Muốn chống tham nhũng phải bảo vệ được người tố giác

TP - Sáng 3/7, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện cơ chế xử lý hình sự đối với tội phạm tham nhũng: Kinh nghiệm quốc tế và một số kiến nghị cho Việt Nam”.
Theo ông Trần Văn Dũng, Vụ Pháp luật Hình sự hành chính, cần phải bổ sung các cơ chế để bảo vệ tốt người tố cáo tham nhũng.

Tại Hội thảo các chuyên gia cho rằng, muốn chống tham nhũng hiệu quả thì phải có cơ chế bảo vệ người tố cáo hoặc người làm chứng một cách hữu hiệu.

An toàn cho người tố cáo

Theo  ông Trần Văn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp), cơ chế xử lý hình sự đối với tội phạm tham nhũng ở nước ta hiện còn có những vướng mắc nhất định. Trong nhiều vụ án việc xử lý còn kéo dài thời gian. Không có ít vụ việc được miễn trách nhiệm hình sự, thậm chí có những trường hợp bị can bị khởi tố về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng vẫn được đình chỉ điều tra, cho miễn trách nhiệm hình sự….

Từ những thực trạng trên, ông Dũng cho rằng, cần phải sửa đổi hoàn thiện cơ chế xử lý hình sự đối với tội phạm tham nhũng, trong đó bổ sung các quy định, các cơ chế bảo vệ cần thiết đối với người tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng. “Tham nhũng là loại tội phạm thường được thực hiện một cách tinh vi nên khả năng tìm chứng cứ để xử lý tội phạm rất thấp. Vì thế việc khuyến khích và bảo vệ người tố cáo hoặc người làm chứng là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong quá trình xử tội phạm tham nhũng”, ông Dũng nói và đề nghị trong Bộ luật Tố tụng Hình sự cần bổ sung các quy định về bảo vệ nhân chứng hoặc người tố giác tội phạm. Trong đó quy định rõ thời gian bảo vệ, biện pháp bảo vệ, quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ…

Ông Li Ming Chak, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Chống tham nhũng độc lập Hong Kong (ICAC) cho rằng, muốn đẩy lùi tham nhũng trước hết Việt Nam cần có  cơ chế bảo vệ hữu hiệu những người làm chứng, người tố cáo hành vi tham nhũng. Nhà nước phải đảm bảo để họ không bị đe dọa, họ luôn luôn được an toàn, kể cả trên chính cương vị xã hội của họ. Điều này làm được chính là nguồn gốc hiệu quả của việc chống tham nhũng. Tiếp sau đó phối hợp với cơ quan liên quan, cơ sở pháp lý bằng chứng cụ thể được bí bật cho đến khi vụ án kết thúc điều tra.

“Phải xem chống tham nhũng là một cuộc chiến, chính sách không khoan nhượng với tham nhũng, đồng thời cơ quan phòng chống tham nhũng phải có nguồn lực tốt để tránh tình trạng lạm dụng chức quyền làm lợi bất chính”, ông Li chia sẻ.

Tịch thu tài sản không rõ nguồn gốc

Một số chuyên gia cũng cho rằng, mục tiêu của tội phạm tham nhũng là rửa tiền. Vì thế, việc chứng minh nguồn gốc tài sản là rất quan trọng. Vì thế, ở nhiều nước khi phát hiện một tài khoản tiền gửi trong ngân hàng có 10 triệu USD trong khi lương thu nhập chỉ vài chục ngàn USD/năm thì cảnh sát có quyền đến gõ cửa chủ tài khoản đó. Đối tượng bị nghi ngờ có quyền được chứng minh, tài khoản, nguồn gốc số tiền đó, trong trường hợp không chứng minh hợp lý thì bị đề nghị truy tố ra tòa và buộc phải trả lại toàn bộ số tiền bất chính cho nhà nước.

Theo ông Nguyễn Doãn Khánh, Pho trưởng Ban Nội chính Trung ương khẳng định, các quốc gia thành công trong công tác xử lý tội phạm tham nhũng đều quan tâm xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý hình sự có tính toàn diện, cụ thể và coi đây là công tác hết sức quan trọng. Khung pháp lý càng toàn diện và chắc chắn thì càng có cơ sở đáng tin cậy, xác đáng và vững chắc cho hoạt động xử lý tội phạm tham nhũng.

Tại Báo cáo hoàn thiện cơ chế xử lý hình sự đối với tội phạm tham nhũng, nhóm chuyên gia trong nước cũng đề nghị bổ sung cơ chế xử lý hình sự đối với các  vi phạm quy định về kê khai tài sản, làm giàu bất chính, tham nhũng trong khu vực tư, hối lộ công chức nước ngoài. Đồng thời mở rộng nội hàm “của hối lộ” sang những lợi ích phi vật chất. Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội đưa hối lộ...