Người tử tế

TP - Ba chữ trên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong lời phát biểu kết thúc phiên họp Chính phủ hôm qua đang làm nóng các diễn đàn. Đó cũng là những lời chia tay của ông với các thành viên Chính phủ và nhân dân với tư cách người đứng đầu Chính phủ. Khi chỉ còn hơn 10 ngày nữa, ông sẽ chính thức thôi nhiệm vụ Thủ tướng để nghỉ chính sách.

Cụ thể, cuối phát biểu của mình, ông nhắc đến một chương trình truyền hình của VTV mang tên Việc tử tế. Để tự chúc mình và những thành viên Chính phủ “ráng” được như vậy. Làm người tử tế và tiếp tục “sống tử tế thôi”. Kiểu nói mang chất Nam bộ, ít rườm rà.

Kinh - tế phát triển tỷ lệ thuận với sự Tử - tế, đó chính là hình mẫu về một xã hội lý tưởng, cũng là niềm khát khao lớn nhất của con người. Với một đất nước mà tâm thế con người lẫn đời sống kinh tế còn đang quá nhiều bề bộn như Việt Nam, sự tử tế càng là mong ước cháy bỏng. Cho dù sự tử tế của người Việt luôn có ở mọi nơi, mọi lúc, người trước tiếp cho người sau, nhưng phải nói đó vẫn là điều hiếm. Và đang bị chèn lấn một cách dữ dội bởi cái xấu, cái ác, sự vô cảm, bạo lực…

 Cũng hôm qua, có một tin trên báo mạng, nhỏ thôi, nhưng riêng tôi  thấy ấm lòng. Đó là nhà trường quyết định không kỷ luật thầy giáo “bắt” học sinh nhổ tóc bạc trong giờ học ở Quỳnh Lưu (Nghệ An). Khi trước đó, một đoạn clip tung ra cảnh cậu học trò đứng nhổ tóc bạc cho thầy trong giờ học, khiến cộng đồng mạng “bức xúc, phẫn nộ”. Con người ta có thể bạo lực ngay cả trong suy nghĩ, trước chỉ một tấm ảnh hay mẩu clip trôi nổi trên mạng, mà không cần biết bản chất thực của câu chuyện ra sao. Họ tạo thành cái gọi là “dư luận”, ép nhà trường, cơ quan phải kỷ luật, sa thải … Mà không nghĩ ngược lại rằng đó là một hình ảnh đẹp, cảm động về tình thầy trò? Khi người thầy 50 tuổi dạy tiểu học này cuối tiết bị choáng váng do đang ốm, đã nhờ một cậu học trò nhỏ lên bắt gió, xoa dầu.

Vô vàn những câu chuyện như vậy. Từ vị bác sĩ đặt chân lên giường bệnh nhân, huấn luyện viên bóng bàn dùng cán chổi “dạy” vào mông cậu VĐV trẻ vì tội chểnh mảng tập luyện, ham chơi điện tử, đến chuyện tình ái của một cô ca sĩ … Đều trở thành những con mồi trước sự háu đói của mạng xã hội.

Người ta bỏ cả công ăn việc làm ùn ùn đi lễ chùa. Sẵn sàng chi cho đền cho điện, thầy này cậu nọ cả tỷ bạc. Nhưng cũng sẵn sàng tranh giành sát phạt, bức hại nhau vì một miếng danh lợi nho nhỏ. Và ít khi thấy những số phận bất hạnh đang cần được chia sẻ quanh mình. 

Sự sùng tín lắm lúc đến mê muội, khiến nhiều người không hay rằng chính Đạt Lai Lạt Ma 14 từng thừa nhận “Tôn giáo của tôi là sự tử tế” (My religion is kindness).