Lo sinh kế cho dân

TP - Dù đã quá hạn và chỉ còn khoảng 5% nữa nhưng việc giải tỏa, bàn giao mặt bằng xây dựng Sân bay Long Thành (Đồng Nai) vẫn không thể nhích tới. Công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư, chuyển đổi nghề, ổn định đời sống, sản xuất của người dân còn nhiều vướng mắc.

Điều đó khiến các cơ quan quản lý, chủ đầu tư và cả nhà thầu không khỏi lo lắng bởi ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Với quy mô vốn đầu tư khoảng 110 nghìn tỷ đồng, Sân bay Long Thành là một trong nhiều dự án giao thông trọng điểm của quốc gia đang triển khai. Cũng như Sân bay Long Thành, nhiều dự án đầu tư hạ tầng giao thông khác đang bị chậm trễ hoặc có nguy cơ chậm trễ với nhiều mức độ và lý do khác nhau. Dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông là một ví dụ. Tiến độ giai đoạn 1 (2017-2020) của dự án này chưa đạt được yêu cầu. Trong khi mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2 (2021-2025) phải bàn giao 70% mặt bằng tháng 11/2022 để khởi kịp công trong năm nay, song đến nay, còn có địa phương chưa phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng.

Không riêng dự các án giao thông trọng điểm, nhiều các dự án đầu tư công khác cũng đang bị chậm trễ và diễn ra ở nhiều bộ ngành, địa phương. Chỉ riêng TPHCM đã có cả trăm dự án đầu tư công lớn nhỏ đang trong tình trạng này.

Phát triển hạ tầng giao thông được Quốc hội, Chính phủ xác định là một trong 3 đột phá chiến lược của quốc gia. Trong lúc khó khăn, nguồn vốn đầu tư cho các công trình, dự án giao thông trọng điểm góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ an sinh xã hội. Đây là điều người dân cũng như doanh nghiệp đang rất cần.

Mới đây, người đứng đầu Chính phủ tỏ rõ sự không hài lòng về tình hình triển khai các dự án, cũng như cách giải thích cho sự chậm trễ trong việc triển khai các công trình và cách phối hợp xử lý những vướng mắc nảy sinh của một số lãnh đạo bộ, ngành và địa phương. Thủ tướng cho rằng, đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và phải làm đến nơi đến chốn. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân chậm trễ triển khai dự án trọng điểm và ai không làm được thì phải thay thế.

Thủ tướng cho rằng, phải đổi mới tư duy, cách tiếp cận, cách làm. Ông yêu cầu lãnh đạo từng bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án, nhà thầu, doanh nghiệp đều phải thay đổi suy nghĩ, cách xử lý vấn đề, tổ chức thực hiện, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính. Mỗi cán bộ, đảng viên phải cùng nhau suy nghĩ, tạo sinh kế cho người dân, tăng cường tiềm lực quốc gia, không để lãng phí nguồn lực của đất nước.

Yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ cũng là mong muốn thiết tha của mỗi người dân.