Từ thuyền trưởng đến người dịch thuật
Sinh năm 1962, Ngô Tự Lập thuộc vào thế hệ được đầu tư học hành bài bản nhưng lại là thế hệ không dễ làm chủ được sự nghiệp của mình, do việc du học ở các nước Đông Âu thời ấy dựa nhiều vào các chỉ tiêu và nhu cầu của các ngành do nhà nước quy hoạch hơn là sở thích, sở trường của các trí thức trẻ. Một số người thường bảo: “Ông Lập là thuyền trưởng chứ đâu phải nhà thơ!”. Quả thật, trong khi một số người như Trần Đăng Khoa theo học trường viết văn M.Gorki ở Liên Xô, thì chàng trai say mê văn học và tư tưởng Ngô Tự Lập lại theo học Đại học Hàng hải, Baku, Liên Xô.
Cuộc đời Ngô Tự Lập cũng “trôi nổi” như những con tàu vậy. Về nước làm thuyền trưởng một tàu đổ bộ, rồi về công tác ở tòa án quân sự, đi học chuyên tu luật. Gia đình có truyền thống làm luật, bố là Ngô Huy Bội, từng là Chánh Văn phòng của Tòa án quân sự Trung ương, chị gái là Ngô Thị Minh Ngọc, Phó Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Nhưng việc học hành ở nước ngoài và truyền thống gia đình không thể so với giấc mơ văn chương, anh đầu quân làm biên tập viên của NXB Quân đội nhân dân, một công việc rất bình dị. Anh đã hoàn thành chương trình thạc sĩ tại École Normale Supérieure de Fontenay/St. Cloud (Pháp), năm 1996 và tiến sĩ tại Illinois State University (Hoa Kỳ) năm 2006.
Vốn ngoại ngữ đa dạng, anh đã bắt đầu dịch thuật từ những năm 1990, với truyện ngắn Hoa máu, truyện ngắn, từ tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nga năm 1993.
Người đàn bà trên tàu, tiểu thuyết của Jules Verne, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1993. Đôi mắt lụa, dịch chung với Ngô Huy Bội và Ngô Bích Thu, Nxb Văn học, Hà Nội, 1998. Con bù nhìn, tiểu thuyết của Kolesnikov, từ tiếng Nga, Kim Đồng, Nxb Hà Nội, 1998. Xứ sở của nước và thạch sùng, thơ văn xuôi của Jean-Michel Maulpoix, từ tiếng Pháp, Nxb Thanh Niên, 1999. Chiếc bát mang hình thế giới, trường ca của Werner Lambersy, từ tiếng Pháp, Nxb Văn học, Hà Nội, 2001. Tuyển tập Edgar Allan Poe, dịch chung, từ tiếng Anh, Nxb Văn học, Hà Nội, 2002.
Một “trung tâm ý tưởng”!
Với chúng tôi, thế hệ 7x thì Ngô Tự Lập là một người anh giản dị, gần gũi và cởi mở. Anh có khả năng phát hiện ra những điều còn thiếu của mình và bổ sung kiến thức một cách kiên trì, quyết liệt. Bởi vậy, mỗi lần gặp anh, chúng tôi lại thấy ở anh những điều mới mẻ.
Ngô Tự Lập nói, anh có một công trình nghiên cứu công phu về việc dịch các ca từ bài hát từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác như thế nào, anh cũng đang dịch một số bài hát Việt Nam ra tiếng Nga, Anh, Pháp, Ý.
Chính Ngô Tự Lập là người khởi xướng ý tưởng dịch 500 cuốn sách tri thức cơ bản của nhân loại ra tiếng Việt thuộc tất cả các lĩnh vực. Ý tưởng của anh được nhiều người theo đuổi và việc ra đời Nxb Trí Thức chính là sự hiện thực hóa ý tưởng này. Ngô Tự Lập cũng rất quan tâm đến việc ra đời tờ báo điện tử đầu tiên là tờ Vnexpress, trong đó có một tờ báo điện tử văn học Evan. Tuy vậy, anh không làm việc tại tờ này mà giới thiệu hai người giỏi ngoại ngữ là Đinh Bá Anh và Trần Tiễn Cao Đăng cùng Nguyễn Hữu Hồng Minh (ở phía Nam) thực hiện.
Nhiều khi chúng tôi đùa: “Anh Lập là người giỏi đưa ra ý tưởng, còn thực hiện thì lại để người khác làm!”. Thật ra Ngô Tự Lập dành rất nhiều thời gian cho việc tìm kiếm lý thuyết và giải quyết các khúc mắc về mặt khoa học. Anh làm việc như một nhà nghiên cứu và viết tiểu luận cũng chính là công việc thường ngày, các tác phẩm của anh khá hút khách, như "Văn chương như là quá trình dụng điển" (Chuyên luận), Nxb Tri Thức, Hà Nội, 2008, Nxb Dân Trí tái bản (2013)."Ma trong văn học kỳ ảo phương Đông và phương Tây", luận văn thạc sĩ, (École Normale Supérieure de Fontenay/St. Cloud), Paris, 1996. "Những đường bay của mê lộ", Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2003. "Minh triết của giới hạn", Nxb Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2005. "Hàn thử biểu tâm hồn", NxB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2008. "Gương mặt kẻ khác", Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2008…
Sáng tạo ngôn ngữ
Ngô Tự Lập thường lập ngôn bằng những câu, chữ không giống ai, nghe lạ tai. Nhưng chúng được hun đúc từ quá trình đọc, học ngoại ngữ, đối chiếu tiếng Việt với các ngôn ngữ khác. Anh không ngại ngần đưa ra nhiều cách diễn đạt mới. Ngôn ngữ của anh vì thế sinh động, giàu sức gợi. Như anh đặt tên tác phẩm của mình là "Tháng có 15 ngày", "Mùa đại bàng" (truyện ngắn),… Anh nói với tôi: “Mình có một công trình nghiên cứu công phu về việc dịch các ca từ bài hát từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác như thế nào, mình đang dịch một số bài hát Việt Nam ra tiếng Nga, Anh, Pháp, Ý”.
Những gì người ta nhìn thấy có lẽ chỉ mới là một phần mà Ngô Tự Lập làm được, anh nói: “Ít nhất mình còn 4 cuốn sách quan trọng chưa in được, do nhà xuất bản nói họ không bán được”. Những đêm nhạc của M6 thường đông nghẹt khán giả còn việc xuất bản các tác phẩm nghiên cứu và sáng tác lại xem ra khó khăn hơn. Bù lại, tác phẩm của anh ngày càng được bạn đọc rộng rãi quan tâm: “Một tập truyện của mình vừa ra mắt người đọc Pháp” - anh lạc quan. Tác phẩm của anh được dịch và xuất bản tại Hoa Kỳ, Bỉ, Pháp, Ấn Độ, Thụy Điển, Canada, Thái Lan, Séc… như "Une tempête hors saison" (Fremillerie, Pháp, 2014), "Black Star" (Milkweed, Hoa Kỳ, 2013), "Femmes des années soixante I et II" (Les Arêtes éditions, La Rochelle, 2008), "L’Univers et Moi" (A l'index, Montivilliers, 2001), Bài đăng trên các tạp chí Brèves (Villelongue d'Aude), Midi (Paris), Liaison (Bruxelles), Riveneuve (Marseille), Vespertine Press (California), Mantis (California), Salamander (Boston), Witness (Las Vegas), Pleiades (Missouri). Faultline (California), Connecticut Review (Connecticut), Prairie Schooner (Nebraska), Les carnets du Vietnam' (Lyon)...
Ngô Tự Lập tiếp thu văn hóa từ nhiều trường phái, nhiều nước, nhiều khu vực, như anh nói với tôi rất ngắn gọn: “Đó là bản chất của trí thức”.
Tư tưởng của Ngô Tự Lập là sự hài hòa trong sự phức tạp. Tựa như anh rất yêu thích tác giả E.Poe với bút pháp quái đản của tác giả Mỹ này, nhưng cũng yêu thích những gì ổn định, bền vững đã trở thành tiềm thức của cộng đồng Việt Nam. Chẳng hạn, anh viết về “bài thơ” chính là cuốn lịch: “Buổi sáng đầu năm chúng ta dậy và bóc tờ lịch đầu tiên. Con số "1" bình thường lúc ấy gợi biết bao nhiêu cảm xúc về thời gian, kỷ niệm, ước mơ, hạnh phúc... Lúc đó chúng ta đọc con số "1" đâu phải để biết ngày tháng. Chúng ta đọc để cảm nhận cuộc đời. Đó là một bài thơ vĩ đại. Tôi tin chắc rằng rất nhiều người trong chúng ta đã từng và sẽ còn xao xuyến đọc bài thơ giản dị ấy - một bài thơ chẳng hề có bất kỳ một thủ pháp bóp méo, lệch chuẩn hay quái đản nào”.
Cái gì cũng lao vào
Cuộc sống riêng của Ngô Tự Lập không phải lúc nào cũng thuận lợi, khi gặp chuyện buồn anh đi đâu cũng mang theo cây đàn ghi ta sau lưng, chiếc áo ấm và chiếc mũ đen đội trên đầu. Anh có giọng hát vang, mềm mại, tinh tế. Khá bất ngờ khi anh cùng bạn bè sáng lập nhóm M6 cùng Giáng Son, Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Lê Tâm, Ngô Tự Lập, Nguyễn Thắng và Ngô Hồng Quang. Trong khi Nguyễn Vĩnh Tiến có bài Bà tôi, Giáng Son viết Giấc mơ trưa, Ngô Hồng Quang viết nhạc phim Ma Làng, Nguyễn Lê Tâm có Chiếc đồng hồ đáng ghét, Ngô Tự Lập phổ thơ Dương Tường bài Đường Dương Cầm, phổ thơ Nguyễn Vĩnh Tiến Nhà xưa và nhìn cuộc đời thú vị với Hà Nội hip hop. Người ta thường thấy người sáng tác là những kẻ cô đơn, lầm lụi một mình, nhưng nhóm M6 lại chứng minh điều ngược lại, đó là người nghệ sĩ có thể làm việc nhóm mà vẫn giữ được những nét riêng của mình. Ngô Tự Lập cho tôi biết: “Theo mình, giai điệu của Việt Nam cần phải sáng tạo nhiều hơn nữa!”. Hóa ra, anh đang muốn làm điều gì đó trong âm nhạc nữa.
Một vài người nói: “Ngô Tự Lập ôm đồm quá, cái gì cũng lao vào”. Trong bài thơ “Thuyền trưởng”, anh viết rằng người thuyền trưởng chỉ quan tâm đến con đường vô tận phía trước mà thôi. “Chỉ có một con đường, tên là vô tận / Chỉ có một lỗi lầm, tên là quá khứ/ Chỉ có một màn đêm, tên là đại dương”. Người thuyền trưởng cũng tự thấy tim mình có khi yếu đuối làm sao: “Ta đã thấy quanh ta/ Mỗi ngọn sóng hé một khe cửa/ Những mắt cá nhạt hồng chảy trong mê lộ/ Như kí ức chảy trong đêm lặng gió/ Như máu tim ta bạc nhược đã lâu rồi”. Dầu sao, cuộc hành trình vẫn tiếp tục và theo Ngô Tự Lập thì cái người ta cần quan tâm là con đường chứ không phải những con tàu: “Chỉ có một con đường, tên là vô tận/ Xin chớ hoài công tìm kiếm con tàu mang theo linh hồn tôi”.