Lợi ích quốc gia

TP - Thực tế cho thấy, trong nền kinh tế “đóng” như trước đây, việc các cơ quan quản lý nâng niu, dựng “hàng rào” ưu đãi cho những đứa con cưng, những doanh nghiệp nhà nước trong nhiều lĩnh vực đã phần nào giúp nhiều đơn vị trưởng thành vượt bậc.

Tên tuổi của nhiều doanh nghiệp vượt khó đã trở thành thương hiệu, niềm tự hào của cả ngành. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt, những ưu, biệt đãi kéo dài đã tạo ra những tiền lệ xấu cũng như tạo ra những “đứa con hư” khiến không ít doanh nghiệp lao đao, kinh tế nước nhà khốn đốn vì những hệ lụy để lại khó giải quyết.

Còn trong một nền kinh tế mở như hiện nay, những ưu đãi tiếp tục kéo dài cho khối doanh nghiệp nhà nước sẽ là những đòn giáng mạnh khiến những doanh nghiệp nhỏ và vừa, những đơn vị dễ chịu tác động nhất từ biến động của nền kinh tế, không thể gượng dậy. 

Quyết tâm của Chính phủ thời gian qua về việc tạo dựng một cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa đủ mạnh, có thể tham gia cạnh tranh và lớn dần cùng với sự phát triển của nền đất nước là rất đáng ghi nhận. 

Tuy nhiên, những bó buộc về cơ chế vốn, ưu đãi chính sách và vô vàn rào cản, sự nhũng nhiễu vặt của các cơ quan thuế, hải quan, quản lý thị trường  khiến những doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có thể mọc đủ vây, cánh để phát triển, dần cạnh tranh và thay thế cho khối các doanh nghiệp nhà nước đang ngày càng suy yếu.

Việc tách doanh nghiệp ra khỏi bộ chủ quản, đồng nghĩa giảm bớt gánh nặng bám bầu vú ngân sách của nhiều doanh nghiệp nhà nước sẽ gây thiệt cho một vài cá nhân ai đó nhưng sẽ mang lại lợi ích lớn cho quốc gia. Kỳ vọng việc đặt lợi ích quốc gia lên trên hết trong việc xóa bỏ các lợi ích nhóm sẽ góp phần tạo sự thay đổi bộ máy của các doanh nghiệp nhà nước, tạo động lực phát triển mới, giúp nền kinh tế phát triển.