Thủ phạm đầu tiên được công bố chính là một vị trí rất then chốt trong dây chuyền chấm thi tại tỉnh này - ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thí Sở Giáo dục Hà Giang.
Chỉ trong vòng 2 tiếng rưỡi đồng hồ, vị này đã sửa được tới hơn 330 bài thi trắc nghiệm gốc của 114 thí sinh, bằng cách chuyển toàn bộ hòm bài thi trắc nghiệm và máy tính về Phòng Khảo thí trực thuộc Sở Giáo dục. Trong hơn 2 tiếng nói trên, ông Lương “đã mở ổ khóa niêm phong, rút bài ở các túi và sửa đáp án”. Ngoài ra, để sửa dữ liệu trên cả bản quét bài thi của thí sinh cho khớp, ông Lương chỉ cần thao tác đơn giản “copy – paste” mất vẻn vẹn có 6 giây cho mỗi bài thi, theo đại diện A83 Bộ Công An.
Vậy vì sao, một cá nhân lại có thể dễ dàng “qua mặt” toàn bộ Ban giám sát với đầy đủ các thành phần, từ công an, thanh tra sở, thanh tra bộ đến vậy ? Vị đại diện A83 Bộ Công An trong buổi họp báo chiều qua cũng đã chỉ ra rất rõ.
Theo đó, có ba khe hở khiến “con voi chui lọt lỗ kim” trong trường hợp này. Thứ nhất, máy tính dùng để quét dữ liệu bài thi trắc nghiệm lại chính là chiếc máy tính mà ông Lương đang dùng hàng ngày tại công sở, có nối mạng.
Thứ hai, sự có mặt của những thành viên tham gia khác dường như vô tác dụng, bởi “về cơ bản họ không nắm được quy trình, thao tác nên để ông Lương qua mặt”. Thứ ba, việc để ông Lương dễ dàng can thiệp vào bài thi gốc của thí sinh là một dấu hỏi lớn về công tác đảm bảo an ninh, an toàn bài thi.
Như vậy, “gót chân Asin” của việc chấm thi trắc nghiệm đã phơi lộ, ít ra là trong trường hợp của Hà Giang. Lâu nay, chúng ta vẫn nghĩ chấm thi trắc nghiệm là công bằng và khách quan nhất, bởi máy chấm chứ không phải người chấm. Song trên thực tế, con người lại dễ dàng can thiệp vào hàng loạt bài thi với tốc độ của những cú nhấp chuột.
Chắc chắn sau sự việc này, những chuyên gia về khảo thí của Bộ GD&ÐT sẽ phải rà soát lại toàn bộ quy trình gồm 5 bước từ việc bảo quản bài thi trắc nghiệm đến cập nhật và công bố điểm. Tuy nhiên, ngoài những lỗ hổng mang tính kỹ thuật - nghiệp vụ trong quy trình nếu có, vụ việc ở Hà Giang cho chúng ta thấy lỗ hổng đáng lo nhất lại nằm ở những con người được giao trách nhiệm điều hành và thực thi quy trình ấy.
Không lẽ chỉ một mình vị Phó phòng khảo thí Vũ Trọng Lương có thể “tự tung tự tác” được, còn những vị nào liên quan phải chịu trách nhiệm? Những ai ở tỉnh Hà Giang đã nhắn tin “đặt hàng” ông Lương nâng điểm cho 114 thí sinh?
Công luận hoan nghênh sự vào cuộc nhanh chóng và quyết liệt của các cơ quan chức năng, đồng thời tiếp tục đòi hỏi làm sáng tỏ mọi ngóc ngách của vụ việc tiêu cực trong thi cử này.