Theo tiêu chí ấy, chắc tôi phải làm cho nửa máu Việt mạnh về cạnh tranh trong con mình trội lên, lấn át phần máu Bỉ nặng về cảm xúc.
Một ngày nọ, cô giáo mời vợ chồng tôi họp phụ huynh riêng. Tôi hồi hộp “Cháu được lên lớp Một chứ cô”. “Cháu đủ khả năng. Tính khá bướng, cái gì biết mới nói, còn phân vân thì quyết ngồi im. Toán ổn, xếp hình giỏi, ngôn ngữ chưa chắc. Trong bài kiểm tra kiến thức chung về hình khối, tưởng tượng, logic, ghi nhớ... cháu còn mắc nhiều lỗi. Ví dụ hỏi xe buýt và xe máy, xe nào chạy nhanh hơn. Cháu chọn xe máy là sai”. Chồng tôi giơ hai tay lên trời “Xe máy nhanh hơn chứ. Bọn trẻ chưa thể biết động cơ, phân khối, mã lực là gì. Chúng chỉ nhìn thực tế trên đường, xe máy chạy nhanh hơn cả ô tô chứ nói gì xe buýt bị khống chế tốc độ trong thành phố, hay phải dừng nhận- trả khách. Nếu tắc đường, xe buýt phải đứng yên còn xe máy vẫn có thể phóng lên phía trước”. Cô giáo cười hì hì, không có vẻ gì phật ý “Tôi biết, tôi biết. Nhưng lý thuyết là vậy. Cảm ơn anh, điều này chúng tôi sẽ bàn thêm”.
Bỗng chốc tôi có ba người thầy trước mặt. Cô giáo đang cởi mở quan điểm với phụ huynh. Thói quen phản biện của chồng tôi trước mọi vấn đề. Và nhờ lựa chọn của con, tôi biết thêm tình huống như vậy. Tối ấy về nhà tôi vẫn bắt con ngồi vào bàn, luyện lại kiến thức còn hổng. Nhưng cũng tự nhủ phải kiên định không tham dạy trước chương trình, không nhồi lý thuyết đến lu mờ cả hiện thực. Chẳng có nền giáo dục nào hoàn hảo. Giáo dục là cải cách liên tục.
Có lần, thấy em họ là giảng viên đại học, bận bù đầu cũng nhảy vào đòi kết bạn facebook. Tôi tra hỏi kỹ trước khi cho làm bạn ảo, em thú nhận “Chơi gì đâu. Mở facebook vì trường bắt phải thu hút càng nhiều sinh viên càng tốt. Không có sinh viên thì không học phí, nghỉ không lương”. Giáo dục hóa ra còn có chức năng giải trí kỳ diệu: Vào khoa Quản trị em ơi/Công danh sự nghiệp rạng ngời trong tay...
Thế này khác gì trường quốc tế. Có cô bạn vì công việc của chồng, cả nhà chuyển từ Hà Nội sang Malaysia. Tôi hỏi trường quốc tế bên ấy khác gì trường quốc tế bên mình. Cô trả lời: Học phí cao hơn, nhưng không chênh lệch quá nhiều, trường quốc tế tại Hà Nội cũng phải đóng phí 15.000- 22.000 USD/năm rồi. Bên này tổng cộng hơn 300 học sinh so với chỉ khoảng 30 bé trong một trường quốc tế ở Hà Nội. Học sinh đông, có nhiều kinh phí cho sách vở, đầu tư sâu hơn cơ sở hạ tầng, riêng hoạt động thể thao, ngoại khóa đã 100 môn, sang cả Nhật học trượt tuyết...
Hai kiểu trường học này cũng là những người thầy, cho tôi an tâm rằng hãy để con mình sống và học tập an nhiên trong một ngôi trường xa thành phố, phù hợp hoàn cảnh gia đình. Bọn trẻ đâu chỉ đến trường mới có thầy. Môi trường sống cũng là người thầy vĩ đại. Trong cộng đồng Third culture kids - Những đứa trẻ lớn lên giữa các nền văn hóa khác văn hóa gốc của cha mẹ, có chuyện kể rằng: Gia đình Edleys sống và làm việc trong ngôi làng hẻo lánh tại châu Phi suốt 10 năm. Muốn các con hòa hợp văn hóa quê nhà Mỹ trong ngày trở lại, vợ chồng Edleys sắm cho chúng trang phục tân thời nhất bay về New York. Sau khi lấy hành lý, bố mẹ hào hứng thẳng hướng cửa hải quan sân bay JFK. Bỗng họ nhận thấy hành khách đứng quanh băng chuyền đồ đang nhìn chằm chằm gia đình mình. Quái lạ. Họ là người Mỹ, con họ cũng người Mỹ, và đã cho chúng ăn mặc đúng kiểu Mỹ rồi cơ mà. Vợ chồng Edleys quay lại, hiểu ra: Ngay sau họ, theo hàng lối nghiêm chỉnh, bốn đứa con đang đội vali trên đầu.