Phó Tham mưu trưởng thứ nhất của Quân đội Belarus, Thiếu tướng Igor Korol, vào ngày 16 tháng 5 đã cảnh báo về các hoạt động này: "Thật không may, các chuyến bay trình diễn của máy bay ném bom chiến lược NATO, đặc biệt là của Mỹ, đã trở nên thường xuyên hơn trong năm nay. Chín chuyến bay như vậy đã được thực hiện trên lãnh thổ liền kề. Và chúng tôi có thể nói với khả năng rất cao là trong các chuyến bay trình diễn này, cùng với những thứ khác, các phương án tấn công cả Belarus và Nga đã được thực hiện”. Belarus tuyên bố đã ghi nhận hơn 30 chuyến bay của máy bay trinh sát NATO mỗi tuần.
Belarus vẫn là đối tác quốc phòng duy nhất của Nga ở châu Âu, ngoại trừ một phần nào đó là Serbia, và vẫn duy trì một trong những quân đội có năng lực nhất trên “lục địa già”. Lĩnh vực quốc phòng của nước này sản xuất các hệ thống phòng không như hệ thống phòng không di động tầm trung BuK-MBK3 mới và cũng chuyên nâng cấp các máy bay thời Liên Xô - một dịch vụ mà họ đã cung cấp rộng rãi cho các khách hàng từ Bangladesh đến Angola và Syria.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với NATO, nước này được cho là đang có kế hoạch mua tên lửa đạn đạo siêu vượt âm Iskander từ Nga, cũng như mua thêm các khẩu đội phòng không tầm xa S-400. Họ đã triển khai nhiều đơn vị phòng không S-400 và S-300, hai phi đội tiêm kích MiG-29 tăng cường và một phi đội tiêm kích hạng nặng Su-30SM mới được chuyển giao từ Nga.
Su-30SM là máy bay hạng nặng nhất được chế tạo để không chiến do một quốc gia châu Âu triển khai, với động cơ mạnh và khả năng cơ động tốc độ thấp vượt trội bất kỳ tiêm kích nào khác trên lục địa này. Trong khi tầm hoạt động ngắn của MiG-29 giới hạn nó ở vai trò phòng thủ, Su-30SM có phạm vi hoạt động 1.500 km và thời gian bay kéo dài 3,5 giờ - hoặc lâu hơn nếu tiếp nhiên liệu trên không - cho phép nó tấn công sâu vào lãnh thổ NATO.
Các nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Belarus đã bị cản trở bởi quy mô tương đối nhỏ của nền kinh tế - phần lớn là do dân số nhỏ và thiếu tài nguyên thiên nhiên - đã hạn chế ngân quỹ dành cho việc mua sắm khí tài mới. Việc mua Su-30 là thương vụ mua tiêm kích lớn đầu tiên của họ kể từ khi Liên Xô sụp đổ, mặc dù người ta đồn đoán rằng nước này có thể xem xét mua tiêm kích MiG-35 trong tương lai.
Lực lượng Không quân Belarus đã bắt đầu nhận tiêm kích hạng nặng hai động cơ Su-30SM Flanker từ Nga - với hợp đồng hàng chục chiếc, được đặt hàng để tạo thành đội bay tinh nhuệ. Belarus vẫn là quốc gia duy nhất trên thế giới triển khai Su-27 Flanker hoặc các biến thể của chúng với số lượng đáng kể và sau đó cho tất cả chúng lui khỏi tuyến đầu, do cả chi phí hoạt động cao và thời gian hoạt động ngày càng lớn. Khoảng 21 chiếc Su-27 hiện đang được cất giữ, và mức độ tương tác giữa những chiếc này và những chiếc máy bay chiến đấu mới vẫn chưa chắc chắn. Không quân Belarus hiện đang dựa vào các biến thể cải tiến của tiêm kích hạng trung MiG-29 nhẹ hơn và máy bay phản lực cường kích Su-25 với hai phi đội mỗi loại đang hoạt động