Thủa chiến trường đi không hẹn ngày về
Nhà văn Trần Thị Thắng sinh năm 1948 tại đất tổ Phú Thọ nhưng nguyên quán ở Hưng Yên, là sinh viên Ngữ văn của Đại học Tổng hợp Hà Nội từ năm 1967-1970, nhưng năm 1971 đã công tác tại Ban tổ chức thành ủy Sài Gòn Gia Định rồi sau đó làm việc tại Hội văn nghệ Sài Gòn Gia Định. Chính chiến tranh đã tạo ra những bước ngoặt với cô hoa khôi trường Tổng hợp ngày ấy. Số là khi ra trường, cô sinh viên trẻ được tín nhiệm cử vào miền Nam công tác cùng nhiều bạn bè sinh viên trong lớp và trong thế hệ mình, chuyến đi vượt Trường Sơn “hai tháng mất 1 đồng đội”.
Cô sinh viên trẻ gặp ngay cơn sốt ác tính, tưởng chừng không qua nổi và mở mắt ra thì thấy nghĩa trang chiến trường ngay trước mắt, mà viết những dòng nhật ký nét chữ còn run: “Tôi ngước nhìn trời xanh sau cơn mưa thật cao xa, mà con người dưới mặt đất thì thật nhỏ bé. Có ai biết rằng nắm xương tàn của người lính nằm ở đất khách quê người nó xót xa heo hắt biết chừng nào. Tấm sơ đồ kia cũng trải nghiệm qua chiến tranh, nó còn hay mất? Tên những người lính hi sinh trên con đường mòn có còn hay mất? Chúng tôi phải hứa với các anh không bao giờ để lộ bí mật nghĩa trang của bệnh viện”.
Ngay cả bệnh viện cũng là nơi không an toàn, năm 1971, bệnh viện B14 nơi Trần Thị Thắng đang điều trị chịu một trận bom B52 và căn hầm mà nhà văn Trần Thị Thắng cùng nhà văn Hà Phương ở bị trúng bom ngay khi họ mới rời đi.
Tranh của Nguyễn Văn Hổ.
Củ Chi thành đồng văn học
Người ta thường biết Củ Chi ngoại ô Sài Gòn là mảnh đất gan góc nằm ngay trong tầm pháo của Mỹ, nhưng với nhà văn thì Củ Chi cũng là cái nôi văn chương khi rất nhiều nhà văn nhà báo từ miền Bắc vào đã viết lách sáng tác sau các trận càn. Nhà văn kể: “Chúng tôi khi đó còn rất trẻ, rất hăng hái. Nghe tin chống càn, không hề sợ mà lại vào xin ở lại để có thực tế mà viết. Địch từ Sài Gòn đổ xuống, trên máy bay dưới thì xe tăng, bộ binh, quân ta chủ yếu chống càn có dân quân du kích thôi. Thấy tôi và nhà văn Hà Phương đều là nữ trẻ măng, mọi người bảo: Chống càn gian khổ vô cùng, chúng tôi cần tinh thần đảng viên. Ai đảng viên thì ở lại”.
Khi ấy mới chỉ Hà Phương là đảng viên, Trần Thị Thắng bị mời lui ra khỏi trận địa. Ngay sau chuyến ấy về, Trần Thị Thắng được kết nạp Đảng và trận càn sau đó cô được ở lại chống càn. Đó là những trận chiến không cân sức, vì lực lượng của ta thì có hạn, còn đối phương chỉ cần 20 phút là có thể đổ quân từ Sài Gòn xuống với số lượng không kể xiết. Các chiến sĩ du kích vẫn bám thắt lưng địch mà đánh theo chiến thuật của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, từ sáng sớm đến tối mịt. “Tôi thấy nhiều du kích đã hy sinh” – nhà văn bồi hồi – “Tôi từng dự tang lễ và phủ cờ lên quan tài của các chị”.
“Trong tác phẩm tôi có nói: Tôi chỉ là một thư ký tồi. Nghĩa là cuộc sống trong chiến tranh còn ác liệt hơn những gì hiện lên trong tác phẩm của tôi, nhân vật của tôi còn đẹp hơn thế nữa”.
Nhà văn Trần Thị Thắng
Nhà văn Trần Thị Thắng và nhà văn Hà Phương (viết nhiều thơ) xung phong đi thực tế, đến cùng ăn cùng ở với một đơn vị du kích toàn nữ. Cả hai xin đi đánh đồn, nhưng các chị du kích không cho đi vì sợ nguy hiểm, chỉ cho quan sát từ xa. Đêm ấy, đội du kích nữ đã tấn công tiêu diệt một đồn ác ôn thành công, song khi họ trở về thì bị đạn pháo của đối phương dội mưa vào đội hình gây ra tổn thất. Các nhà văn thì viết vội những sáng tác của mình, để giao liên đưa ra Hà Nội.
Trần Thị Thắng nhớ lại: “Một hôm, đêm khuya, giữa tiếng gió tre trúc xào xạc, nghe đài Hà Nội, tôi thấy đài đọc truyện của tôi gửi ra từ Củ Chi, cảm xúc thật khó tả. Tôi biết rằng mọi người vẫn đến Đài Tiếng nói Việt Nam để chờ khai thác những trang bản thảo mà chúng tôi gửi ra từ chiến trường Củ Chi và các nơi khác nữa”.
Nhà văn Trần Thị Thắng (trái) ở chiến trường miền Đông những năm 1970.
Sang Mỹ học viết văn
Nhà văn Trần Thị Thắng học cùng lớp đại học K12 Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội cùng ba tôi (nhà báo Lan Xuân) và đây là lớp đại học có rất nhiều nhà văn, nhà báo thành danh như: Nguyễn Trường Phước, Lê Tất Cứ, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Trần Thị Thắng, Trần Đình Việt, Nguyễn Bá Thâm, Dương Trọng Dật, Thái Bá Lý, Hoàng Đình Chiến, Nguyễn Thu Nga, Đỗ Văn Đông, Tôn Phương Lan, Nguyễn Phương Minh, Hà Công Tài, Vương Thừa Việt, Khuynh Diệp, Lê Duy Hòa…
Trong số bạn bè sinh viên ấy, nhà văn Trần Thị Thắng thường nhắc tới những nhà văn hy sinh khi còn rất trẻ như Nguyễn Hồng (sinh năm 1950 hi sinh năm 1973)ngã xuống khi đi sáng tác trong cuộc chống càn tại Điện Bàn, Quảng Nam và tác phẩm “Đêm cao điểm” đã được giải thưởng của Tạp chí văn nghệ quân đội năm 1974. Tác phẩm “Đêm cao điểm” mô tả những khoảnh khắc chân thực nhất từ Mặt trận đường Mười Chín năm 1972 khiến người ta liên tưởng đến những trang viết kinh điển của Trần Đăng trong “Trận phố Ràng”.
Tuy vậy, ở tuổi nghỉ hưu, nhà văn mới vừa tham dự một trại viết về chiến tranh được tổ chức ở Mỹ. Trở về từ trại sáng tác này, nhà văn Trần Thị Thắng kể với phóng viên: “Dù chiến tranh Việt Nam đã lùi xa hơn 40 năm và nước Mỹ còn vướng vào nhiều cuộc chiến khác, nhưng họ lại có lớp viết văn riêng về cuộc chiến tranh Việt Nam được tổ chức đều đặn”. Nhà văn cho biết nước Mỹ muốn duy trì và bổ sung một đội ngũ viết văn về cuộc chiến ở Việt Nam, trước đây là các nhà văn nhà thơ chuyên nghiệp sau dần mở rộng ra các nhà báo, các cựu chiến binh, những người từng trải qua cuộc chiến tranh.
Trong khóa học mới rồi, nhà văn Trần Thị Thắng đến từ Việt Nam đã tình cờ gặp một bạn văn người Mỹ từng tham chiến ở chiến trường Củ Chi. Cảm xúc của họ thật bồi hồi để nhớ về những ngày tháng tận cùng của sự khốc liệt ấy. Nhà văn Trần Thị Thắng nói: “Các nhà văn Mỹ luôn đặt ra vấn đề là có cần thiết hay không cuộc chiến tranh đối với Việt Nam? Và họ đi tìm câu trả lời bằng các tac phẩm. Còn họ nhận xét rằng các nhà văn Việt Nam thì không mang trong mình câu hỏi ấy, mà các nhà văn Việt Nam sáng tác dựa vào niềm tin vững chắc vào cuộc chiến đấu bảo vệ dân tộc, bảo vệ quê hương yêu dấu của mình”.
Để chiến tranh không trôi ra khỏi dòng chảy văn học
Khóa học về kỹ thuật viết văn chiến tranh Việt Nam mà nhà văn Trần Thị Thắng mới tham gia giữa năm 2016 là khoa khóa học thứ 29 của trung tâm William Joiner Institute, Mỹ.
Nhà văn Trần Thị Thắng nói: “Những thống kê cho thấy các tác phẩm viết về cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn được xuất bản đều đặn ở Mỹ. Trong các khóa học, thành phần tham dự ngày càng đông và không ít các bạn trẻ, những người mới bắt đầu sự nghiệp văn chương. Điều đó cho thấy nước Mỹ quan tâm đến đề tài chiến tranh Việt Nam như thế nào”. Trở lại với văn học Việt Nam, nhà văn nhận xét: “Trước kia chúng ta có nhiều tác phẩm hay viết về chiến tranh, nhưng chục năm trở lại đây thì những tác phẩm thu hút dư luận rất ít cuốn viết về chiến tranh. Nếu như chúng ta không xây dựng một đội ngũ kế cận, khuyến khích nhiều người viết về đề tài chiến tranh, có thể lực lượng viết về một thời lịch sử đáng nhớ của dân tộc sẽ dần mai một”. Bản thân nhà văn vẫn ngày ngày không rời trang viết và tác phẩm hiện đang sắp hoàn dự kiến, theo tâm sự của nhà văn, là dành viết về cố tổng bí thư Lê Duẩn trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
Sau chiến tranh Nhà văn Trần Thị Thắng công tác ở tuần báo Văn Nghệ. Các tác phẩm đã in phong phú về đề tài và thể loại. Giải thưởng văn học sông Mê Công với tiểu thuyết “Tháng không ngày” (2012).