Làng Ba Na mới

TP - 14 gia đình với 59 nhân khẩu là người đồng bào dân tộc Ba Na kết thành làng nằm gọn trong xóm Trà Hương, thôn Đại Khoan (xã Cát Lâm, huyện Phù Cát, Bình Định). Vẫn thói quen sinh hoạt cộng đồng ở nhà rông, múa cồng chiêng mỗi dịp lễ tết, chỉ khác, nay có thêm ti vi để xem, xe máy chạy êm êm trên đường bê tông, chân bớt mỏi vì không phải trèo đèo, lội suối.  
Già làng Phan Chí Thành nói chuyện về giữ gìn văn hóa người Ba Na.

Xuống núi

Những ngày việc đồng đã thảnh thơi, già làng, trưởng xóm, vài người dân ngồi nhâm nhi với nhau chén rượu trắng, kể đủ chuyện đầu làng cuối xóm. Già làng Phan Chí Thành (88 tuổi), năm 2001 là người đầu tiên từ làng M3, xã Vĩnh Thịnh, huyện miền núi Vĩnh Thạnh băng núi Eo Bói Cá xuống đây lập nghiệp. Sau đó, nhiều hộ dân cũng theo chân di cư xuống đây sinh sống. Đến năm 2006 thì chính thức nhập khẩu vào xã Cát Lâm. Khi mới đến đường sá còn lầy lội, mỗi đợt mưa là ngồi bó gối trong nhà cả tuần. Điện, nước, cái ăn đều thiếu thốn.

Nay thì cuộc sống đỡ vất vả hơn, đã có đất để trồng cây, làm ăn kinh tế, chợ búa đi lại dễ dàng hơn. Có đau ốm gì cũng mang ra bệnh viện, bác sỹ đưa thuốc cho uống là khỏi chứ không còn bị chết oan do dùng lá rừng hay nhờ thầy cúng. “Cuộc sống đã văn minh hơn rồi, nhưng phải giữ lại văn hóa. Có nhà rông, cồng chiêng… mới có người Ba Na”, già làng Phan chí Thành chia sẻ.

Già Thành cũng là một trong những nghệ nhân dân gian Việt Nam người dân tộc Ba Na cao tuổi nhất tại Bình Định. Ông có khả năng chế tác, biểu diễn 15 loại nhạc cụ truyền thống của người Ba Na như bờ lâng lâng, cổ vũ, bờ lơn khơn, hơ đâng, sáo, trờ triếp, cồng, chiêng… Vì sợ cái hồn của người Ba Na bị mai một nên những ngày hè rảnh rỗi, già lại gọi đám trẻ trong làng để truyền dạy lại các nhạc cụ truyền thống. “Bọn trẻ giờ nó mê ti vi, mê ca hát xập xình nếu không nhắc, không dạy là quên hết”, già nói.

Chặt cây rừng để gặp… cán bộ

Chủ tịch UBND xã Cát Lâm Nguyễn Tấn Đạt kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện cười ra nước mắt của các hộ dân Ba Na khi mới di cư xuống núi. Có hôm nhận tin một số người đồng bào dân tộc Ba Na chặt cây, phá rừng nên tất tả cùng đoàn kiểm lâm kiểm tra, xử lý. Thay vì lo sợ khi gặp lực lượng chức năng thì nhóm người lại háo hức khi thấy cán bộ. “Gặp cán bộ khó quá nên phải vô rừng chặt cây để mấy ông lên đây gặp”, rồi trình bày việc thiếu thốn đủ đường, đề nghị chính quyền nhập khẩu, cấp đất để sống.

Bể chứa nước sạch phục vụ cho việc ăn uống, sinh hoạt của bà con trong xóm.

Có hôm bà con kéo lên tận xã, đòi gặp cho được ông Chủ tịch để trình bày việc đưa gỗ từ rừng về để làm nhà rông, nộp tờ trình xin thêm kinh phí. Khi ông Chủ tịch nói việc xẻ gỗ ở rừng ngoài thẩm quyền, chờ xin phép cấp trên thì già xua tay, lắc đầu nguậy nguậy “Chúng tôi chặt cây, ngâm nước xong hết rồi, giờ xin chở về thôi. Với xin thêm tiền để làm thôi” - ông cán bộ xã được phen sững người, báo cáo sự việc với cấp trên.

Nhưng sau đó, nhiều thanh niên trẻ của làng xung phong hỗ trợ và tham gia đội bảo vệ rừng như Trần Văn Dũng, Trần Văn Miên, Đinh Văn Bương, Đinh Moon. Sinh ra từ rừng, quen với chuyện trèo đèo lội suối nên chân dẻo, sức bền, mỗi lần đi tuần tra là băng băng đường rừng giúp các ngành chức năng ngăn chặn nạn phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy và dập tắt các đám cháy trong rừng.

Có cầu, có đường bê tông nên việc đi lại và cuộc sống của người dân đã đỡ vất vả.

Từ năm 2002, xã tiến hành chia ruộng cho các hộ, mỗi khẩu là 600m2 ruộng hạng 2, cộng thêm 200m2 đất ở. Nhà nước hỗ trợ 11 triệu đồng/ hộ để cất nhà. Đến năm 2011 đổ đường bê tông qua cầu Suối Ngang, rồi năm sau đó làm giếng nước, bể chứa, đưa điện lưới vào để phục vụ dân làng. 


Giờ đây, đời sống của các hộ cơ bản ổn định, không thua kém người Kinh. Có hộ đã đầu tư được đàn bò, đàn heo lớn. Hộ anh Trần Văn Miên kinh tế khá vững, với 5 con bò, 10 con heo cộng với tiền lãi từ mùa màng nương rẫy đủ để hai vợ chồng cùng ba đứa con ăn học.

“Được nhà nước quan tâm nhiều, giờ có điện, có nước, có đường sá an toàn nên không còn sợ lũ lụt, sạt lở. Chỉ cần chăm chỉ làm ăn thì không lo đói nữa” - anh Miên đúc kết.

Ông Nguyễn Tấn Đạt, Chủ tịch UBND xã Cát Lâm, cho hay: Ngoài chế độ ưu đãi của Nhà nước cho đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ dân là người dân tộc Ba Na còn được nhận các khoản tiền hỗ trợ về sách vở, đèn dầu, chế độ hộ nghèo… Mỗi khi có đoàn từ thiện về hỗ trợ xã đều ưu tiên giới thiệu vào làng phát quà cho bà con.