Ngồi lên vai già làng

TP - “Ngồi trên vai người đi trước” là phong tục lạ, là bản sắc văn hóa độc đáo của người Mạ và S’Tiêng ở Nam Tây Nguyên, khích lệ giới trẻ dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đảm đương trọng trách để giúp buôn làng vượt qua đói nghèo, lạc hậu. 

Trường thọ hơn thế kỷ, già làng Điểu Đoi được ví như bảo tàng sống ở xã Đồng Nai Thượng (trước kia là thôn 5), huyện Cát Tiên, Lâm Đồng. Già nói, các dân tộc Mạ và S’tiêng đã có lịch sử hàng ngàn năm cư trú trên vùng đất màu mỡ ven sông Đồng Nai, đến tận bây giờ vẫn giữ phong tục này. Đó là người thuộc thế hệ sau phải biết ngồi trên vai người của thế hệ trước để nhìn xa trông rộng, dìu dắt cộng đồng.

Phong tục lạ ở thế kỷ XXI

Lời của già khiến tôi nhớ lại chuyện lạ xảy ra vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Hôm đó, trong buổi giao đãi rượu cần tại lễ hội mừng lúa mới của người Mạ ở Madagui (nơi người Mạ sinh sống lâu đời nhất) thuộc huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng, nhiều người ngạc nhiên đến ngỡ ngàng khi thấy một người thân hình vạm vỡ chưa tới 30 tuổi ngồi chễm chệ trên vai già làng uống rượu.

“Sao trai tráng lại leo lên vai già làng thế kia?”, tôi không khỏi thắc mắc. Già K’broh đang ngồi cạnh tôi chậm rãi giải thích: Già làng đã già yếu nên muốn đưa chàng trai này lên thay. Lúc đầu nó không chịu nhận vì sợ chưa đủ sức đảm đương nhiệm vụ to lớn như thế. Sau khi già làng động viên “Đừng lo gì cả. Ta biết con có con mắt nhìn xuyên nhiều cánh rừng, cái tai nghe được tiếng chim thú báo hiệu giông lốc... nên mới để cái vai của ta làm bệ đỡ đó”, nó mới dám ngồi lên vai già làng.

K’Đôi ngồi trên vai Trưởng Công an huyện.

Sau lễ hội, trò chuyện với chúng tôi, chàng trai nói từ giờ phút này mình phải lãnh trách nhiệm đi đầu bảo vệ rừng thiêng, nhắc nhở dân làng không giương cái ná nhằm vào con thú có chửa, không xiên mũi lao vào bụng con cá đang đẻ trứng, không bắt chim bố mẹ khi chúng đang nuôi con non, không chặt cái cây đang trổ hoa…

Thời gian gần đây, tại lễ hội ăn trâu của người Mạ tại Đồng Nai Thượng, anh K’Đôi khoảng 35 tuổi bất ngờ leo lên vai ông Đỗ Đình Bốn, Trưởng Công an huyện Cát Tiên. Nhiều quan khách ngạc nhiên, một số người khác tỏ vẻ bất bình vì cho rằng K’Đôi vô phép, tuy nhiên ông Bốn vẫn bình thản nâng cần uống rượu rồi chuyển cho người đang ngồi trên vai mình. 

K’Đôi cầm cần rượu tu một hơi dài khoan khoái. Công tác lâu năm ở xứ Mạ, ông Bốn hiểu đây là phong tục của cư dân bản địa nhằm khuyến khích giới trẻ dám nghĩ, dám làm tạo nên những bước ngoặt có tính quyết định cho sự phát triển của buôn làng.

Người Kinh giúp bà con thoát đói nghèo

Sinh năm 1951 ở vùng đất võ Bình Định, mới 11 tuổi đã theo cha đi hoạt động cách mạng nên Nguyễn Văn Quy (hai Quy) có chí khí quật cường. Những năm 1982 - 1983, anh là Phó ban Tiền phương phụ trách việc đưa dân Bình Định đi xây dựng kinh tế mới tại huyện Cát Tiên. 

Sau khi phối hợp sắp xếp ổn thỏa cho 50 hộ dân tại vùng đất mới, anh một mình băng rừng vượt núi thám hiểm khắp 5 buôn ở thôn 5. Đây là vùng đất cổ của người Mạ và là nơi xa xôi, nghèo khó, lạc hậu bậc nhất Nam Tây Nguyên; buôn gần nhất cũng cách huyện lỵ Cát Tiên 35km.

“Phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm mới có thể vận động bà con sớm định canh định cư, chuyển đổi cây trồng vật nuôi cải thiện đời sống”, Hai Quy đề xuất và được lãnh đạo huyện chấp nhận. Anh lặn lội vào khu vực ven suối Đại La (giữa thôn 5) dựng lán bằng tre nứa, đương đầu với cái đói và sốt rét ác tính. Đến thăm hai Quy, lãnh đạo tỉnh không khỏi ái ngại: “Có chắc làm được không mà ở một mình giữa rừng vậy?”. Hai Quy vẫn quyết tâm bám làng và hứa sẽ có câu trả lời trong năm tới.

Thấy người lạ bỗng dưng vào buôn của người Mạ sinh sống, già làng K’Mơn cầm xà gạt tới căn vặn: “Kon Duôn (người Kinh - PV) kia là ai, sao lại đến đây này làm nhà? Xem ra Kon Duôn không sợ cọp beo, cũng không sợ cái xà gạt này?”. Hai Quy bước ra khỏi lán, cầm cây xà beng múa mấy bài quyền rồi nói: “Tôi đến giúp bà con mình trồng cây điều để đổi gạo, đào cái giếng lấy nước nấu cơm. Cọp beo nào ăn thịt được tôi, xà gạt nào có thể lia ngang đầu tôi?”. Nể trọng ngón võ và chí khí của hai Quy, hôm sau già bảo thanh niên trong buôn đến giúp dựng nhà rồi thụ giáo võ nghệ của anh.

Tượng gỗ của người Tây Nguyên mô phỏng phong tục này.

Biết chuyện huyện Cát Tiên đã từng vận động người dân thôn 5 trồng cây điều nhưng chẳng ai nghe, Hai Quy nói với bà con: “Cây lúa, cái bắp trên rẫy chẳng thể giúp đồng bào mình đủ no cái bụng. Nếu có hạt điều, bà con sẽ đổi thêm được nhiều gùi gạo để ăn và ủ rượu cần”. Nói rồi anh tổ chức cho những học trò trong lò võ của mình khai hoang 30ha và đưa giống điều về trồng. Trai tráng xứ Mạ đồng ý cùng anh trồng giống cây mới này nhưng không chịu bón phân vì “sợ làm dơ bẩn cái cây dùng để đổi hạt gạo. Thần linh không cho phép làm như thế”.

Nghĩ rằng chỉ có tiếng nói của người khổng lồ mới thuyết phục được dân làng, anh tìm gặp Điểu Thị Lôi, người S’Tiêng... Bà từng là nữ du kích với nhiều chiến công lừng lẫy, được phong Dũng sĩ diệt Mỹ. Kẻ địch khiếp vía gán cho bà biệt danh ma nữ giữa rừng già B’Sar Lu Siên. Bà còn là đại biểu Quốc hội cách đây mấy khóa.

Sau khi nghe Hai Quy giãi bày tâm sự, bà đến từng nhà dân giải thích: “Cây điều cần được bón cái phân của con trâu con bò cũng giống như con người cần ăn gạo, bắp vậy”. Bà tiên phong trồng điều và sử dụng phân gia súc để bón cho cây.

Năm1993, những cây điều đầu tiên ra trái bói khiến người dân càng tin tưởng, làm theo. Phong trào trồng điều lan rộng ra toàn xã với diện tích lúc cao điểm lên tới hơn 800ha. Cây điều dần trở thành cây trồng chủ lực đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân.

Năm nay đã 65 tuổi, ông Hai Quy vẫn 3 cùng với đồng bào Mạ, S’tiêng. Họ gọi ông là K’Quy như người con của buôn làng. 

Người thuộc thế hệ sau phải biết ngồi trên vai người của thế hệ trước để nhìn xa trông rộng, dìu dắt cộng đồng.