Nếu Donald Trump làm tổng thống Mỹ?

TP - Liệu chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ ra sao khi nước Mỹ có tổng thống mới, nhất là trong trường hợp người đắc cử biết đâu lại là Trump. Liệu tân tổng thống có thay đổi hẳn đường lối đối ngoại của siêu cường duy nhất trên thế giới hay không?
Ứng viên “nổi loạn” Donald Trump.

Chiến dịch tranh cử ở Mỹ năm nay kỳ lạ hơn hết và đang ngày càng lý thú, hấp dẫn, đặc biệt với sự xuất kiện của ứng viên “nổi loạn” thuộc đảng Cộng hòa Donald Trump. Thế giới theo dõi tất cả những gì đang diễn ra ở Mỹ không chỉ với tâm trạng tò mò mà còn với tâm trạng lo âu trước những tuyên bố gây sốc của Trump về Mexico, về châu Âu, về Iran, về Trung Quốc...

Theo nhận định của nhiều nhà phân tích, câu trả lời là “không”. Dù nhân vật nào làm chủ Nhà Trắng, điều đó cũng chỉ ảnh hưởng không đáng kể đến chính sách đối ngoại của Mỹ. Sở dĩ như vậy bởi vì chính sách đối ngoại của Mỹ không phải do cá nhân tổng thống quyết định mà do cả một hệ thống các cơ quan chức năng của chính phủ Mỹ đảm nhiệm.

Trước hết, cơ quan chức năng đóng vai trò quan trọng hơn hết trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ là Bộ Ngoại giao Mỹ. 95% viên chức trong Bộ Ngoại giao Mỹ là những người không thuộc đảng nào (không thuộc đảng Cộng hoà cũng như không thuộc đảng Dân chủ) và những người có thể gọi là “thuộc cả 2 đảng”. Chẳng hạn, nữ Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tuy là người của đảng Cộng hòa nhưng lại phục vụ chính quyền hiện nay của đảng Dân chủ.

Cũng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống này là Bộ Quốc phòng Mỹ và toàn bộ cộng đồng tình báo Mỹ bao gồm 16 cục, vụ đặc biệt, kẻ cả Cục Tình báo trung ương Mỹ CIA.

Ngoài ra, có tiếng nói không nhỏ trong việc đề xuất chính sách đối ngoại của Mỹ còn là Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Đấy là chưa kể ảnh hưởng của các tập đoàn và công ty lớn của Mỹ.

Vì thế, theo nhận định của giới phân tích, không có cơ sở để khẳng định nếu nước Mỹ có tổng thống mới, đường lối đối ngoại của Mỹ sẽ có thay đổi lớn.

Ngoài ra, còn phải lưu ý đến một yếu tố quan trọng nữa. Sô diễn hoành tráng hiện đang diễn ra ở Mỹ - các cuộc bầu cử sơ bộ - tuy bề ngoài có vẻ như cuộc tranh đấu quyết liệt giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ nhưng vẫn không thể che mờ điều chủ yếu - đó là ở Mỹ có tồn tại một hệ thống chính trị mạnh mẽ duy nhất, đủ sức bảo đảm vai trò thống trị của tầng lớp chóp bu chính trị. Nói một cách ước lệ, nước Mỹ chịu sự cai quản của một đảng có thể mệnh danh là đảng “Nước Mỹ thống nhất” với 2 phân bộ là đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ. Không một đảng thứ ba nào được phép tham gia cai quản nước Mỹ.

Tỷ phú Donald Trump chẳng hạn. Hiện nay ông ta đại diện cho đảng Cộng hòa nhưng trước đây đã từng là người của đảng Dân chủ. Một tỷ phú khác - cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg, người đã từng ngấp nghé tham gia cuộc chạy đua năm nay vào Nhà Trắng - thực tế cũng là nhân vật “đứng giữa” 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ. 

Tình hình đó cho phép kết luận rằng giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ có nhiều điểm tương đồng hơn rất nhiều so với các điểm khác biệt. Và giới chóp bu chính trị ở Mỹ hoàn toàn nhất trí với nhau trong những vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại. 

Tổng thống có thể đặt dấu ấn cá nhân riêng của mình nhưng về cơ bản vẫn chỉ là người thực thi chính sách đã được giới chóp bu hai đảng thống nhất với nhau.

Theo Theo Gazeta.ru