Lãng phí

TP - Hầu như những người nước ngoài mà tôi có dịp tiếp xúc, tuy tỏ ra lịch sự khi luôn khen người Việt ta thân thiện, nhanh nắm bắt, đều phàn nàn thói quen lãng phí thời gian của chúng ta.

> Bạo hành ảo

Hẹn làm việc, hẹn ăn trưa, hẹn giao dịch, hẹn phỏng vấn, thậm chí hẹn hò nam nữ, ít ai đến đúng giờ.Nhất là càng thân quen thì càng hay lỡ hẹn, coi như một điều gì đó hết sức bình thường.

“Ra đường, tôi thấy người ta chạy xe ào ào, vượt đèn đỏ tứ tung, cứ nghĩ rằng ai cũng quý thời gian, tranh thủ từng giờ từng phút. Nhưng mà vẫn những con người ấy, có khi chạy xe nhanh hay vượt đèn đỏ chỉ là thói quen và ý thức, bởi ngay sau đó họ có thể ngồi lỳ ở bàn nhậu, quán bar cả nửa ngày”, Adam Toddler, một người Australia đang sống tại TPHCM nói.

Anh kể, vì đã có nhiều “kinh nghiệm thương đau” để “nhập gia tùy tục” và cũng là để tiết kiệm thời gian cho bản thân, khi ở Việt Nam, anh thường đến nơi hẹn trễ ít nhất 30 phút . “Đó là cách tôi sống chung với những người dùng giờ cao su”, Toddler hóm hỉnh.

Nhưng những người bạn nước ngoài mới chỉ chỉ ra sự lãng phí thời gian theo dạng “phần cứng” như thế. Còn biết bao dạng lãng phí thứ quý giá nhất của đời người mà hằng ngày chúng ta vẫn thản nhiên thực hiện.

Một cô bé 15 tuổi, lứa tuổi trăng tròn vừa hồn nhiên vừa non nớt, đang trong giai đoạn biến đổi để bước vào thời kỳ trưởng thành. Một bà mẹ thương con, trong một phút thiếu chút kiềm chế. Và tâm lý “con hát mẹ khen hay” ấy cũng là thường tình.

Một cuộc thi, như bao cuộc thi nhan nhản khác hằng ngày diễn ra ở xứ ta mà đa phần cũng là copy của nước ngoài chứ chẳng phải là phát kiến gì vĩ đại.

Ấy vậy mà biết bao con người, biết bao “giới chức” của xã hội đã cuồng nhiệt, hăm hở, sôi sùng sục tranh luận, khiến “cộng đồng mạng”, thế giới là tất cả nhưng cũng chẳng là ai ấy “dậy sóng”. Người ta ngồi nghĩ ra cả lố tính từ để gắn cho cô bé 15 tuổi, nào là “cô gái quăng bom”, “cô gái bị ném đá”, “thảm họa”, “chém gió”, “nổ”… Thân mẫu cô, đương nhiên cũng nhận được những “danh hiệu cao quý”: “nữ hoàng quăng bom, thần gió”, tức là chém gió thành thần!

Đến mức độ cô bé phải viết một bức thư dài tới 1.400 chữ, tức là có thể phủ kín một trang báo, để cầu cứu tới các đại biểu Quốc hội.

Một bộ ảnh “gợi cảm” của một hoa hậu gây xôn xao vì “ai đó” nói chúng “phản cảm”. Những tưởng người ta chỉ tranh luận qua lại tí chút đơn giản thế nào là gợi cảm, là phản cảm vì trong ảnh, cô hoa hậu may thay vẫn mặc đầy đủ quần áo, bảo hở cũng đúng mà bảo kín cũng chẳng ai cãi được. Nhưng không.

Người ta đào bới, mổ xẻ từng cen ti mét những tấm hình đủ tư thế đứng nằm ngồi của cô hoa hậu, để chứng minh rằng nó “phản cảm”hay “dung tục” và ngược lại. Rồi người ta tiếp tục tranh cãi xem có nên tước bỏ danh hiệu hoa hậu hay không. Thường dân, quan chức, nhà báo, nghệ sỹ, thậm chí có cả những giáo sư khả kính cũng nhảy vô góp tiếng nói, chứng minh hoặc đây là sự “suy đồi” hoặc đơn giản chỉ là nghệ thuật thông thường.

Tôi rất thích câu nói của ai đó rằng, chưa rõ ảnh kia có gây ra suy đồi thực hay không, nhưng biết bao người bỏ công bỏ sức làm những việc vô bổ, có lẽ ấy chính là sự suy đồi.

Cũng có người cho rằng, tạo ra các xì-căng-đan là mục tiêu của ban tổ chức các cuộc thi, tạo ra những hiệu ứng giật gân là chủ đích của những trang mạng. Nhưng nếu cả xã hội, ai cũng biết trân trọng thời gian, dành thì giờ cho những việc có ích hơn thì đâu có chuyện.

Theo Báo giấy