Nghệ sĩ Mai Nam với thăm thẳm bóng người

TP - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam, ông như là nguyên cớ, giềng mối để bắt rễ, xâu chuỗi  cùng liên kết một quá vãng khó khăn và thương mến.
Nghệ sĩ Mai Nam đang tác nghiệp bên bờ Hồ (Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh.

I

Chuyến hành nghề đầu tiên với nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam là khi nào? Vâng, vẫn mồn một cái ngày mùa hè non 40 năm trước. Cũng là chuyến đầu tiên vào nghề báo… Đi cơ khí Đông Triều. Chủ đề tuyên truyền ( khi ấy vẫn hay gọi) là thanh niên công nghiệp phục vụ nông nghiệp.

Tôi cố thu mình trong lòng chiếc Macovic (xe bốn chỗ Liên Xô sản xuất) chật chội cổ lỗ màu xanh do ông tài Võ Trường Kế điều khiển. Khi tôi về báo, đã có câu dạng Bút Tre vịnh ông tài cơ quan.

Tiền Phong có anh Võ Trường/Kế ta xe chạy trên đường băng băng

Bên tôi là ông Trưởng ban kinh tế Lê Văn Ba. Nay là nhà văn Lê Văn Ba tuổi cũng quá bát tuần. Ông Dương Xuân Nam phóng viên (PV) Ban kinh tế ( khi ấy kêu bằng Ban Công Nông nghiệp)  nay là nhà thơ Dương Kỳ Anh. Ngồi ghế trên cùng là Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam.

Từ hồi ấy Mai Nam PV ảnh của báo Tiền Phong đã có danh xưng ấy. Hồi chiến tranh ông đã đoạt những giải thưởng quốc tế về nhiếp ảnh.

Mai Nam vậm vạp, tóc chải lật, xanh rì. Dáng phăm phăm khi đủng đỉnh. Cái máy PentaxPraktica đậu bên hông và trên vai như một vật trang trí  có lý. Lại xởi lởi tươi tắn. Dáng ấy người ấy, cười ấy rõ ra dạng thân gần…

Ghé cơm chỗ Huyện Đoàn Đông Triều. Có cô Vân, từ nhỏ đã tu chùa, không hiểu sao đột nhiên trở lại ăn mặn rồi trở thành cán bộ tuyên huấn Huyện Đoàn. Cô Vân mảnh mai. Xinh lắm. Có cái lúm đồng tiền. Nghệ sĩ Mai Nam loay hoay bấm cả hai máy… Lần đầu tiên lạ lẫm chứng kiến việc chụp ảnh một người đẹp vất vả chứ không nhàn hạ như tôi tưởng?

Và cái cười, kiểu cười rất lạ của Mai Nam hút lấy tôi khi chuyện. Nó thế nào nhỉ, ngạc nhiên và chút khinh khi. Không phải dạng ngạc nhiên trước cái hay và điều thông minh mà là tại sao lại có người dám phát ra những câu hỏi ngớ ngẩn thế nhỉ?

Bốn mươi năm sau, Mai Nam vẫn giữ cái cười ấy?

… Tại nhà Bùi Ngọc Tấn cũng năm xa,  tôi được anh cho coi một tấm ảnh rất lạ. Ảnh đen trắng có các PV Tiền Phong Tất Vinh, Bùi Ngọc Tấn, Mai Nam, và một người nữa tôi quên tên. Bốn ông trẻ (năm 1960 mà) nhưng ngó già cấc bởi nhất loạt  đánh áo the khăn xếp tay cầm quạt ngồi xếp dãy. Xuất xứ tấm ảnh như Bùi Ngọc Tấn nói thoảng qua cũng chỉ láng máng rằng đâu như lần các anh hứng chí lên đóng cảnh gọi là thử máy  chụp với nhau cho vui? Nhưng sau này anh Mai Cát nói lại là bọn này không phải diễn chơi mà hình như có chầu rìa một buổi hát cô đầu! Nghe vậy thì biết vậy bởi khó có một buổi cô đầu cô đít vào cái năm  đang khởi đầu những nhiêu khê  phiền toái ấy?

Hiếm khi có được một buổi thỏa thuê chả cá như cái lần ở nhà anh Mai Nam được chị nhà chiêu đãi. Sau này được dạt vào các Lã Vọng, Thăng Long… thấy thứ đặc sản ấy như nhụt hẳn so với tài chế biến của bà vợ ông Mai Nam thì phải?

Tấm ảnh như nhắc lại một quá vãng đùa nghịch tếu táo? Mà đùa tếu, những Mai Nam, Mai Cát, Tất Vinh (Hồng Dương) và cả Mạc Lân hình như trời phú cho cái sự u mua lúc nào cũng tràn trề. Cứ ngỡ như họ được tạo hóa lẫn số phận nuông chiều rằng, cuộc đời này chỉ toàn những sự vui cùng thênh thang nhẹ nhõm? Mà như đám các anh những sự vui tếu ấy giống như sự nghỉ ngơi cần thiết giữa các hiệp đấu từng bị đời vần vò cho tơi tả để lấy lại sức cho những nhọc nhằn khác.

Việc viết lách của tôi hồi ấy vất vả lắm. Nếu không chăm chắm nằm lòng khuôn mẫu những là hòa trong khí thế thi đua sôi nổi hoặc Thi đua lập thành tích… thì những bài báo thường bị thảy vào sọt rác. Chả năm nào đạt lao động tiên tiến vì thường xuyên hụt định mức. Đã dợm xin đi nơi khác mấy lần… Nhưng may, có các anh, những lứa viết cứng không những riêng của tờ báo Đoàn mà cả làng báo làng văn nữa. Nhưng không phải cái hay nào cũng học được? Có lẽ cũng do tò mò và cả buồn nản nữa nên tình nguyện dạt về phía các anh. Lại dễ bảo nên những cuộc tụ của các anh hầu hết tôi đều được ké. Những cuộc tụ ấy là chén trà điếu thuốc cuộn ở quán bà Sinh ở đường Nguyễn Du gần tòa báo. Sang hơn là quán rượu thuốc bán chui cũng gần đó. Hiếm khi có được một buổi thỏa thuê chả cá như cái lần ở nhà anh Mai Nam được chị nhà chiêu đãi. Sau này được dạt vào các Lã Vọng, Thăng Long… thấy thứ đặc sản ấy như nhụt hẳn so với tài chế biến của bà vợ ông Mai Nam thì phải?

Những cuộc tụ ngẫu hứng ấy hình như các anh đã ngẫu nhiên lẫn tự nhiên vỡ vạc cho tôi một thứ từ trường, một hoàn cảnh khác? Như những cú hích khiến mình bừng con mắt lẫn giật thột về những lấn bấn mà mình từng phải lật đật.

Như anh Mạc Lân, anh về Tiền Phong sau trật những Mai Nam,
Tôn Đức L­ượng... Cùng lứa sĩ quan chuyển ngành với những Tất Vinh (Hồng Dư­ơng), Mai Cát, Bùi Ngọc Tấn... Khi đó Mạc Lân đã nổi danh với cuốn viết chung cùng Hồ  Phư­ơng về Điện Biên Phủ xuất bản năm 1955. Lê Văn Lân, ng­ười con trai cả của nhà văn chuyên viết chuyện ng­ười hùng Lê Văn Trư­ơng ( mà bây giờ ngư­ời ta tính về số đầu sách  đư­ợc xuất bản đâu như­  hơn hai trăm cuốn?) Lê Văn Lân trở thành Mạc Lân là  trận quyết tử ở Ô Cầu Dền bảo vệ Thủ đô năm 1946, ngư­ời con trai của Lê Văn Trư­ơng quyết noi  gư­ơng chiến đấu hy sinh của hai đồng đội cũng là hai anh em ruột là Mặc (mực- sau gọi trại đi là mạc) và Bút. 

Một Mạc Lân báo Tiền Phong nổi danh với hàng trăm phóng sự trận mạc chống Mỹ Khu Tư trong đó có bài về sự kiện Trại phong Quỳnh Lập bị bom Mỹ thiêu rụi được công luận quốc tế chú ý. Rồi việc viết bị cấm ngặt. Ông phải đi viết thuê kiếm ăn. Một Mạc Lân so súi nghèo khó từng phải đi bán máu nuôi vợ con.

Rồi sau này những lần vào thăm ông là những lần ngồi dư­ới chân giư­ờng một con bệnh trọng. Nhồi máu cơ tim. Tiểu đ­ường. Cao huyết áp. Sỏi thận. Hai lần gãy chân. Ba lần mổ... Cuối cùng là K dạ dày giai đoạn cuối…

Thế mà lần nào gặp vẫn thấy ông miệt mài với cuốn tự truyện có tên Số phận (hình như là vẫn dang dở?) với kiểu viết gếch chân lên t­ường chậm chạp đọc cho bà vợ ghi. Lời đề từ cuốn sách ấy là những dòng

... Nếu số phận đứng về phía tàn bạo thì tôi sẽ chống lại số phận khôn nguôi!

Rồi phóng viên ban Nông nghiệp Bùi Ngọc Tấn.  Không biết được những năm anh là phóng viên của báo từng chí cốt bù khú thế nào với bạn hữu nhưng sau này về báo Hải Phòng từng gặp nạn những là tù tội, thất nghiệp rồi nổi tiếng…  Những đận lên Hà Nội vẫn vẹn nguyên các cung bậc vui đùa tếu táo mày tao như thuở nào với những Mai Nam, Mai Cát, Tất Vinh. Nói đến nhà văn Hồng Dương Tất Vinh có lẽ cả ngày. Mà viết (tôi từng viết) kiểu gì cũng chưa thấm tháp với tâm và tầm của một người viết sớm đoản mệnh. Cuốn tiểu thuyết Biển động  về đề tài đấu tranh thống nhất không hiểu sao người ta riệt cho có hơi hướng nhân văn (?!) Tòa báo vẫn rộng lòng giữ phóng viên Tất Vinh lại làm việc nhưng phải cam đoan không biết là với cấp nào đó rằng, không được viết văn nữa! Và cái tên Tất Vinh cũng không được dùng. Tất tật bài viết sau này anh phải lấy tên con trai là Hồng Dương. Sáu năm cùng làm việc với nhà báo Tất Vinh, áo quần bồng xếch bồng xác. Mùa hè thì quần xắn.  Suốt cả mùa đông thì liên tù tì cái áo khoác bợt bạt lòe xòe. Nhưng viết báo thì thôi rồi. Khó tính như chị Lan đánh máy (vợ nhạc sĩ An Chung tác giả Đường cày đảm đang) phải kiên nhẫn ngồi đợi để Hồng Dương viết nhỏ giọt từng kỳ đội quân ngầmPhương án ba bông hồng hồi ấy đang hot. Tôi nhớ không ít lần đã nhẵng lẵng chầu rìa hội trà lá cùng  Tất Vinh, Mai Nam, Mai Cát, Minh Tiến… Và hai lần được bám theo anh Tất Vinh đi Bắc Thái và Thanh Hóa.

Anh Tất Vinh mất dễ phải được gần 20 năm, thấy anh Mai Nam tất tả với việc ra cuốn thơ cho Tất Vinh. Cũng cần nói thêm Mai Nam không làm thơ nhưng thuộc của người khác khá nhiều trong đó có thơ Tất Vinh. Tôi nhớ những lần bù khú dông dài có thấy anh Tất Vinh đọc thơ của mình bao giờ? Nhưng anh Mai Nam mãi sau khi anh Tất Vinh mất khá lâu mới bật mí  cho lứa chúng tôi rằng, Tất Vinh làm thơ từ hồi bộ đội, rất nổi tiếng nhiều bài, trong đó có Lòng hậu phương khá hơn và được phổ biến rộng hơn Đêm liên hoan của Hoàng Cầm. Mai Nam cười mà như mếu khi kể lại thời điểm ngoài Bắc cấm ngặt cái tên Tất Vinh thì ở trong Nam nhà phê bình kiêm thi sĩ Trần Tuấn Kiệt xuất bản cuốn Thi nhân Việt dày 1.400 trang trong đó có bài ca ngợi Tất Vinh và thơ Tất Vinh.  Trần Tuấn Kiệt cũng dẫn ra việc nhà văn Lê Văn Trương rất khen thơ Tất Vinh và cho rằng thơ Tất Vinh thần thái hơn thơ Quang Dũng. Như hai câu Bốn mắt nhìn nhau xa thế kỷ/ Hai hồn ngăn một Thái Bình Dương (của Quang Dũng) và của Tất Vinh Mái tóc bồng lên tình sóng biển/ Hong tròn thương nhớ nếp khăn hoa.  Khen trong đó nhưng ngoài này lại nhiều thêm những cái nhìn nghi kỵ Tất Vinh sau án phạt bất thành văn dính đến nhân văn trước đó!

Mai Nam thở dài chép miệng rằng, có lẽ với cú ấy, một tài thơ của một Tất Vinh tài hoa đã bị thui chột khiến Tất Vinh bặt tiếng một thời gian rõ dài.

Chưa bao giờ được in được xuất bản nhưng thơ Tất Vinh có nhiều người thuộc. Mai Nam tất nhiên thân thiết với Tất  Vinh có lẽ thuộc nhiều hơn? Một thứ bản thảo thơ Tất Vinh được hình thành qua trí nhớ của nhiều người... Khi đã tạm hòm hòm. Mai Nam cùng mấy người nữa phó thác việc xuất bản thơ Tất Vinh cho nhà thơ Dương Tường (em rể Tất Vinh). Tôi nhớ đó là đầu năm 2005. Anh Mai Nam còn nói với nhà thơ Dương Tường đưa bài viết của tôi Tất Vinh, trả lại tên cho anh in kèm với tập thơ. Nhà XB Thanh niên in trang trọng khổ.

Và nữa, trong trang lứa thân thiết với Mai Nam có một Mai Cát tài hoa viết báo, trình bày, kẻ nhạc… bỗng dưng tan tác một mái ấm. Mai Cát như một thứ tư liệu xoắn bện ngồn ngộn khó gỡ mà tôi chỉ mới kịp những gỡ gạc ban đầu thì anh mất đột ngột.        

            (Còn nữa)