Công nghệ như vậy có thể được sử dụng cho một loạt các mục đích khác nhau, trong đó có việc sửa chữa các vệ tinh bị trục trặc, nhưng cũng có thể phá hủy hoặc làm vô hiệu hóa chúng.
Vệ tinh Kosmos 2499 của Nga đã tách khỏi tầng trên của tên lửa đẩy và sau đó truy lùng nó.
Sứ mệnh của Nga diễn ra sau các cuộc thử nghiệm tương tự trong năm nay do Mỹ và Trung Quốc tiến hành.
Kosmos 2499 đã được phóng lên vào ngày 25/12/2013 trong khuôn khổ một sứ mệnh có vẻ là thông thường nhằm đưa thêm các vệ tinh thông tin Rodnik lên quỹ đạo.
Các vụ phóng vệ tinh Rodnik trước đó đã mang bộ 3 vệ tinh, nhưng lần này một vật thể thứ 4 đã được đưa vào quỹ đạo.
Quân đội Mỹ ban đầu xác định vật thể trên là rác vũ trụ, nhưng vào tháng 5/2014 chính phủ Nga đã cho biết với Liên hợp quốc rằng vụ phóng đã đưa 4 vệ tinh vào quỹ đạo, chứ không phải 3.
Trong khi đó, các nhà quan sát vệ tinh đã nhìn thấy vật thể nói trên sử dụng các động cơ để thực hiện một loạt các chuyển động khác thường trong vũ trụ, vốn làm thay đổi quỹ đạo của nó.
Các chuyển động đó đã lên đến đỉnh điểm vào ngày 9/11 vừa rồi, với một cú tiếp cận gần rocket vốn đưa vệ tinh lên quỹ đạo.
Theo nhà quan sát vệ tinh Robert Christy, người đã theo dõi các chuyển động của vật thể nói trên, Kosmos 2499 dường như đã lại gần tầng rocket Briz-KM, hiện đã ngừng hoạt động, ở khoảng cách chỉ vài mét.
"Tôi nghĩ sứ mệnh này là một cuộc thử nghiệm, và bạn thử nghiệm những điều này với các vệ tinh của riêng mình, vì nếu bạn làm điều đó với vệ tinh của những nước khác, họ sẽ nổi giận. Mỹ không muốn các vũ khí của Nga đứng song song với các vệ tinh của họ", ông Christy nói.
Ông Christy cho hay ông đã đoán ra vụ thử nghiệm hồi tháng 8, khi ông viết trên mạng xã hội "Cosmos 2499 - có thể là một vệ tinh kiểm tra. Mục tiêu có thể nhất của nó là tên lửa Briz-KM, vốn phóng nó lên".
Bị cấm bởi các hiệp ước quốc tế
Một vệ tinh kiểm tra được thiết kế để theo dõi một vệ tinh khác, chụp ảnh hoặc nghe trộm các liên lạc của nó. Nhưng công nghệ như vậy cũng có khả năng được sử dụng để làm vô hiệu hóa hóa vệ, khi đó sẽ trở thành vũ khí chống vệ tinh.
Tuy nhiên, việc thử nghiệm bí mật các vũ khí như vậy trên vũ trụ bị cấm bởi các hiệp ước quốc tế.
Nhưng việc sử dụng tiềm tàng công nghệ như vậy cũng không hoàn toàn có hại. Nó cũng có thể hữu ích đối với các hãng vận hành vệ tinh dân sự, cho phép họ mở rộng vòng đời của các tài sản đắt đỏ trên vũ trụ thông qua việc bảo dưỡng, tái tiếp nhiên liệu hoặc sửa chữa trên vũ trụ.
Mặc dù việc làm chủ các hệ thống như vậy là rất được kỳ vọng, nhưng đặc biệt khó khăn trong quá khứ, với vài lần thất bại.
Trong năm nay, cả Mỹ và Trung Quốc đều đã tiến hành các vụ thử nghiệm tương tự như Nga đã làm.
Vào ngày 28/7, không quân Mỹ đã phóng một vệ tinh thử nghiệm tên gọi ANGELS. Nó được thiết kế để di chuyển quanh tầng trên của tên lửa Delta 4 vốn đưa nó lên quỹ đạo.
Vệ tinh Shijian 15 của Trung Quốc dường như cũng thực hiện một nhiệm vụ tương tự với vệ tinh Kosmos 2499 của Nga. Được phóng lên ngày 19/7/2013, Shijian 15 đã nhiều tiếp cận Shijian 7, một vệ tinh cũ hơn của Trung Quốc.
Theo An Bình