Nghiên cứu lại diện kê khai
Trong công tác phòng chống tham nhũng, nhiều ý kiến nói rằng chúng ta đang “đánh trận giả”? Ví như gần 1 triệu bản kê khai tài sản chỉ có 1 trường hợp bị xử lý, vì kê khai không trung thực. Ông có đồng ý với nhận định này?
Có thể do không có đầy đủ thông tin nên có ý kiến nói như thế. Thực tế việc phòng chống tham nhũng (PCTN) trong những năm qua là rất quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Năm 2013- 2014, PCTN có rất nhiều tiến bộ, nhưng đây là công việc lâu dài, phức tạp, chứ không phải một sớm, một chiều là xong. Tuy nhiên, mỗi một quốc gia có một cách thức để chống cho hiệu quả. Mỗi nước có một cách thức chống khác nhau, như chúng ta chống tham nhũng để ổn định chính trị, để kinh tế - xã hội phát triển, nhân dân hạnh phúc hơn.
Đối với việc kê khai tài sản, nhiều người coi đó là hình thức thì chúng ta vừa làm, vừa thể nghiệm và đánh giá tổng kết xem có nhất thiết diện kê khai cứ phải là 1 triệu người không, hay là cô gọn lại ở diện hẹp hơn để làm sao quản lý được người ta. Phải thẩm định, xác minh được tính trung thực của kê khai.
Kê khai, minh bạch tài sản là một trong những giải pháp quan trọng trong PCTN. Nhưng đúng là kê khai chưa được thực tế lắm nên cần nghiên cứu bổ sung cho phù hợp. Thứ nữa phải tăng cường giám sát của nhân dân, của báo chí đối với các cơ quan nhà nước… Tất cả những điều đó phải có tổng kết, đánh giá.
Ngoài ra, cũng cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu người đứng đầu mà liêm khiết, không tham nhũng, quyết liệt trong PCTN thì cấp dưới chắc chắn sẽ không dám tham nhũng. Các tổ chức chính trị cũng phải vào cuộc ngay, đảng viên sinh hoạt trong chi bộ phải nâng cao tính chiến đấu với tham nhũng.
Một số cơ chế cũng phải hoàn thiện tiếp, ví như chúng ta tiêu tiền mặt nhiều quá nên không quản lý được nguồn thu nhập của cán bộ công chức. Bây giờ chúng ta đang áp dụng hình thức trả lương qua tài khoản, nhưng thực tế có người đâu chỉ có sống bằng lương. Nhiều người sống bằng các nguồn thu nhập khác và những nguồn đó lại rất chính đáng, nhưng chúng ta cũng không quản lý được. Chúng ta không thể xác định được. Còn nếu qua ngân hàng, thì cơ quan chức năng sẽ biết hết được thu nhập của cán bộ, công chức. Họ tiêu như thế nào nhất là đối với những khoản thu, chi có giá trị lớn.
Có ý kiến cho rằng, kê khai tài sản nên mở rộng ra cả con, vợ chồng của những người thuộc diện phải kê khai, ý kiến của ông thế nào về vấn đề trên?
Bây giờ mình chưa quản lý được thu nhập xã hội, nếu có bổ sung đối tượng đó vào diện kê khai thì diện kê khai rộng hơn, quản lý cũng rộng hơn và với cơ chế bây giờ thì sẽ không sâu được. Do đó, phải tổng hợp các giải pháp và phải được quy định bằng pháp luật cụ thể, trên các lĩnh vực một cách toàn diện. Bởi họ đến tuổi công dân, họ làm doanh nghiệp không có liên quan gì đến nhà nước thì sao phải kê khai. Đấy là chưa kể đến việc đó còn liên quan đến bí mật đời tư. Ở các nước người ta tự kê khai, tự báo cáo và họ phải nộp thuế. Những trường hợp báo cáo sai người ta kiểm tra phát hiện ra thì sẽ bị xử lý rất nặng. Các nước kiểm soát nguồn thu nhập, còn ta quản lý con người là chính nên hiệu quả chưa được rõ lắm.
Công khai tài sản tại nơi cư trú
Trong đợt tiếp xúc cử tri vừa qua, một số đồng chí lãnh đạo bày tỏ ủng hộ việc công khai tài sản. Vậy ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
Hiện chúng ta có hai hình thức công khai là: Công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người có nghĩa vụ kê khai thường xuyên công tác. Hình thức công khai có thể báo cáo hoặc niêm yết ai cũng có thể xem được. Theo Nghị quyết của T.Ư thì bản kê khai tài sản phải công khai tại nơi cư trú. Bây giờ chúng ta phải nghiên cứu và dứt khoát phải thực hiện theo Nghị quyết của T.Ư. Song phải tính toán kê khai, công khai ở nơi cư trú thế nào cho hiệu quả, tránh được những người có động cơ cá nhân, tuyên truyền xấu thì lại làm ảnh hưởng đến người kê khai trung thực… Cho nên chúng tôi đang nghiên cứu để tới đây sẽ báo cáo Chính phủ, báo cáo T.Ư xem công khai hình thức nào để nhân dân biết, giám sát và phản ánh được cho cơ quan quản lý một cách hiệu quả nhất.
Chứ như hiện nay đúng là nhiều người bảo tôi sao xử lý, phát hiện người kê khai tài sản ít thế. Cả nước theo thống kê báo cáo trước Quốc hội thì có 5 trường hợp kê khai không trung thực và vừa rồi Bộ Giao thông Vận tải báo cáo có 4 trường hợp nữa, nâng tổng số các trường hợp vi phạm trong kê khai tài sản là 9 trường hợp.
Thực tế của chúng ta là người kê khai tự chịu trách nhiệm và các cơ quan quản lý chỉ xác minh khi rơi vào một trong những tiêu chí theo luật phải xác minh chứ không có cơ quan nào đi xác minh được cả gần 1 triệu bản kê khai. Bây giờ nói xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi kê khai tài sản không trung thực trong khi người ta chưa xác minh được cụ thể thì cũng chưa thể kết luận và chưa đặt vấn đề xử lý được.
Với điều kiện sử dụng tiền mặt như hiện nay thì Việt Nam liệu có thể thực hiện được việc kiểm soát tài sản, thu nhập của quan chức như các nước không thưa ông?
“Theo Nghị quyết của T.Ư thì bản kê khai tài sản phải công khai tại nơi cư trú. Bây giờ chúng ta phải nghiên cứu và dứt khoát phải thực hiện theo Nghị quyết của T.Ư. Song phải tính toán kê khai, công khai ở nơi cư trú thế nào cho hiệu quả”.
Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ Phạm Trọng Đạt
Vấn đề này chúng ta cũng đang nghiên cứu, đang làm. Ví như thực thi trách nhiệm giải trình, chứng minh tài sản tham nhũng của cán bộ, công chức. Ở nước ngoài, có nước nếu anh không chứng minh được tài sản của anh thì tài sản đó phải bị thu hồi. Không ai hiểu tài sản của người khai bằng chính bản thân họ. Trước đây, chúng ta quản lý còn sơ hở, giờ thì phải hoàn thiện pháp luật một cách đồng bộ để không bị lợi dụng. Thứ hai nữa là, diện kê khai tài sản phải tính toán có rộng hơn hay hẹp hơn để mục đích cuối cùng là quản lý, kiểm soát được thu nhập.
Thu hồi tài sản không giải trình được nguồn gốc
Trong trường hợp phát hiện người kê khai không trung thực thì cơ chế xử lý ra sao, nhất là đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc?
Quy định pháp luật hiện hành về minh bạch tài sản, thu nhập nếu phát hiện người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực thì người đó sẽ bị xử lý kỷ luật về chính quyền và xử lý kỷ luật về Đảng. Đối với tài sản kê khai không trung thực hoặc không giải trình được nguồn gốc thì hiện nay việc xử lý phụ thuộc vào kết quả xác minh của cơ quan chức năng.
Nếu cơ quan chức năng xác định được những tài sản đó hình thành không đúng với quy định của pháp luật thì bị thu hồi bằng quyết định hành chính hoặc bản án có hiệu lực của pháp luật. Các cơ quan chức năng đang nghiên cứu để thiết lập cơ sở pháp lý các biện pháp thu hồi tài sản của cá nhân không giải trình được nguồn gốc. Chúng ta phải chờ kết quả nghiên cứu và xem xét, phê chuẩn của cơ quan có thẩm quyền.