Cứ tưởng con virus SARS-CoV-2 từng tung hoành khắp thế gian suốt hai năm trời sẽ buông tha loài người, ngờ đâu suốt cả năm Nhâm Dần chính nó cùng đủ loại biến thể khác nhau tiếp tục tác yêu tác quái, nơi này lắng dịu, nơi kia tái phát, cướp thêm sinh mạng hàng triệu người, cản trở kinh tế toàn cầu phục hồi.
Đồng hành với dịch bệnh là thiên tai dồn dập rải đều cả năm và trên khắp các châu lục: nắng nóng tột độ ở vùng ôn đới, hạn hán khắc nghiệt hút hết nước trên nhiều con sông lớn, sông băng tan chảy trên cả nóc nhà châu Âu lẫn nóc nhà thế giới, động đất rung chuyển nhiều vùng, bão bùng hung dữ, lụt lội nhấn chìm tới 1/3 đất nước Pakistan…
Xem ra sức chịu đựng của Trái đất trước những hoạt động “khai thác, cải tạo” thiên nhiên để tiêu xài đã đến ngưỡng. Rõ ràng, khẩu hiệu “Now or Never” (Bây giờ hay Không bao giờ) nóng bỏng hơn bao giờ hết! Có vẻ thiên hạ đã tỉnh ngộ phần nào và đang tìm cách hợp lực ứng phó. G7 thỏa thuận mở hầu bao lập quỹ phòng chống dịch bệnh; COP-27 thỏa thuận lập quỹ trợ giúp các nước dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu…
Cái khó ló cái khôn. Các thảm họa toàn cầu vô hình trung đã thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, mở ra nhiều cách làm ăn, sinh sống, giải trí mới mẻ mà thế hệ 8X, 9X không chỉ được thụ hưởng mà còn trở thành đội quân chủ lực thúc đẩy sự chuyển đổi thế giới sang nền kinh tế và xã hội mới - những điều thế hệ vượt ngưỡng “xưa nay hiếm” thậm chí không hình dung nổi!
Bên cạnh hai thảm họa trong thế giới tự nhiên, Nhâm Dần còn chứng kiến một thảm họa “nhân tạo”. Đó là cuộc tranh hùng dữ dằn giữa các nước lớn nóng hẳn lên sau khi xung đột quân sự ở Ukraine bùng phát và kéo dài hầu như suốt năm, chưa biết bao giờ mới kết thúc. Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại chưa đủ; đã lâu lắm rồi thế giới lại ớn xương sống trước mối đe dọa hạt nhân. Những đòn trừng phạt hà khắc qua lại đã đẩy thế giới vào cơn can qua toàn diện: từ chính trị, an ninh, kinh tế, tài chính, tiền tệ, nhiên liệu, nguyên liệu, lương thực… đến những thảm họa xã hội như nghèo đói, tỵ nạn ồ ạt chưa từng thấy từ sau Thế chiến thứ hai! Đúng là trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau quá cao như ngày nay khó có chuyện “người thắng kẻ thua” mà chỉ có kết cục là “tất tần tật đều thua”!
Có lẽ do thiên hạ phần nào tỉnh ngộ nên vào những tháng cuối năm đã hé lộ một số tín hiệu làm lành. Bên cạnh quá trình kéo bạn kéo bè mới đe dọa nghiêm trọng xu thế đa phương dựa trên luật lệ, hàng loạt hội nghị cấp cao quy tụ nhiều nước, bao gồm các “ông lớn” đã được tiến hành. Đó là Cấp cao ASEAN và ASEAN + với các nước đối thoại diễn ra tại Campuchia, APEC tại Bangkok, G-20 tại Bali (Indonesia) và COP-27 họp gần Kim tự tháp (Ai Cập). Tuy mâu thuẫn không ít, tranh cãi không giảm, song cuối cùng cũng đi tới một số thỏa thuận hóa giải những mối đe dọa chung.
Như thường lệ, không chỉ bản thân hội nghị mà những hoạt động “bên lề” nhiều khi mới là quan trọng. Cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại G-20 ở Bali thuộc loại này. Điều này cũng phải thôi vì hai ông đại diện cho hai cường quốc có nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong đó Mỹ coi Trung Quốc là đối tượng cạnh tranh duy nhất ngày càng có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để trở thành cường quốc hàng đầu thế giới… có thể soán ngôi đầu của Mỹ.
Các thảm họa toàn cầu vô hình trung đã thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, mở ra nhiều cách làm ăn, sinh sống, giải trí mới mẻ mà thế hệ 8x, 9x không chỉ được thụ hưởng mà còn trở thành đội quân chủ lực thúc đẩy sự chuyển đổi thế giới sang nền kinh tế và xã hội mới.
Nói chuyện với nhau suốt ba tiếng đồng hồ, chắc hai bên bàn thảo nhiều vấn đề chưa thể biết được; trước mắt qua tuyên bố công khai từ cả hai phía thì Mỹ - Trung đã đi tới sự hiểu biết chung theo tinh thần “cộng đồng tồn dị”, nghĩa là bất đồng vẫn còn đó song cần tìm cách “kiểm soát cạnh tranh”, không vượt lằn ranh đỏ lao vào “chiến tranh lạnh” mới. Nói rồi làm ngay: Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ sang Trung Quốc ngay đầu năm sau (2023) để bàn thảo kế hoạch cụ thể; bộ trưởng quốc phòng hai nước liền gặp riêng nhau tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng ở Siem Reap (Campuchia).
Tới cuối năm, cả thế giới đều lên một cơn sốt mới; lần này là “cơn sốt” lành mạnh. Đó là World Cup 2022 - một cuộc cạnh tranh sòng phẳng đầy kịch tính nhưng theo luật lệ dưới sự giám sát ngặt nghèo của công nghệ VAR quy tụ hàng tỷ người không phân biệt màu da, tuổi tác, giới tính, tôn giáo, chính kiến cuồng nhiệt cổ động trực tiếp hoặc qua màn hình. Giá mà cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn cũng diễn ra theo mô hình ấy thì hay biết mấy!
Những gì diễn ra trong năm Nhâm Dần, cả những điều tốt lẫn những chuyện xấu, đều sẽ đồng hành với chúng ta vào năm Quý Mão. Năm hết Tết đến, ai ai cũng mong những điều xui xẻo sẽ không tới, những điều tốt lành ngày càng nhiều. Mong mỏi là một chuyện, còn mọi chuyện hay - dở chủ yếu sẽ tùy thuộc vào quyết tâm và sự khôn khéo của mỗi chúng ta, trong đó giới trẻ phải gánh sứ mệnh của đội quân tiên phong hóa giải những điều bất lợi, làm nên những chiến tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Là một bộ phận cấu thành của thế giới, đồng thời là quốc gia mở cửa hàng đầu thiên hạ, Việt Nam không tránh khỏi các tác động từ những gì diễn ra trên hành tinh. Dịch bệnh có lúc cũng bùng phát mạnh; thiên tai ập đến cũng khá dữ dằn; buôn bán, làm ăn cũng lắm nỗi gian truân; quan hệ quốc tế nhiều khi cũng chẳng dễ gì, song dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự điều hành quyết liệt và linh hoạt của Nhà nước đã vượt qua mọi thử thách, hạn chế được sự hoành hành của dịch bệnh, ứng phó được thiên tai, hóa giải được tác động xấu của những chiều hướng bất lợi trên thế giới, nâng cao được vị thế quốc tế nhờ sự đồng lòng, hiệp lực của toàn dân, trong đó thế hệ trẻ một lần nữa phát huy tinh thần dấn thân và sáng tạo.