Ngư dân quyết bám biển, giữ vững ngư trường

TP - “Trung Quốc càng ngang ngược, ngư dân càng quyết tâm bám biển, giữ vững ngư trường. Chúng tôi sẵn sàng sát cánh với các lực lượng chức năng trong tình hình hiện nay” - thuyền trưởng trẻ tuổi Bùi Văn Phải (Lý Sơn, Quảng Ngãi), khảng khái nói với PV báo Tiền Phong.
Tàu cá của ngư dân Lý Sơn chuẩn bị vươn khơi Hoàng Sa. Ảnh: Anh Thư

Bùi Văn Phải là người từng nhiều lần trực diện đối đầu với tàu hải giám Trung Quốc giữa Hoàng Sa. Đầu năm ngoái, tàu anh vô cớ bị Trung Quốc bắn cháy rụi cabin, cả thế giới đã biết đến.

Ngư dân phẫn nộ

Vừa cho tàu chở nặng tôm cá cập đảo Lý Sơn vào rạng sáng 7/5, sau cuộc hành trình gần một tháng bám biển Hoàng Sa, ngư dân Phùng Thanh Được - thuyền trưởng tàu cá QNg 96047 TS (An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi) vẫn còn nguyên tâm trạng bức xúc. 

Mấy ngày nay, làm ăn trên biển, thông qua hệ thống máy Icom liên lạc với đất liền, tàu ông và hàng trăm tàu cá khác của ngư dân đảo Lý Sơn đang khai thác xa bờ, nắm được thông tin phía Trung Quốc vừa kéo và đặt giàn khoan vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Ai cũng vô cùng phẫn nộ vì hành động ngang ngược vi phạm trắng trợn chủ quyền biển đảo của Việt Nam. “Gần 20 năm bám biển làm ăn, nhiều lúc gặp khó nhưng chưa bao giờ chúng tôi thấy phía Trung Quốc lại ngang ngược như vậy. Họ cho mình cái quyền muốn làm gì thì làm, bất chấp tất cả à ?!”, ông Được phẫn nộ.

Ngư dân Bùi Văn Phải, thuyền trưởng tàu cá QNg 96169 TS (thôn Đông, xã An Hải), bức xúc: Hết chiếm đóng trái phép tại Hoàng Sa, nay họ lại giở trò lấn biển, hung hăng đâm tàu mình. Theo Phải, anh cũng như hàng trăm thuyền trưởng khác, đã sẵn sàng sát cánh cùng với các lực lượng chức năng như cảnh sát biển, kiểm ngư… trong cuộc đấu tranh này.

Ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải, cho biết: Chúng tôi đã liên lạc với chủ các tàu cá đang làm ăn biết tình hình và diễn biến trên biển, đồng thời tuyên truyền, vận động bà con ngư dân không nên hoang mang, vượt khó tiếp tục bám biển, bám ngư trường. 

Còn việc Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng biển thuộc chủ quyền của ta, chúng tôi kịch liệt phản đối, yêu cầu Trung Quốc phải nhanh chóng rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam. 

“Họ càng lấn lướt, bất chấp luật pháp quốc tế vi phạm chủ quyền, thì tất cả ngư dân Lý Sơn càng quyết tâm vươn khơi bám biển Hoàng Sa đến cùng” - ông Chinh khẳng định.

Vẫn thẳng tiến Hoàng Sa

Sáng sớm 8/5, tại âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng), ông Trương Văn Hay - chủ tàu ĐNa 90235, tất bật khâu cuối cùng để nhổ neo đánh bắt tại Hoàng Sa. Gia đình có đến gần chục tàu theo nghề đánh bắt tại Hoàng Sa. Mỗi chuyến biển, ông Hay cùng 3-4 anh em ruột, đi thành những tổ đội vươn khơi.Vừa cập bờ chưa được tuần lễ, ông lại tiếp tục ra khơi.

Tàu cảnh sát biển Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm đang được sửa chữa. Ảnh: N.C

Ông kể, đêm 3/5, trên đường vào bờ, đến khu vực cách vị trí giàn khoan cả chục hải lý vẫn bị tàu hải cảnh Trung Quốc rồ máy lao đến, hung hãn soi đèn, xua đuổi. “Khó khăn nhưng đang mùa tháng 4-5, trời êm, biển lặng, đánh bắt dễ. Phải tranh thủ. Mình không sợ thì Trung Quốc mới không uy hiếp được mình”, ông Hay nói.

   

Hàng loạt tàu cá công suất lớn, đánh bắt xa bờ tranh thủ nạp nhiên liệu, đổ đá, lương thực chọn “giờ tốt” mở biển. Anh Trương Văn Tài (Thanh Khê, Đà Nẵng) chủ tàu ĐNa 90202TS bảo: “Câu chuyện Trung Quốc gây hấn trên biển Đông không lạ. Giàn khoan hay hành động xua đuổi, uy hiếp ngư dân mình của Trung Quốc cũng không lạ. Mục đích họ muốn mình sợ mà bỏ biển. Mình không sợ, nó không làm được gì mình”.

Vừa trở về sau chuyến ra khơi Hoàng Sa, tàu cá QNg 90647TS của Phùng Văn Thành (38 tuổi, An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi) tranh thủ “xả hàng”, mở lại chuyến biển mới. Anh kể, trưa 1/3, tàu anh đang đánh bắt ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, bất ngờ bị tàu ngư chính Trung Quốc uy hiếp, vây ráp suốt một tiếng rưỡi đồng hồ. 

Tàu ngư chính Trung Quốc thả thêm những cano nhỏ “đổ bộ” lên tàu QNg 90647TS, trắng trợn lấy đi hơn 3 tấn cá (trị giá hơn 100 triệu đồng), cùng toàn bộ máy móc định vị, máy dò cá, ngư cụ, đồ lặn, thúng mủng, chỉ để lại “con tàu trống” trước khi bỏ đi. “Từ đầu năm đến nay, tàu tôi 2 lần bị Trung Quốc xua đuổi, trấn áp. Giờ với việc đặt giàn khoan, chắc chắn họ càng hung hăng hơn. Hiểm nguy nhiều nhưng anh em chúng tôi không sợ”, anh Thành nói.

Theo ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá An Hải (Lý Sơn), ít nhất có 3 tàu cá của các thành viên nghiệp đoàn bị phía Trung Quốc uy hiếp trái phép khi khai thác tại vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam từ đầu năm 2014 đến nay.

Nghiệp đoàn có kiến nghị gửi cơ quan chức năng hỗ trợ, can thiệp. Hiện, 72 tàu công suất lớn nghiệp đoàn An Hải ra khơi, bất chấp khó khăn trên biển. “Chúng tôi duy trì thường xuyên mô hình tổ đội, thông tin liên lạc, tương hỗ giúp nhau trên biển để giảm thiểu rủi ro, đánh bắt an toàn hơn”, ông Chinh nói.