Khô khát Tây Nguyên: Hồ cạn, giếng trơ, cây cháy - Kỳ II:

Nhà nhà khoan giếng, nước ngầm suy giảm

TP - Ngay từ đầu mùa khô, chính quyền, người dân Tây Nguyên đã tìm đủ mọi cách chống hạn, nhưng hàng chục nghìn héc-ta cây trồng vẫn chết, dân vẫn thiếu nước sinh hoạt. Nhiều nhà tự cứu bằng cách khoan giếng, nhưng không có cơ quan nào đứng ra giám sát khiến mực nước ngầm suy giảm nghiêm trọng.
Suối Ea M’droh trơ đá (ảnh lớn); Người dân ồ ạt khoan giếng (ảnh nhỏ).

Dành dụm tiền mua nước cứu cây trồng

Tin từ các địa phương liên tục báo về: Mực nước sông suối hồ đập ở Đắk Lắk đang tiếp tục giảm nhanh xuống dưới mực nước chết,  như sông Krông Năng, suối Krông Pắk, suối Ea Tul, suối Ea H’Leo...

Giữa trưa nắng đổ lửa đầu tháng tư, chúng tôi tìm đến dòng suối Ea M’droh, (xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar), nơi cung cấp nước tưới cho hàng trăm héc-ta cà phê, lúa nước ở nhiều thôn, buôn trên địa bàn xã. Dòng suối xưa quanh năm ào ạt nước, nay chỉ còn lởm chởm những tảng đá đen ngòm trơ trọi, cạn khô.

Đứng bơ phờ giữa 5 sào cà phê, anh Lý Văn Lù, ở thôn Hợp Hòa, buồn rầu: Hạn hán năm nay đến sớm hơn so với mọi năm, rẫy nhà tui cách suối Ea M’droh chỉ vài trăm mét. Nhưng chưa đến Tết Nguyên đán, suối đã cạn. Cà phê đã héo rũ rồi mà không biết phải làm sao. 

Cầu trời mưa sớm, cứu lấy bà con nông dân! Cách rẫy anh Lù một đoạn, rẫy gia đình bà La Thị Ứng 2 ha cà phê đã khô cành. Để chống hạn cho cây, bà Ứng phải xếp hàng mua nước ở những hộ có giếng khoan chưa cạn.

“Đa số người dân tự ý khoan, đào giếng với cách nghĩ đơn giản rằng đào giếng trên đất của mình thì không cần xin phép. Việc khai thác nước ngầm không đúng quy định gây nguy cơ chọc thủng tầng nước ngầm, không dễ hồi phục”.

Ông Hoàng Xuân Ngân - Phó Giám đốc Sở TN&MT Đắk Lắk

Tính đến nay, toàn xã Ea M’droh đã có 60 ha lúa nước vụ đông xuân 2014 – 2015 bị khô hạn, trong đó có 25 ha bị mất trắng. Các vườn cà phê cũng khát nước nghiêm trọng. 

Theo thống kê, toàn huyện Cư M’gar có 64 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, trong đó có 13 đập dâng và 51 hồ chứa. Đa số đều cạn nước sớm hơn mọi năm. UBND huyện Cư M’gar đã chỉ đạo các địa phương, chi nhánh Thủy lợi Cư M’gar thường xuyên tổ chức phát dọn, nạo vét kênh mương, điều tiết nước hợp lý, tưới nước tiết kiệm, ưu tiên nước cho các diện tích bị hạn nặng nhất. 

Nằm cách bờ sông Krông Ana chỉ hơn 1 km, nhưng hàng trăm hộ dân thôn Ea Tung xã Ea Na (huyện Krông Ana - Đắk Lắk) phải chi tiêu tằn tiện để dành tiền mua nước sinh hoạt và tưới cà phê từ vài cái giếng khoan may mắn có nước. 

Ông Nguyễn Thế Sự - trưởng xóm 2 cho biết dân trong xóm mua nước ở giếng nhà anh Hoàng, cứ mỗi giờ giá 90.000 đồng, bơm được gần 3 khối nước, nhưng giếng này cũng sắp cạn. 

Cụ Huỳnh Khả than nhà đông con cháu, có 1ha cà phê già cỗi đã 35 năm không có tiền tái canh, năng suất kém, thu hoạch xong bán hết cũng không đủ trả nợ mua phân và mua nước tưới. Hoàn cảnh tương tự như nhà cụ Khả chiếm phần lớn trong cái thôn 378 hộ dân này.

Ông Phạm Vũ Tuấn - Trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên cho biết: Từ giữa tháng 4, đầu tháng 5, Tây Nguyên sẽ có vài cơn mưa vào chiều và tối sẽ làm cho nắng hạn bớt gay gắt hơn. Tuy nhiên, tình trạng hạn hán vẫn kéo dài trên diện rộng. Hiện mực nước các hồ thủy điện, thủy lợi, sông suối thấp hơn nhiều so với các năm.

 Cụ thể, hồ thủy điện thấp hơn mức dâng bình thường từ 1-5m. Cũng có những hồ sụt giảm mạnh như  hồ Ka Nak, mực nước thấp hơn tới 11m. Nhiều hồ thủy lợi chỉ trữ được 50-60% nước so với dung tích thiết kế. Do vậy, khả năng thiếu nước vụ đông xuân trên địa bàn Tây Nguyên rất cao. Ông Tuấn khuyến cáo người dân nên dùng kỹ thuật tưới phun để tiết kiệm nước, giữ ẩm chờ mưa.

Ai bảo vệ nguồn nước ngầm?        

Ngoài các nguyên nhân như lượng mưa thấp, nắng hạn kéo dài, độ che phủ rừng giảm, diện tích cây trồng cần lượng nước tưới cao ngày càng lớn, dân số tăng không ngừng… việc người dân ồ ạt khoan, đào giếng lấy nước tưới cây và sinh hoạt càng khiến nguồn nước ngầm suy giảm nhanh chóng, nghiêm trọng.

Nhiều năm qua, tình trạng khai thác và sử dụng nước ngầm ở Tây Nguyên tràn lan, đặc biệt là những tháng đầu năm 2015, hàng nghìn hộ dân tự khoan giếng không giấy phép, nhưng cơ quan chức năng và chính quyền địa phương lại chưa có biện pháp quản lý hiệu quả.

Ông Phạm Quang Mười, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cư M’gar cho biết, hiện toàn huyện có khoảng 1.000 giếng khoan, giếng đào, hầu hết không phép. Mực nước ngầm trên địa bàn giảm từ 5 - 7m so với giai đoạn 2010-2014. 

Mặc dù, nhà nước đã có quy định, người dân muốn khoan giếng phục vụ tưới tiêu nông nghiệp với quy mô lớn phải xin phép và được sự chấp thuận của cơ quan chức năng, nhưng thực tế thì rất ít người dân xin phép khoan giếng.

Ông Hoàng Xuân Ngân, Phó Giám đốc Sở TN&MT Đắk Lắk, xác nhận, mực nước ngầm ở Đắk Lắk đang suy giảm nghiêm trọng. Cuối năm 2014, toàn tỉnh mới cấp 279 giấy phép khai thác nước, trong đó có 88 giấy phép thăm dò nước ngầm, 114 giấy phép khai thác sử dụng nước ngầm, 14 giấy phép khai thác sử dụng nước mặt.

 Vậy nhưng, thực tế tỉnh có 5.000 giếng khoan, hàng chục nghìn giếng đào phục vụ sản xuất không có giấy phép khai thác, sử dụng. Kết quả quan trắc môi trường trên địa bàn Đắk Lắk cho thấy mực nước ngầm các nơi đều giảm từ 1m đến trên 5m.

 “Đa số người dân tự ý khoan, đào giếng với cách nghĩ đơn giản rằng đào giếng trên đất của mình thì không cần xin phép. Việc khai thác nước ngầm không đúng quy định gây nguy cơ chọc thủng tầng nước ngầm, không dễ hồi phục”, ông Ngân nói.

Tương tự tại Đắk Nông, hiện toàn tỉnh mới chỉ cấp 41 giấy phép khai thác nước và 6 giấy phép cho các đơn vị khoan nước ngầm dưới đất. Tuy nhiên, thực tế có hàng nghìn giếng khoan sâu hàng trăm mét lấy nước phục vụ sản xuất.

Ông Lê Tuấn Anh,  Trưởng phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn - Sở TN&MT Gia Lai, xác nhận, vấn đề người dân tự ý đào giếng khoan, chính quyền cùng các sở ngành liên quan chưa quản lý được. Thực tế tỉnh mới cấp khoảng 40 giấy phép đào giếng khoan, còn dân khoan bao nhiêu giếng chưa thống kê được. 

Theo quy định, người dân tự ý đào giếng khoan mà không được cơ quan chuyên môn thẩm định, cấp phép có công suất khai thác trên 10m3 thì sẽ bị xử phạt theo Nghị định 142/2013 của Chính phủ. Về lâu dài, việc tự ý đào giếng khoan chắc chắn sẽ gây sụt giảm, cạn kiệt tài nguyên nước ngầm và gây sụt lún, phá vỡ cấu trúc tầng nước bazan.  

(Còn nữa)

Muốn khoan giếng sử dụng cho gia đình dung lượng dưới 10m3/ngày đêm, hộ gia đình phải làm thủ tục đăng ký với xã, huyện nơi cư trú. Khai thác sử dụng từ 20m3/ngày đêm phải xin phép Sở TN&MT, trên 3.000m3/ngày đêm phải xin phép Bộ TN&MT. Ngoài ra, những người khoan giếng phải có giấy phép hành nghề khoan nhằm bảo vệ tầng chứa nước và nguồn nước. Chính quyền cấp xã, huyện, Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch UBND huyện, Chánh thanh tra Sở TN&MT, Cảnh sát môi trường đều có quyền xử phạt hoặc có văn bản đề nghị xử phạt. Tuy nhiên, lâu nay hầu hết các địa phương trên khu vực Tây Nguyên đều chưa triển khai chặt chẽ việc theo dõi, giám sát và xử phạt các hành vi làm trái với các quy định bảo vệ nước ngầm.