Ông Lê Văn Tòng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ hỗ trợ vận tải ô tô Ka Long (Móng Cái, Quảng Ninh) cho biết, lắp hộp đen ô tô thời gian qua rất tốn kém, nhưng không giải quyết được vấn đề gì. Các hợp tác xã vận tải, DN vận tải, hầu hết là các hộ tư nhân có xe liên kết để hoạt động. Thực tế xe vẫn là của từng cá nhân vận hành, khai thác. Do đó, việc lắp hộp đen để nắm bắt thông tin về xe với hợp tác xã cũng chẳng để làm gì. “Khi thiết bị hộp đen gặp trục trặc không hoạt động thì cơ quan quản lý cho rằng DN nọ kia nên rút phù hiệu, cắt lốt…”, ông Tòng nói.
Theo ông Tòng, để quản lý hộp đen, các thành viên của hợp tác xã phải thuê các nhà cung cấp thiết bị quản lý hộ, nên cũng tốn kém. Đơn vị ông có 115 xe, chi phí lắp hộp đen hết 4 triệu mỗi thiết bị, tổng chi phí là 460 triệu đồng. Phí quản lý và duy trì hoạt động thiết bị mỗi năm hết 1 triệu/xe, tổng mất thêm 115 triệu đồng nữa, trong khi DN không sử dụng gì các thông tin thiết bị cung cấp. “Chúng tôi kiến nghị nên bỏ quy định lắp hộp đen bắt buộc với ô tô kinh doanh của hợp tác xã do hội viên góp vào, hoặc cá nhân kinh doanh chỉ có 1 xe. Thay vào đó, để các chủ xe tự nguyện, nếu thấy cần thiết thì lắp”, ông Tòng nhấn mạnh.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, thiết bị giám sát hành trình xe ô tô rất phổ biến trên thế giới. Mục tiêu chính hướng tới là để DN quản lý phương tiện của mình. Do đó, thiết bị các nước có rất nhiều tính năng, từ quản lý tiêu thụ nhiên liệu, người lái, tới tốc độ, hành trình… Đặc biệt, thiết bị gắn với bản đồ giao thông đường bộ chuẩn xác. Tuy nhiên khi về Việt Nam, thiết bị được làm ra không chuẩn xác, chưa ổn định, bản đồ nhiều sai sót, nên khó quản lý và DN cũng thấy ít lợi ích.
Theo ông Liên, đã gần 5 năm thực hiện lắp hộp đen cho ô tô, nhưng hiệu quả vẫn chưa thấy đâu, chỉ có rắc rối. Như chi phí thiết bị, chi phí duy trì hoạt động hộp đen. “Thiết bị hộp đen các nhà sản xuất Việt Nam chất lượng rất không ổn, nhiều thiết bị thiếu chính xác dù đã được Bộ GTVT kiểm định, cấp chứng nhận. Kiểm định chỉ 1 mẫu, rồi cấp chứng nhận, còn thiết bị lắp đặt cho DN lại khác, không ai giám sát. Thế nên khi DN lắp đặt có cả hàng chợ Trung Quốc. Thậm chí có xe không lắp cũng chả sao”, ông Liên bức xúc.
Theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội, thời gian qua thiết bị hộp đen ô tô bộc lộ rất nhiều bất cập, như: Quy định xe chạy 4 tiếng phải dừng nghỉ 14 phút, xe dừng nghỉ thật nhưng lái xe vẫn để nổ máy nên thiết bị hộp đen xe vẫn hoạt động. Vậy là nhiều xe bị phạt oan, bị thu phù hiệu 1 tháng vì dữ liệu hộp đen báo xe không nghỉ theo quy định. Các Sở GTVT cứ theo dữ liệu thiết bị để phạt, DN không có cơ hội giải thích.
“Mỗi tháng thấy Sở GTVT thông báo phạt cả nghìn xe vi phạm qua dữ liệu hộp đen, thấy quản lý tốt quá. Thực ra có rất nhiều dữ liệu đó không chính xác, không thực tế và không phải lỗi của lái xe”, ông Liên nói và dẫn chứng, ông từng biết có xe bị xử phạt lỗi vượt tốc độ 5% qua thông tin hộp đen, nhưng tới 5-7 lần trong cùng 1 thời điểm. Khi hỏi đơn vị xử phạt thì được giải thích là Tổng cục Đường bộ thông báo về như thế. Làm gì có xe nào cùng 1 thời điểm phạm tới 5-7 lỗi về tốc độ. “Vô lý hết sức”, ông Liên bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: Mục đích lắp hộp đen trước tiên để DN quản lý xe và lái xe của mình. Nhưng thực tế nhiều DN thực hiện kiểu đối phó, thậm chí không thực hiện. Chính DN chưa thấy được lợi gì từ lắp hộp đen.