Bất cập cách làm cũ
Khác với các nước, ở Việt Nam quy trình bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư bao gồm hai bước: 1/Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công nhận một ai đó đạt tiêu chuẩn các chức danh giáo sư, phó giáo sư; 2/Bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Trước năm 2012 việc bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư do Bộ Giáo dục & Đào tạo đảm trách; sau năm 2012 thì giao cho các trường đại học tự bổ nhiệm.
Quy trình này nhiêu khê, rắc rối, đậm nét xin cho. Có thể liệt kê một số bất cập như nhiều người được phong giáo sư nhưng không hề có một giờ giảng dạy, lại đi làm công tác quản lý nhà nước. Ở bất kỳ nước nào, giáo sư thường được hiểu là gắn với một trường đại học nào đó trong khi ở Việt Nam giáo sư cũng có thể là người đang làm thứ trưởng hay cục trưởng.
Quan trọng hơn cả, các tiêu chuẩn chức danh dù rất chi ly và tỉ mỉ nhưng lại không thể đo lường một cách khách quan nên việc xét duyệt sẽ nặng về cảm tính. Ví dụ tiêu chuẩn “Hướng dẫn chính ít nhất hai nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ” là rất khách quan và dễ đo lường nhưng tiêu chuẩn “Trung thực, khách quan và hợp tác với đồng nghiệp trong hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, công nghệ” là khe hở để các thành viên hội đồng xét duyệt làm khó các ứng viên.
Chính vì thế, vẫn có trường hợp ứng viên có giấy chứng nhận của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước nhưng chưa được bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư ở một trường đại học cụ thể.
Nhiều ứng viên phải mất ăn, mất ngủ không chỉ vì chuẩn bị hồ sơ dù đây là khâu hết sức nhiêu khê mà cái chính là làm sao “vừa lòng” các thành viên trong hội đồng. Việc một người thay vì đủ điều kiện, áp theo khung quy định… sẽ được công nhận chức danh nay phải thực hiện thêm những việc theo kiểu "cúi đầu qua truông" là điều không bình thường - đặc biệt trong môi trường học thuật, nơi cần sự trung thực, sáng tạo và tài năng đích thực. Bởi thế , không ít người sau khi đã vượt qua cửa ải phó giáo sư đã ngậm ngùi thừa nhận chưa chắc đủ can đảm làm tiếp giáo sư!
Và chưa chín muồi cách làm mới
Trước hiện trạng đó, đã có nhiều tiếng nói yêu cầu phải trao quyền tự chủ cho các trường đại học trong việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư, tức là trao đầy đủ cả hai quyền: công nhận và bổ nhiệm.
Thật ra phản biện đối với đòi hỏi này cũng nhiều và cũng hợp lý: trường mà có đủ hai quyền, e rằng những giảng viên không ăn ý, có cá tính sẽ bị trù dập; tiêu cực cũng dễ nảy sinh; rồi khả năng sẽ lạm phát giáo sư, phó giáo sư khắp cả nước.
Tuy nhiên, đó là vấn đề gắn liền với quyền tự chủ mà Việt Nam phải chủ động giải quyết như các nước từng phải giải quyết. Khi các chức danh giáo sư, phó giáo sư do các trường quyết định, đó là màu cờ sắc áo, là uy tín, danh dự của trường đó nên họ sẽ bằng mọi cách nuôi dưỡng và gìn giữ.
Nếu chức danh kèm với tên trường, chỉ với điều đó thôi, cũng đủ cho các giáo sư, phó giáo sư thấy hãnh diện hay ngại ngùng khi xưng danh. Đây cũng chính là động lực để từng trường và bản thân những người mang danh xưng này phấn đấu cho sự chính danh.
Tuy nhiên với trường hợp của đại học Tôn Đức Thắng, vấn đề không phải vậy. Vấn đề là trường này muốn bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư như một chức danh nội bộ chứ không phải công nhận học hàm như cách Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đang làm.
Lãnh đạo trường này khẳng định việc xét bổ nhiệm chức vụ chuyên môn giáo sư, phó giáo sư tại trường đại học Tôn Đức Thắng chỉ có giá trị bên trong nhà trường để có cơ sở tính thu nhập, điều kiện làm việc…
Nếu đúng vậy thì trường này đã tạo ra sự nhập nhằng về danh xưng. Nếu họ đặt ra một từ gì đó mới để gọi việc bổ nhiệm này thì không sao; đằng này lại dùng các từ có sẵn, gây nhầm lẫn thì phải chịu trách nhiệm giải trình trước công luận. Không lẽ bắt tiếng Việt nay phải hiểu giáo sư thành hai nghĩa: giáo sư thật thụ của nhà nước phong và giáo sư nội bộ do đại học Tôn Đức Thắng bổ nhiệm.
Việc trường này viện dẫn Quyết định 158 của Thủ tướng Chính phủ để biện giải cho hoạt động bổ nhiệm giáo sư của mình cũng là sự nhập nhằng vì quyết định này chỉ có câu: “Tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm nhân sự là cán bộ quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, viên chức trong và ngoài tuổi lao động (còn năng lực làm việc) căn cứ vào đề án vị trí việc làm, sau khi được Hội đồng trường thông qua; bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, khách quan; đồng thời, bảo đảm tính cạnh tranh và có tính đến các đối tượng ưu tiên theo quy định”. Không có chỗ nào cho phép trường tự bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư cả!
Sự nhập nhằng này còn đáng trách ở chỗ nó làm chậm đi quy trình giao quyền tự chủ cho các trường đại học mạnh thí điểm việc xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư thay cho Hội đồng Chức danh – một việc trước sau gì cũng phải làm, bắt đầu từ các trường có uy tín. Nay vì đại học Tôn Đức Thắng mà sự e dè của công luận lại rộ lên một cách không đáng có.