Thầy Nguyễn Quốc Bình, hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Trước đây, khi còn thực hiện thời điểm bắt đầu buổi học lúc 7 giờ 30 phút, mỗi sáng trường có khoảng 10 em đi học muộn nhưng hôm nay (1-2) là hơn 80 em. Trong đó hầu hết các em đều đến trường trước 7 giờ 15 phút. Tôi cho rằng như thế cũng đã là suôn sẻ”.
Không chỉ học sinh đi học muộn mà ở nhiều trường, hiện tượng giáo viên quên giờ, nhầm giờ cũng lác đác xuất hiện. Thầy Nguyễn Dương Quang, Hiệu trưởng trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai) cho biết: “Một số giáo viên đến muộn dù vẫn biết đã học theo lịch mới. Lý do là họ không thể đánh thức nổi con (học mầm non, tiểu học) dậy để ăn sáng và theo mẹ kịp ra khỏi nhà trước 6 giờ 30”.
Một hiệu trưởng trường THPT khác cũng cho biết, trường của thầy cũng có 2 giáo viên lên lớp muộn. Một giáo viên đến muộn nửa tiếng vì vẫn theo quán tính làm việc của thời gian trước đây. Một giáo viên khác thì đến sớm nhưng vẫn ngồi trong phòng hội đồng vì nghĩ chưa đến tiết của mình.
Các hiệu trưởng cho rằng, về lâu dài, để tạo điều kiện cho giáo viên, các trường phải sắp xếp lại thời khoá biểu, tránh để những giáo viên hoặc nhà xa, hoặc con còn nhỏ, hoặc tuổi cao, hoặc sức khoẻ không tốt dạy tiết đầu buổi sáng, tiết cuối buổi chiều.
Một phụ huynh có con học ở trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) nói: “Tôi phải có mặt ở cơ quan lúc 7 giờ 30 trong khi đó trường thông báo chỉ mở cửa đón học sinh từ 8 giờ kém 15. Không còn cách nào khác tôi đành để con đứng chờ trên vỉa hè mà đi làm cho kịp giờ cơ quan dù không an tâm”.
Một phụ huynh khác có con học ở trường Tiểu học Tân Định (quận Hoàng Mai) cũng chung tâm trạng. Cơ quan chị ở khu vực Bờ Hồ, bắt đầu làm việc lúc 7 giờ 30 trong khi trường thông báo chỉ mở cổng đón học sinh từ 7 giờ 30. “Con tôi học lớp 1 nên tôi không thể để con đứng đó mà phải chờ cổng trường mở mới đi. Đành phải chấp nhận đến cơ quan muộn”, chị chia sẻ.
Theo phản ánh của các phụ huynh có con học ở các trường đóng quanh khu vực hồ Giảng Võ, vì điều chỉnh giờ học mà phố Trần Huy Liệu sáng 1-2 tắc đường nặng nề hơn mọi hôm. “Trước đây trường Tiểu học Kim Đồng và trường THCS Giảng Võ giờ bắt đầu vào học lệch nhau 30 phút, nay lệch nhau 15 phút nên lượng người lưu thông trên con phố này tăng đột biến trong một thời gian ngắn".
Những phụ huynh có con lớn lại kêu khổ kiểu khác. “Con lớn nhà tôi học lớp 10 trường THPT Nguyễn Gia Thiều nên học buổi chiều. Tuy nhiên, một tuần cháu có 2 ngày phải học buổi sáng. Trước đây các buổi sáng đó cháu đi học bằng xe buýt nhưng giờ thì bố cháu phải chở đi vì nếu đi bằng xe buýt cháu phải ra khỏi nhà trước 6 giờ sáng mới kịp giờ học. Còn các buổi chiều thì cầm chắc cháu về đến nhà là 8 giờ tối nếu đi xe buýt. Nếu muốn con về sớm hơn thì bố mẹ phải chịu khó đi đón. Cháu bị cận thị nên tôi không thể để cháu đạp xe loạng quạng ngoài đường lúc 7 giờ tối”, chị Mai, C8 tập thể 918 phường Phúc Đồng quận Long Biên chia sẻ.
Chị Mai còn lo ngại, nếu tình trạng này kéo dài không hiểu con mình có “trụ” nổi không khi mà 8 - 9 giờ mới ăn tối, 12 giờ đi ngủ, hơn 5 giờ sáng đã phải dậy.
Những học sinh học buổi sáng cũng phải “chia lửa” với học sinh buổi chiều chỉ vì giờ giấc các lớp học thêm cũng phải điều chỉnh cho phù hợp.
“Một tuần con tôi có 3 buổi học thêm ở khu vực trường ĐH Bách khoa. Trước đây lịch học của cháu từ 18 giờ 30 đến 20 giờ 30. Do đó khi tan học cháu có thể tự đi xe buýt về nhà. Nay trung tâm điều chỉnh, học từ 19 giờ 30 đến 21 giờ 30, tôi không còn cách nào khác là chờ đến gần giờ đấy để đi đón con”, một phụ huynh trường THPT Trần Phú than thở.