hệ thân ái bao đời của dân mình nơi thôn ổ ấy là lằn ranh chủ quyền sở hữu vô hình lẫn hữu hình. Vô hình là nguyên tắc không can thiệp vào nội bộ. Không tò mò thóc mách… Hữu hình là không xâm lấn cương vực lãnh thổ. Con gà con qué chó mèo không vô tình lạc lẫn theo cái cách của xóm giềng xấu bụng. Mà bờ rào tuy im phăng phắc nhưng như là thứ nhân chứng tận tụy nghiêm cẩn công minh?

Những bờ rào dày dịt thảo mộc bao quanh tre pheo mướt mát bốn mùa, thời gian cùng lịch sử chừng như đã tôn vinh một danh hiệu khiêm nhường nhưng cao cả, bờ rào Việt! Và ở Lý Sơn đây, những bờ rào Việt ấy hiện diện bao đời nay rồi? 

Có lẽ thung thổ khí hậu xứ đảo cách đất liền non trăm cây số nơi gần nhất của Hoàng Sa được ví như phên dậu là đảo tiền tiêu của Tổ quốc na ná như xứ Bắc như miền Trung? Ấy vậy nên những bờ rào Việt bao quanh hay xuyên mãi tít tắp vào khu dân cư của đảo cứ hao hao, na ná cái gằng rịt từng vây bọc tôi một thuở một thời?   

Chẳng cần chằm chằm hay lom lom. Nhác qua những khúc bờ rào Lý Sơn, tôi đã mồn một bao quanh giống tre vòi quen thương là các thứ thảo mộc thân thiết. Và đắc dụng.

Đầu tiên là cái giống tre vòi. Tưởng cứ nhổng và suông, tứ mùa cứ vọt lên những vòi, những đọt măng. Những đọt măng chỉ nhỉnh hơn ngón tay út ấy chớ vất đi khi bẻ cắt đi cho khuôn với bờ rào vuông vức mà phí. Măng ấy tước sạch trộn muối hột với ớt chỉ thiên (còn gọi là ớt hiểm, mọc hoang ở góc vườn) thứ ấy bắt cơm phải biết. Hoặc đem thứ măng muối ấy mà kho với cá thì thôi rồi.

Cái bờ rào Việt ấy như một toa thuốc đủ các vị với chức năng quân, thần, tá, sứ. 

Nhớ thuở học trường huyện, ở nhờ Hội Đông y huyện với ông bác họ. Bác tôi thông thạo chữ Nho. Cùng làm với bác có hai ông thày thuốc người Tàu nói không sõi tiếng Việt nhưng rất phục y lý của ông bác Hội trưởng. Hai ông chỉ việc cân bốc các vị thuốc mà ông bác kê đơn.

Dáng dừa Lý Sơn

Phải nói là thảo thì đúng hơn. Bây giờ mới thấy tiếc thấy nhớ cái tài thư pháp của bậc tiền nhân. Ông bác không những rành thạo chữ Hán mà còn viết rất đẹp. Đẹp là cách nói. Chữ bác thảo phải gọi là thần khí. Những cái đơn thuốc ông bác tôi kê kiểu liên miên thảo. Vuông giấy bằng thứ giấy tiết kiệm thời bao cấp đen xỉn nhưng đánh nhoáng như sống động như có thần khí khi ông bác tôi lia bút trên đó tên những vị thuốc bắc. 

Thuốc bắc thời ấy hơi hiếm. Toa (đơn) với chức năng công phạt thường không đủ vị. Lương y giỏi và hơn người, hơn một số thày thuốc khác, ngoài việc chẩn mạch bắt, đoán trúng cái gốc của bệnh cho mỗi cơ địa của bệnh nhân còn sáng tạo phương pháp phối trộn các vị thuốc. Những vị thiếu, ông bác tôi thay bằng thuốc Nam. Ông thường có câu mà hai ông người Tàu kia có vẻ không thích người Tàu thường nói người Nam ta sống trên đống thuốc mà đành chờ chết. Cũng như không mặn mà lắm với cung cách dùng vị Nam thay vị Bắc. Nhưng phần vì nể ông Hội trưởng, phần bệnh nhân cứ kéo đến tơi tới do uy tín của ông bác nên chả thấy nói gì!

Thuốc Nam ông bác tôi lấy ở đâu? Phần thu mua phần sai nhân viên đi sưu tầm thu hái rồi dự trữ. Nhưng một nguồn nữa, chính là những cái bờ rào thuở ấy còn giăng mắc trong cái làng gần phố huyện Vĩnh Lộc xứ Thanh. Ngoài thời gian làm bài, lũ chúng tôi còn bị sai đi theo nhân viên của bác đi kiếm thuốc…

Bây giờ, chừng như những ngày xưa thương mến bất chợt ập về?
Kìa, khiêm nhường nép bên anh tre vòi ấy thường là cây bồ cu vẽ. Có tên đó có lẽ là sản phẩm của tạo hóa (nhớ lời bác tôi bảo là có thứ sâu gì đó vẽ trên mặt lá sau những nét vằn vện khi đen khi trắng) dùng để chữa rắn cắn, trị giun chỉ và dùng làm thuốc trị cầm máu mụn nhọt rất hay. Còn nép bên là cây lá đỉnh, còn có tên là cây tiết dê mà bác tôi gọi là sâm nam có cái tên chữ sang trọng hồ đằng chuyên dùng trị thứ ứ thương (bị đòn đánh) rất công hiệu. Sở dĩ có cây tiết dê vì vò nát lá nó đông đặc như miếng tiết dê. Cái thứ dịch lá đông mát như thạch ấy, một dạo làng tôi bùng phát dịch đau mắt đỏ cả làng lấy đắp thế mà đỡ mới lạ?

Chao ôi, kia là cây cối xay hoa vàng lâu rồi tôi mới lại thấy. Có nơi kêu bằng ngỗng xay. Nó còn có cái tên Hán mà ông bác gọi là kim hoa thảo hoặc ma mãnh thảo. Hình như nhiều tác dụng lắm những là vị ngọt tính bình, thanh nhiệt giải độc gì đó. Nhưng chợt bừng trong tôi một chuyện từ cái cây thuốc hoa vàng có cái quả như cái cối xay này.

Đêm ấy có tiếng đập cửa trụ sở Hội Đông y dồn dập. Trong ánh đuốc bập bùng, một cái võng lù lù ập vào. Bệnh nhân là một thanh niên to béo lực lưỡng. Người nhà khóc lóc van vỉ nói là nằm ba hôm bên bệnh viện rồi. Tiêm uống mấy loại thuốc nhưng chứng cứ chướng bụng tay chân lạnh mê mệt vẫn không đỡ. Ông bác tôi co ro khoác cái chăn đơn ngó qua rồi vẫy chị vợ đang bù lu bù loa vào phòng… Lát sau chị vợ quay ra. Ông bác tôi sai tôi và mấy người nữa cầm đèn pin dắt ông đi.

Không xa là cái bờ rào. Theo hướng dẫn, một nắm tướng lá cối xay được bứt. Ông bác dặn về vò ngay uống mấy bát và ăn cháo đậu xanh gì đó… Cái võng thất thểu chìm vào đêm tối chừng như đám người nhà bệnh nhân đang chán ngán tưởng thuốc gì hóa ra thứ lá lẩu bứt vội ở bờ rào quê vào đêm hôm khuya khoắt?

Hai hôm sau, chị vợ mặt tươi khép nép mang đến chai rượu và con gà đến tạ thày kèm thông tin chồng đã khỏe ăn được cơm. Sau chúng tôi mới biết, anh chồng nọ bị phạm phòng. Mà bệnh ấy, cái lá cối xay là thần dược! Còn động thái bác tôi kêu chị vợ vào phòng hỏi nhỏ là để nắm thông tin cụ thể.

Mãi mới dứt mắt khỏi cái bờ rào Lý Sơn như một toa thuốc còn đang xôm tụ những cây sung còi, cây sắn (lá dùng ăn gỏi) cây mía tôm (giã rượu) vv…

Những bờ rào Việt giằng rịt cây thuốc cùng ăm ắp kỷ niệm quê tôi và nhiều vùng quê xứ Bắc, bao đời dân Việt mình đã vịn đã gửi gắm niềm tin khi đột nhiên tật bênh hoặc vướng vào những chứng tật thông thường?

Và cả khi hiếm hoi rung đùi khoát hoạt bên mâm rượu nghèo ù cái ra bứt vài thứ rau cùng gia vị đưa cay?

Những bờ rào Việt lần lượt bị đốn trụi thay bằng những bờ rào bê tông hoặc xây gạch hoặc đá trần thùi lụi.

Đợt ra Lý Sơn mới đây nhân sự kiện nối điện với đất liền, tôi bồi hồi như gặp lại người quen khi thấy lại những bờ rào Việt mấy năm trước may hãy còn!

Lại lẩn thẩn nghĩ thêm, mấy ông Bộ Văn hóa khi nêu tiêu chí Làng Văn hóa ở nơi đảo xa, nơi phên dậu của quốc gia này có tính đếm đến những cái bờ rào Việt trong cơn lốc đô thị này không nhỉ?
Những bờ rào Việt ở Lý Sơn. Chợt gần gụi cùng là thăm thẳm.