Nhất là Hà Nội giờ mở rộng đến thế cơ mà, có cả bản làng dân tộc. Thủ đô lại như cái đõ mật khổng lồ, hút đủ người từ 63 tỉnh thành. Cứ đem phương ngữ, thổ ngữ mà tiếp dân, tiếp thủ trưởng coi chừng mang vạ.
Chưa kể ý thức vùng miền, rất nhạy cảm. Riêng hai chữ “miền Nam” trong phát ngôn “Miền Nam nhiều ca sĩ chẳng học hành gì mà vẫn nổi tiếng…” của ca sĩ Thanh Lam, cũng đang hứng gạch đá chất chồng. Vụ này, ngẫm thấy cũng chẳng oan ức chi.
Người ta đang phân tích cái “tút” viết trên Facebook của ông bác sĩ nọ, rằng những “ôn/mệ/mụ” đều là cách người địa phương gọi bậc lớn tuổi, chứ có bôi xấu chi mô !
Nhưng, vụ này ngẫm kỹ vẫn cứ thấy sai sai thế nào ấy. Đó là kể cả không có từ “mụ ni, mụ nớ”, thì có dễ dàng chấp nhận kiểu cách phê phán (hay cứ cho là góp ý) lãnh đạo trên Facebook một cách khơi khơi, sỗ sàng như vậy được không?! Nhất là đối với chuyện của chính ngành mình, và ông bác sĩ nọ vốn là phó trưởng khoa, cũng thuộc hàng cán bộ quản lý của một bệnh viện. Tính tổ chức, tôn ti trật tự, và vai trò trách nhiệm ở đâu?
Chỉ có điều, cách xử lý khá đao to búa lớn, tiền hậu bất nhất của ngành chức năng địa phương lại gây ra hiệu ứng ngược. Như kiểu các cơ quan ở An Giang mấy năm trước từng “quyết liệt ra tay” sau khi ông chủ tịch tỉnh mình bị mấy công chức địa phương “xúc phạm” trên facebook.
Thấy báo chí đưa, sáng qua 23/10, đích thân giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế đã về bệnh viện huyện Phong Điền để xin lỗi ông bác sĩ tác giả cái tút “lừng danh” trên. Đồng thời phối hợp tiến hành thu hồi các quyết định khiển trách, phạt tiền đã ban hành trước đó.
Sai thì sửa, lỡ phạt tiền thì đem trả lại. Mai lại là ngày mới. Làng Facebook lại còn khối chuyện khác để mà rôm rả. Có chi mô!
Nhưng, lại cứ thấy lăn tăn. Đó là “tâm trạng được yêu” của ông bác sĩ lúc nớ, nó ra răng hè?!