NATO có lý do để e ngại máy bay ném bom Nga ở Syria

TPO - Lực lượng không quân Nga đã triển khai máy bay ném bom Tu-22M tới căn cứ không quân của họ ở Syria.
Máy bay Tu-22M thả bom ở Syria năm 2015

Việc triển khai này có thể diễn ra trong thời gian ngắn. Nhưng sự việc có thể đánh dấu sự khởi đầu của quá trình tái bố trí lâu dài một số máy bay chiến đấu mạnh nhất của Moscow.

Trong bất kỳ trường hợp nào, việc triển khai này là một lời nhắc nhở đối với các nhà hoạch định NATO rằng, một thế hệ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nga một lần nữa có thể điều động các lực lượng xung quanh Biển Địa Trung Hải. Và trong thời chiến, lực lượng đó có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với NATO ở sườn phía nam.

Ba chiếc Tu-22M cánh cụp cánh xòe đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Khmeimim, trên bờ biển Địa Trung Hải phía nam Latakia, Syria mới đây. Điện Kremlin đã công khai việc triển khai này bằng một đoạn video mô tả sự xuất hiện của các máy bay ném bom.

Hai trong số những chiếc Tu-22M thuộc Trung đoàn máy bay ném bom hạng nặng số 52 bay tới từ căn cứ không quân Shaykovka ở Kaluga Oblast ở miền tây nước Nga. Chiếc Tu-22M thứ ba xuất phát từ Trung đoàn máy bay ném bom hạng nặng số 200 tại căn cứ không quân Belaya ở Irkutsk, miền đông Siberia.

Không quân Nga có 66 Tu-22, chiếm hơn một nửa đội hình oanh tạc cơ của nước này. Những chiếc Tu-22M có tốc độ siêu âm, tầm hoạt động gần 2.600km, mang tấn bom hoặc 3 quả tên lửa chống hạm Kh-22 tầm bắn 500km.

TU-22 đã bay qua Syria vài lần trong những năm gần đây do Nga hỗ trợ lực lượng của tổng thống Bashar al Assad. Tuy nhiên, trước đây, chúng bay từ các căn cứ ở Nga, thả bom sau đó bay về căn cứ. Việc triển khai lần này tại Khmeimim là lần đầu tiên - và diễn ra khi Moscow đang chi hàng trăm triệu đô la để nâng cấp căn cứ không quân Khmeimim và căn cứ hải quân ở Tartus gần đó.

Điều đáng chú ý - như các chuyên gia tại tạp chí hàng không Scramble của Hà Lan đã lưu ý - rằng các máy bay Tu-22M đến Syria mà không có vũ khí hoặc thậm chí là giá treo vũ khí. Tuy nhiên, một hoặc hai ngày sau khi đến Syria, hình ảnh một chiếc Tu-22 ở Syria xuất hiện trên truyền hình Nga với một tên lửa chống hạm Kh-22 dưới cánh.

Ý tưởng Tu-22M ở Syria là một ý tưởng không mới và đối với các quan chức NATO, việc này rất đáng báo động. Hơn 40 năm sau khi đi vào hoạt động, Tu-22M vẫn là một trong những máy bay tấn công biển mạnh nhất của Nga, một mối đe dọa đối với các lực lượng NATO — cụ thể là các tàu của họ trên Địa Trung Hải.

Stansfield Turner và George Thibault - khi đó là đô đốc và chỉ huy Hải quân Mỹ - đã cảnh báo về mối đe dọa Tu-22M từ năm 1977. “Phiên bản Tu-22M mới hơn có thể bao phủ toàn bộ Địa Trung Hải”, các ông Turner và Thibault viết trên tạp chí Proceedings của hải quân Mỹ.

Tất nhiên, các tàu chiến của NATO không phải là không có khả năng phòng vệ. Và 3 chiếc Tu-22M có thể mang nhiều nhất 9 tên lửa chống hạm hầu như không thể hiện một mối đe dọa quá lớn. Nhưng điều quan trọng là với sự xuất hiện của chúng, Nga đang dần bộc lộ ý đồ và năng lực, tập trung sức mạnh không quân ở Địa Trung Hải sau 49 năm vắng bóng.

RAND, một tổ chức tư vấn ở California có quan hệ chặt chẽ với quân đội Mỹ, giải thích trong một nghiên cứu năm 2020 rằng "Nga dường như tin rằng có thể thành công hơn trong việc phát huy sức mạnh và giảm thiểu ảnh hưởng của Mỹ và NATO".

Và NATO không phải là đối tượng duy nhất mà Nga muốn gửi tín hiệu. “Tôi coi đây là một tín hiệu cho Israel và Iran rằng Nga đã trở lại và họ có thể gây ảnh hưởng nếu các thế lực ủng hộ Israel chùn bước ”, chuyên gia hải quân người Mỹ Jerry Hendrix bình luận.