> Đẻ thuê - Phần nổi tảng băng: Hồi hương - bao giờ?
Gần đây, báo Tiền Phong có bài phản ánh tình trạng nhiều cô gái vùng ĐBSCL đi lấy chồng ngoại, nhập quốc tịch nước người. Rồi gia đình tan vỡ. Không hiểu luật pháp, các cô ôm con bỏ về mà không làm bất cứ thủ tục nào.
Khi về, vì hai mẹ con vẫn mang quốc tịch nước ngoài nên cơ quan chức năng không thể giải quyết cho nhập tịch. Để rồi đứa trẻ nửa nội nửa ngoại ấy, với những cái tên “hổng giống ai” như Shin Cheng Meng, hay Shao Lee... vừa mới bập bẹ vài ba từ theo ngôn ngữ của cha, nay phải học lại “bà, bà, má má”.
Tôi có quen một anh bạn quê Cái Tắc, Châu Thành A, Hậu Giang, làm thuê cho một xưởng may ở Gò Vấp (TPHCM). Anh có cô em gái mới 20 tuổi, xinh xắn dễ thương. Mặc dù gia đình không giàu có, nhưng cũng có cái nhà mái bằng ấm cúng nơi cuối xóm, có cửa hàng cà phê nho nhỏ trên phố huyện.
Hết lớp 9, cô ngừng học ngang xương vì “học chả thấy vô”. Cũng chả trách cô được vì bạn bè xung quanh toàn vậy cả. Nhưng cô không muốn sống tiếp ở cái nơi “khỉ ho cò gáy, đàn ông chỉ biết nhậu và đánh vợ”. Cô bỏ lên Sài Gòn trông cửa hàng quần áo cho một bà chị.
Rồi một hôm cô đến tìm tôi, nhờ hướng dẫn thủ tục đi Singapore. Cô nói phụ bán quần áo khó sống, muốn qua “Sing”. Gặng mãi, cô bé mới thú thật có chị em họ hàng “ở bển” về, nói qua đó kiếm tiền dễ lắm. Hỏi làm gì, cô lí nhí: qua làm tiếp viên quán karaoke, kiếm vốn về làm ăn. Tôi ngăn mà không được. Chẳng biết cô bé bây giờ ra sao.
Trở lại câu chuyện 15 cô gái đẻ thuê. Có thể thấy, ít nhiều những người hàng xóm, gia đình và thậm chí cả giới chức địa phương đã phong thanh về chuyện các cô đi đẻ thuê tận nước người. Nhưng làm sao can thiệp, và căn cứ vào cái gì để can thiệp đây?
Ngay cả khi sự việc vỡ lở, nhiều người mới té ngửa rằng tại các bộ luật ở Việt Nam chưa có dự liệu cho tình huống đẻ thuê và những hệ quả của việc ấy. Trong khi giới chức Việt Nam và Thái Lan còn chưa biết giải quyết rốt ráo sự vụ này ra sao thì những cái thai trong bụng các cô cứ ngày một lớn lên.