'Minh Thề' không nhận quà

TP - Thông tin mừng được Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đưa ra ngày 8/2 cho thấy, theo báo cáo của các bộ ngành, địa phương chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng tiền, tài sản công không đúng quy định, lãng phí, cũng như tặng quà, nhận quà tặng không đúng quy định trong dịp Tết Đinh Dậu 2017.

Với thông tin tổng hợp chưa đầy đủ từ các địa phương, bộ ngành của Thanh tra Chính phủ, đây là dấu hiệu khá tích cực cho thấy tình trạng quà tặng, biếu xén dịp Tết dường như đã giảm.

Kết quả báo cáo này sẽ rất “giá trị” nếu so với con số gần 900 cán bộ công chức nộp lại quà tặng với tổng giá trị 3,3 tỷ đồng và chỉ có 10 trường hợp vi phạm được phát hiện và xử lý trong 10 năm được chính Thanh tra Chính phủ công bố hồi tháng 8/2016.

Trường hợp Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Lô Ích Giang dám công khai việc các cá nhân, tập thể đã biếu tặng ông hơn 1 tỷ đồng, 77.000 USD và 2 cây vàng trong 2 năm, từ 2006-2008 (số tiền này đã được giao Văn phòng UBND tỉnh kiểm đếm công khai và chi cho công tác xã hội) thì sẽ là điển hình hiếm hoi của việc lãnh đạo địa phương dám công khai các khoản quà tặng, biếu ngầm.

Tuy nhiên, việc Thanh tra Chính phủ công bố “Không có trường hợp vi phạm nhận quà Tết” cũng là thông tin đáng mừng. Mừng vì, ở góc độ quản lý, các chỉ thị được đưa ra trước Tết Nguyên đán đã được các đơn vị, bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc. Nhưng ở góc độ nào đó, việc Chính phủ hàng năm vẫn phải ra chỉ thị cấm chúc Tết cũng cho thấy vẫn còn những lo lắng, băn khoăn về những biến tướng có thể xảy ra trong việc tặng quà Tết. Những món quà lên tới nhiều chục, nhiều trăm triệu đồng thì khó có thể coi đấy là “quà Tết thực tâm”. Đây hẳn là những món quà Tết mà là tiền đương nhiên dùng để “lót tay”, hối lộ nhằm mưu cầu công danh, chạy chức chạy quyền hay nhằm tư lợi.

Hằng năm, Chính phủ ra các chỉ thị luôn cần thiết. Những chỉ đạo này thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc ngăn ngừa những hình thức, những hành vi núp bóng, mượn danh để thực hiện hành vi hối lộ, đút lót. Người dân cũng kỳ vọng, việc thực hiện nghiêm các chỉ đạo về “cấm chúc Tết lãnh đạo” sẽ được thực hiện một cách tự giác, thường xuyên hơn trong mỗi dịp “Tết đến, Xuân về”. Nhưng làm sao cho mỗi khi Tết đến, Chính phủ và các bộ ngành không cần “đến hẹn lại lên” phải ra văn bản, ra chỉ thị phòng ngừa hành vi tặng, đưa, biếu quà sẽ là bài toán cần có lời giải cụ thể.

Việc khoanh vùng giám sát tặng quà Tết, làm thí điểm ở một khu vực nào đó với sự tham gia của báo chí sẽ là một giải pháp tốt hạn chế những “biến tướng”. Tổ chức các hội “Minh Thề” ở các bộ ngành, địa phương trong việc quyết tâm không nhận quà Tết, nhận hối lộ cũng là các giải pháp có thể thực thi nhằm thể hiện được cái tâm, sự trong sáng của quà tặng nhau mỗi dịp Tết.

Con số 23 thông tin tố giác liên quan đến việc biếu, tặng quà Tết thông qua số điện thoại đường dây nóng của Cục chống tham nhũng trong dịp trước, trong Tết Nguyên đán cũng phần nào khiến những người làm công tác chống tham nhũng và người dân cả nước chưa thật sự yên tâm. Thống kê ít quá sẽ khiến dư luận nghi ngờ: Tại sao ít thế? Hối lộ, biến tướng quà Tết có thật như thống kê? Đến nay các tin tố giác đúng, sai, dù chưa có rõ ràng nhưng sẽ là áp lực để Thanh tra Chính phủ phải sớm công khai làm rõ có hay không những hình thức này kia trong việc biếu tặng quà. Người dân sẽ đặc biệt tin tưởng nếu như có một trường hợp nào đó “bị lộ”, bị chỉ đích danh và được Thanh tra Chính phủ công khai danh tính vi phạm quy định về nhận quà Tết của Chính phủ.