Nguyễn Bình Phương: Tiểu thuyết khó hiểu vẫn đông fan

TP - “Kể xong rồi đi” là cuốn tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Bình Phương, vừa ra mắt hồi cuối tháng 9. Giống như tất cả những tác phẩm trước của anh, các nhà phê bình và bạn văn đều cho rằng đây là cuốn sách khó đọc. Nghịch lý là fan của Nguyễn Bình Phương không giảm, còn có xu hướng trẻ hóa.

Rất đông độc giả trẻ theo dõi buổi tọa đàm về một cuốn sách khó đọc.

Tác giả đi vắng, độc giả đội mưa đến nghe

Như mọi khi, Nguyễn Bình Phương không xuất hiện trong buổi ra mắt sách của mình, người quen thân anh bình luận: vẫn cái thói “sợ đám đông”! Lường trước sự “hiu hắt” của lượng người đọc trước một cuốn sách khó, ban tổ chức đã chọn thư viện của Trung tâm Văn hóa Pháp làm địa điểm cuộc tọa đàm “Chiêm nghiệm về cái chết” nhân “Kể xong rồi đi” ra mắt. Thế nhưng, buổi nói chuyện chỉ bắt đầu mười phút, độc giả đến quá đông, MC buộc phải đề nghị chuyển chỗ sang hội trường lớn của L’espace.

Theo tiết lộ của nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa, tác giả viết xong cuốn tiểu thuyết này từ năm 2014, nhưng thời gian anh dành để chỉnh sửa nó là 3 năm, cho nên đến năm 2017, cuốn sách mới tới tay bạn đọc. Các bạn văn và biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy đều kể rằng: hiếm có người kỹ chữ như Nguyễn Bình Phương, anh cân lên đặt xuống từng từ, không tiếc thời gian cắt, gọt, đẽo cho đến kỳ ưng ý mới thôi. Nhà văn Uông Triều còn tiết lộ: bản thảo đầu tiên của tiểu thuyết có tên “Xuôi tay” là một phiên bản khác hẳn “Kể xong rồi đi”. Có nghĩa, trong khoảng thời gian ba năm sửa chữa, Nguyễn Bình Phương gần như đã dỡ tiểu thuyết ra viết lại.

Biên tập viên Diệu Thủy cho biết, sau khi đưa bản thảo “Kể xong rồi đi” Nguyễn Bình Phương nói rằng: anh tâm đắc lối viết tối giản trong cuốn sách. Nếu như ở “Mình và họ” vẫn còn cái gì đó “hổn hển” và vẫn còn khoe kiến thức, thì ở “Kể xong rồi đi”, những cảm giác khó chịu ấy đã biến mất.

Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa đánh giá: mỗi truyện của Nguyễn Bình Phương đều có một khí hậu riêng, ma mị, quánh đặc, hấp dụ chúng ta phải đi theo đến cùng.

Nhà văn Bảo Ninh trước đó từng khen “Mình và họ” của Nguyễn Bình Phương là “tuyệt tác”, nay anh tiếp tục khẳng định: văn Phương không những rất hay, còn rất khác thường. Tác giả “Nỗi buồn chiến tranh” đánh giá tiểu thuyết đã vượt qua lối nghĩ của thế hệ anh. Nhà văn giải thích thêm: thế hệ tôi chỉ bàn chuyện đúng sai, phải trái, trong khi các bạn bây giờ chiêm nghiệm về cái chết. Anh cho rằng, “Kể xong rồi đi” là đối tượng cho một nền phê bình mới, và “Nguyễn Bình Phương xứng đáng”!

Một tiết lộ tương đối cá nhân của nhà văn Uông Triều về thói quen viết của Nguyễn Bình Phương được độc giả thích thú. Anh kể rằng: Nguyễn Bình Phương có thói quen tiết kiệm, bản thảo của anh thường sửa nhiều lần, mỗi lần dùng một màu mực khác nhau để đánh dấu. “Sửa nhoe nhoét” cho đến khi kín đặc trang giấy, cho nên ai xin bản thảo Nguyễn Bình Phương cũng không cho bởi anh ý thức rất cao về chữ của mình. Điều này được đạo diễn Quốc Trọng ghi nhận: “tôi giữ được một bản thảo của cuốn “Thoạt kỳ thủy”, Phương đòi suốt nhưng tôi nhất định không trả. Đạo diễn “Xuân tóc đỏ” cũng chia sẻ rằng, anh thích cuốn “Kể xong rồi đi” bởi cách kể nhẹ nhàng tưng tửng nhưng ẩn sau câu chữ lại như có tiếng khóc không bật ra được!

“Kể xong rồi đi” là cuốn tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Bình Phương.

Đọc văn như thưởng thức nghệ thuật đương đại

Không một ý kiến nào ở hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp “khen” văn Nguyễn Bình Phương dễ đọc. Biên tập viên Diệu Thủy cho rằng muốn hiểu văn Nguyễn Bình Phương, ít nhất phải đọc hơn hai lần. Nhà văn Đinh Phương khẳng định: tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương thuộc loại đọc một lần không thấy hay, nhưng qua mỗi lần đọc thì lại phát hiện một giá trị khác!

Nhà văn Bảo Ninh dù khen Nguyễn Bình Phương hết lời vẫn phải “thú thực, tôi đọc cuốn này không hiểu lắm, nhưng tôi thích, vì nó đưa tôi vào vô thức”.

Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa cũng cho rằng: truyện của Nguyễn Bình Phương đọc để cảm chứ không phải để hiểu. Rằng rất khó để tóm tắt tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương bởi anh “viết” chứ không phải “kể” nội dung!

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đánh giá Nguyễn Bình Phương là nhà văn Việt Nam đương đại “được yêu thích” và rằng đọc văn anh phải kiên nhẫn, không thể thẳng tuột được. Ông Nguyên chia sẻ thêm: Nguyễn Bình Phương là trường hợp duy nhất cho đến nay đoạt cả hai giải thưởng thơ và văn xuôi của Hội Nhà văn Hà Nội: giải thơ cho tập “Buổi câu hờ hững” (2012), giải văn xuôi cho tiểu thuyết “Mình và họ” (2015). 

80% số người có mặt trong buổi tọa đàm về tiểu thuyết mới của Nguyễn Bình Phương là người trẻ. Điều này gây ngạc nhiên cho cả những người viết, các nhà phê bình lẫn báo giới. Chung câu trả lời cho câu hỏi “Vì sao thích văn Nguyễn Bình Phương”, mỗi người có một lý giải khác nhau.

Nguyễn Bảo Hân (khoa Ngôn ngữ học - ĐH KHXH&NV) cho rằng: chữ của Nguyễn Bình Phương rất hay, độc đáo và với cuốn tiểu thuyết nào cũng có thể trở thành một đề tài luận văn.

Trương Huy Tùng (học sinh tại L’espace) nhận xét: tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương giống như nghệ thuật đương đại. Vì thế khi đọc không nhất thiết phải hiểu. Chỉ cần thích hoặc tâm đắc, cảm thấy xúc động, vui, buồn, sợ hãi… là đủ.

Hoàng Thu Hà (du học sinh tại Pháp) khẳng định: một nhà văn đương đại nhất định phải tư tưởng về cái ác và cái chết. Nguyễn Bình Phương là nhà văn Việt Nam hiếm hoi viết về cả hai đề tài này!

Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Bình Phương sinh năm 1965, tại Thái Nguyên. Anh tốt nghiệp Trường Viết Văn Nguyễn Du khóa 4, hiện là Tổng Biên tập Tạp chí Văn Nghệ Quân đội, trưởng ban Công tác Văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam.

Các tác phẩm chính: Vào cõi, Ngồi, Người đi vắng, Những đứa trẻ chết già, Thoạt kỳ thủy, Trí nhớ suy tàn, Mình và họ, Kể xong rồi đi; Lam chướng, Xa thân, Từ chết sang trời biếc, Buổi câu hờ hững, Xa xăm gõ cửa.