Về xã Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa hỏi “thầy giáo” Vũ Hoàng Hà (47 tuổi), không ai là không biết. Nhiều người còn gọi anh với cái tên trìu mến là “ông giáo làng”. Hơn 10 năm qua, lớp học của “người thầy không bằng cấp” này không chỉ nổi tiếng trong xã mà còn lan đến nhiều nơi khác. Phụ huynh có con em ở các xã lân cận đều đem con đến nhờ thầy Hà dạy kèm.
Chúng tôi tìm đến lớp học của "ông giáo làng" này vào buổi chiều muộn. Trong căn phòng chỉ rộng khoảng 10m2 nằm sâu trong con hẽm nhỏ, các em học sinh ngồi chật kín bàn đang chăm chú nghe thầy giáo giảng bài. Tranh thủ ít phút giải lao của ca học, anh Hà tâm sự về cơ duyên đến với nghề dạy học của mình.
Anh không nghĩ rằng thời gian đã hơn 10 năm kể từ ngày mình đứng lớp dạy học. “Cái duyên đến với nghề dạy học với tôi cũng là một sự tình cờ. Vào năm 2000, khi tôi vào xem đứa cháu ruột học bài và kiểm tra kiến thức trong những bài cũ. Lúc này tôi mới phát hiện cháu mình bị “rỗng” kiến thức về môn Toán quá nhiều. Từ đó, mỗi ngày tôi dành thời gian để kèm cho cháu học với tất cả những kiến thức mình có. Cháu chăm lo học hành, có nền tảng kiến thức tốt và được đi thi học sinh giỏi đạt giải khiến tôi rất vui”, anh Hà chia sẻ.
Cũng từ đó, anh Hà dạy kèm cho một số con cháu trong gia đình, dòng họ. Cứ mỗi năm học qua đi, những em học sinh được anh Hà dạy kèm lại có những giải thưởng, kết quả cao trong học tập. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều người trong làng muốn mang con đến nhờ anh Hà dạy kèm.
Ban đầu, anh Hà không dám nhận do không có đủ cơ sở vật chất để mở lớp. Nhiều phụ huynh đã tự nguyện đóng bảng, bàn ghế mang đến cho anh Hà mở lớp để dạy học. Bắt đầu từ năm 2002, anh Hà chính thức cầm phấn đứng “lớp” để dạy học cho các học sinh nghèo trong vùng.
Có kiến thức sâu về môn Toán, anh Hà chỉ nhận dạy kèm kiến thức môn Toán cho các em học sinh từ lớp 6 đến lớp 9. Nhiều em có học lực yếu kém, qua thời gian học với “thầy Hà” đã lên trung bình, khá. Những em khá trở thành học sinh giỏi, nhất là có nền kiến thức chắc chắn về môn Toán.
Niềm vui lớn nhất của anh Hà là từ lớp học của mình có nhiều em tham gia các kì thì và đã đạt được các giải thưởng cao ở cấp thành phố, cấp tỉnh.... Hàng năm có nhiều em thi đỗ vào các trường THPT có tiếng trong tỉnh, cũng nhờ những kiến thức nền tảng từ anh Hà truyền đạt có nhiều em đã thi đỗ vào Đại học đã không quên ơn thầy Hà đã dạy dỗ.
Mỗi năm học, anh Hà nhận dạy kèm cho khoảng 150 học trò. Cho đến nay, hơn 10 năm đứng lớp, anh Hà không còn nhớ bao nhiêu học sinh được anh truyền thụ kiến thức từ lớp học này. Được biết, mỗi buổi học, anh Hà chỉ lấy số tiền 6.000 đồng/1em. So với những lớp học thêm khác, mỗi giờ học các em HS phải đóng 30 - 40.000 đồng/1 em. Nhiều hôm ôn thi học sinh giỏi cho các em, anh nhận dạy miễn phí. Đối với học sinh nhà nghèo, anh Hà không thu tiền học.
Làm Sư phạm phải hiểu được cái không hiểu của người khác
Tâm sự về cuộc đời mình, anh Hà cho biết: “Tôi chỉ học xong cấp 3. Vào đại học là một ước mơ của tôi. Ngày trước, gia đình tôi nghèo lắm, có tới 9 anh chị em. Bố mẹ không đủ tiền nuôi mấy anh em ăn học. Những năm 1980 đến 1983, tôi học cấp 3 tại trường THPT Chuyên Lam Sơn.
Trường cách xa nhà 10 cây số, vì nhà nghèo không có tiền mua xe đạp mà tôi phải đi bộ. Học buổi sáng thì phải đi từ lúc 3 giờ sáng. Những hôm học buổi chiều thì phải đi từ lúc 9 giờ sáng, đến tối mịt mới về tới nhà. Nhiều ngày, đi học về mệt nhưng cũng không có cơm để ăn, lại phải nhịn đói đi làm giúp bố mẹ”.
Học hết phổ thông, anh Hà đành gác lại ước mơ đại học vì gia đình không thể có tiền cho đi anh thi. Những năm tháng bôn ba giúp gia đình anh Hà làm đủ thứ nghề để kiếm sống, bắt đầu từ buôn hoa quả, buôn quần áo cho đến làm thợ may...
Cơ duyên đưa anh đến với nghề dạy học rồi mê nghề từ lúc nào không hay. Cũng một phần vì cuộc đời của anh khi hoàn cảnh gia đình nghèo khó mà phải gác lại ước mơ. Giờ anh không muốn các em học sinh nghèo lại phải giống như mình. Chính vì thế mà anh luôn dốc hết tâm sức của mình để truyền đạt cho các em.
Anh Hà cho biết: “Sự thành đạt và ngoan ngoãn của các em học sinh thì không có vật chất nào đổi lại được. Số tiền các em đóng học mỗi buổi học đó là tùy vào hoàn cảnh gia đình và cũng là lòng tự nguyện. Nhiều gia đình có điều kiện nói tôi tăng tiền học phí và dạy riêng cho con họ nhưng tôi không làm thế. Các em học sinh đều phải được đối xử như nhau. Nếu dạy học để làm giàu tôi đã không dạy học”.
Để có được kiến thức, anh Hà thường xuyên đọc sách, tìm mua những cuốn sách giáo khoa mới nhất về học. “Phải thường xuyên lắng nghe, tâm sự với các em để nghe và hiểu được các em đang cần gì. Cái chính là không được bảo thủ mà phải luôn luôn cấp tiến cho phù hợp. Bên cạnh đó, tôi cũng thường xuyên thông qua bạn bè về những kiến thức trong nhà trường để cho phù hợp khi dạy các em”, anh Hà chia sẻ.
Hàng ngày, trước giờ lên lớp, anh Hà vẫn soạn giáo án một cách tỉ mỉ. Anh chia sẻ kinh nghiệm: “Người làm Sư phạm là mình phải hiểu được cái không hiểu của người khác, thì lúc đó mình mới biết để chỉ cho người đó hiểu. Nếu không chính mình sẽ bị rơi vào vòng luẩn quẩn, học sinh sẽ không hiểu được mình dạy những gì…”, anh Hà thẳng thắn.
Theo Dân trí