Vườn chè dưới đỉnh Phu Xai Lai Leng
Dựng lều lập nghiệp
Đỉnh cao nhất trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, Phu Xai Lai Leng quanh năm phủ mây mù. Từ độ cao 2.000m trở lên, không một dấu chân người. Dĩ nhiên là không thể đưa ‘‘quân’’ lên đỉnh, bởi chóp núi cao ngất, điều kiện khí hậu rất khắc nghiệt.
‘‘Trên đó lạnh tê người. Rừng nguyên sinh già nua, nấu nồi cơm cũng không chín, nước chỉ nóng đến 80 độ là cùng, ở trên đó lâu không sống được!’’, anh Nguyễn Trọng Cảnh nói.
Từ Tổng đội TNXP-XDKT 8 đóng tại Huồi Tụ (huyện rẻo cao Kỳ Sơn, Nghệ An), Nguyễn Trọng Cảnh chọn cho mình 6 đội viên xuất sắc nhất, cất quân về Na Ngoi, dưới đỉnh Phu Xai Lai Leng. Mảnh đất đặt đại bản doanh Làng Thanh niên lập nghiệp Na Ngoi, Tổng đội TNXP-XDKT 10 sau này, là một thung lũng.
Cái thuở mang... cuốc đi mở đất ấy, bộn bề khó khăn. Mấy cân gạo, một ít muối, đùm cá khô và vài bộ đồ nhàu nhò lem luốc, vị thủ lĩnh cùng các đội viên bắt đầu hành trình chinh phục đại ngàn. Ba nhiệm vụ trọng tâm đặt ra là: Xuống từng bản vận động người Mông, người Thái cùng hợp sức lập làng thanh niên; Xây dựng khu trung tâm và sớm đưa kỹ thuật thâm canh các loại cây trồng hợp với thổ nhưỡng vùng rẻo cao đến với đồng bào miền núi.
Thủ lĩnh Nguyễn Trọng Cảnh kể: ‘‘Xã Na Ngoi có 19 bản, hơn 4.000 dân, trong đó hơn 80% là người Mông. Dân cư thưa thớt, nằm rải rác trên một diện tích lớn, có bản phải trèo đèo lội suối cả ngày đường mới tới nơi. Chúng tôi đến tận từng gia đình, thuyết phục từng người dân dành đất, hỗ trợ xây dựng làng thanh niên’’.
Sau nhiều tháng kiên trì ‘‘đàm phán’’, cuối cùng đội của Nguyễn Trọng Cảnh cũng được người Mông ở xã Na Ngoi nhường cho 20ha đất tại thung lũng Ka Trên để mở mang cơ nghiệp.
Dưới đỉnh Phu Xai Lai Leng hùng vĩ, túp lều tranh vách nứa mọc lên. ‘‘Đêm đêm nằm giữa rừng nghe gió lùa bốn phía, nghĩ đến chặng đường gian nan trước mặt, đã có lúc tôi không nén được tiếng thở dài. Nếu ngày đó không có ý chí, cả đội không đoàn kết, thì rất khó hoàn thành nhiệm vụ!’’, thủ lĩnh Nguyễn Trọng Cảnh kể lại.
Bảy anh em trong đội TNXP đi mở đất miền biên viễn, mỗi người một quê, nhưng trên dưới một lòng. Trong bảy gương mặt, có 3 thanh niên người Mông: Dềnh Bá Mai, Tồng Bá Tênh, Xồng Bá Xá, họ giữ vai trò là những hạt nhân nòng cốt trong việc tiếp xúc, vận động bà con dân bản ủng hộ lập làng mới. Trong đó, Dềnh Bá Mai (SN 1984) là đội viên tiêu biểu được điều động từ Tổng đội TNXP-XDKT Huồi Tụ sang Na Ngoi. Việc gì khó, đã có chàng trai người Mông xung phong đảm nhận.
Thủ lĩnh Nguyễn Trọng Cảnh tâm sự: ‘‘Muốn bà con dân bản đi theo, ủng hộ mình thì mình phải để bà con thấy cái việc mình làm là hiệu quả, không nói suông được!’’.
Giữa thâm sơn cùng cốc, bắt đầu từ đâu? Năm 2008, khi đã ổn định đội hình và có đất đứng chân, Thủ lĩnh làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi bàn với Ban chỉ huy lực lượng TNXP-XDKT Nghệ An áp dụng kinh nghiệm từ mô hình Tổng đội 8 Huồi Tụ, đưa ngay giống cây sang Na Ngoi trồng.
Chỉ trong một thời gian ngắn, thung lũng Ka Trên đã tràn ngập rau màu các loại. Bí, ngô, su hào, bắp cải, luống nào luống nấy thẳng tắp, xanh mơn mởn. Vụ mùa đầu tiên thắng lợi, thủ lĩnh Nguyễn Trọng Cảnh lệnh cho anh em đội viên mang giống rau màu vào bản, đến tận từng hộ gia đình hướng dẫn bà con cách trồng, chăm bón, thu hoạch.
Làm việc cho dân như làm việc nhà mình. Sự cần mẫn, chu đáo của từng đội viên làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi đã để lại nhiều thiện cảm trong cộng đồng người Mông, người Thái tại huyện rẻo cao Kỳ Sơn, khiến dân tin, dân mến phục và làm theo.
Dự án xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp Na Ngoi, tỉnh Nghệ An được phê duyệt tại Quyết định số 388 – QĐ/TƯĐTN ngày 31/10/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn; khởi công xây dựng vào tháng 3/2009. Trung tâm làng cách huyện lỵ Mường Xén của huyện Kỳ Sơn trên 70 km, cách Thành phố Vinh gần 300 km.
Không phải ngẫu nhiên mà Ban chỉ huy lực lượng TNXP Nghệ An lại chọn Nguyễn Trọng Cảnh, nguyên chủ nhiệm HTX nông nghiệp Nam Xuân (huyện Nam Đàn) làm thủ lĩnh, làm người đi gieo hạt mầm đầu tiên cho làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi.
Sinh năm 1966, nổi tiếng là người năng nổ, dám nghĩ dám làm, Nguyễn Trọng Cảnh đã một thời khuấy động nông thôn Nam Đàn bằng phong trào trồng ‘‘siêu dưa chuột’’ và... nuôi mèo. Trước nạn chuột đồng, chuột nhà hoành hành, tàn phá mùa màng, vị chủ nhiệm HTX đã phát động phong trào ‘‘nhà nhà nuôi mèo’’.
Hăng hái vận động các hộ dân nuôi mèo, thuyết phục các xóm ra... nghị quyết nuôi mèo để bảo vệ hoa màu, lương thực, HTX Nam Xuân trợ giá mỗi con mèo đưa về xã 50.000 đồng. Chỉ trong mấy tháng, cả xã Nam Xuân 1.200 nóc nhà đã nuôi được 1.250 con mèo.
Mèo xuất hiện khắp hang cùng ngõ hẻm, mèo tràn cả ra đồng, nhờ đó làng quê sạch bóng chuột, mùa vụ bội thu. Cái quyết tâm này cũng được Nguyễn Trọng Cảnh đem vào áp dụng trong phong trào trồng ‘‘siêu dưa chuột’’ mang lại lợi ích kinh tế cao, cải thiện cuộc sống của một bộ phận lớn dân Nam Xuân trong các năm 1999-2000.
Giống dưa chuột nhiều trái xuất xứ từ Thái Lan hợp thổ nhưỡng Nam Đàn, cho thu nhập mỗi hộ hàng chục triệu đồng/vụ, sau đó được nhân rộng ra nhiều xã và một thời được coi là cây chủ lực trên đồng ruộng.
Nhớ lại mô hình kinh tế này, anh Nguyễn Trọng Cảnh mỉm cười: ‘‘Hồi đó, bà con gọi loại dưa này là... dưa ma, vì hôm qua vừa hái hôm nay quả đã ngập đồng. Chẳng thuốc thang gì cả, cái giống dưa này nó thế. Bà con nông dân có thu nhập hàng chục triệu đồng nhờ trồng dưa mỗi vụ là một thắng lợi lớn, nhất là thời điểm hơn chục năm trước!’’.
Làng TNLN Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An)
Không chỉ có cá hồi, hoa ly!
Cá hồi và hoa ly, hai đặc sản của làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi, chỉ là một minh chứng về thành quả lao động miệt mài, đầy sáng tạo của các đội viên TNXP-XDKT tít tắp nơi miền biên ải.
Dù biết, Na Ngoi đã có một cú chuyển mình âm thầm mà ngoạn mục, dân bản và các đội viên của làng dần thoát nghèo bằng chính sức lao động, bằng mồ hôi nước mắt của mình với những cây trồng, vật nuôi sẽ kể, thì cá hồi và hoa ly vẫn có một điều gì đó thôi thúc tôi tìm hiểu. Tại sao đàn cá hồi lại có thể leo lên chót vót cổng trời để mà sinh sản? Và hoa ly, loài hoa ‘‘khó tính khó nết’’ lại có thể nở rộ nơi heo hút sơn cùng thủy tận này?
Trưởng làng thanh niên Nguyễn Trọng Cảnh nói: ‘‘Khí hậu ở Na Ngoi lạnh quanh năm, lạnh như SaPa, Đà Lạt. Thung lũng Ka Trên cao ngàn mét nhưng đất đai màu mỡ, phì nhiêu, hợp với hoa ly.
Loài hoa này dễ trồng, song bố trí thời vụ để hoa nở đúng vào dịp tết Nguyên Đán thật không đơn giản. Chúng tôi đã cất công tàu xe hàng nghìn cây số vào Đà Lạt chọn giống, tìm hiểu cách trồng, chăm bón rồi mang về Kỳ Sơn. Năm 2009, trồng thử 5.000 cây.
Vụ đầu thắng lợi khiến các đội viên ai nấy đều phấn kích, từ đó đến nay năm nào làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi cũng trồng hoa ly phục vụ tết, năm 2014 này trồng trên 2 vạn cây’’.
Mỗi độ tết đến, Xuân về, hoa ly Kỳ Sơn nở rộ, nườm nượp xuống phố. Dự án cá hồi tuy còn vướng đầu ra, sản lượng khiêm tốn vài ba tấn mỗi năm, nhưng cả hai đặc sản này là thắng lợi lớn về mặt tinh thần.
‘‘Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền’’, sự bền bỉ, kiên trì và nhiệt huyết tuổi trẻ là sức mạnh để những đội viên trẻ kinh qua mọi khó khăn gian khổ chinh phục đại ngàn, viết tiếp trang sử vàng truyền thống của lực lượng TNXP.
Na Ngoi là một trong những xã có diện tích lúa bậc thang nhiều nhất huyện Kỳ Sơn, với hơn 400 ha. Người Mông, người Thái tại các bản Ka Trên, Na Cáng, Phù Khả...chỉ trồng một vụ Hè Thu, giống cũ năng suất thấp, quần quật cả năm trên nương rẫy may ra chỉ đủ ăn.
‘‘Chúng tôi đặt mục tiêu chuyển đổi thành hai vụ, đưa giống lúa mới về cho bà con. Khi cái bụng của dân bản no ấm, thì bà con sẽ nghe theo, làm theo!’’, anh Nguyễn Trọng Cảnh lý sự.
Ban đầu, các đội viên thử nghiệm trên diện tích từ 5 đến 10 ha, sau nhân rộng ra toàn xã. Từng đội viên TNXP được phân công xuống tận hộ gia đình, hướng dẫn nông dân cách bắc mạ, cấy lúa, cách bón phân, sử dụng thuốc BVTV bảo vệ mùa màng. Toàn bộ giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu do làng thanh niên Na Ngoi hỗ trợ.
Trong một thời gian ngắn, 400 ha ruộng bậc thang toàn xã đã chuyển sang cấy hai vụ, nâng năng suất mỗi ha lên 6 tấn/vụ, nhà nào nhà nấy thóc đầy bồ. Thấy cách làm hay, cuối năm 2013 huyện Kỳ Sơn chọn Na Ngoi mở hội thảo đầu bờ, quyết định nhân rộng mô hình trồng lúa của làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi ra toàn huyện.
Chè Tuyết Shan, loại cây chủ lực được các đội viên đưa vào trồng đại trà khắp làng trên, bản dưới, phủ kín đất trống đồi trọc. Trong vòng 5 năm, Na Ngoi đã trồng được 170 ha chè Tuyết Shan, năng suất bình quân đạt 3-4 tấn/ha.
‘‘Cũng như các loại cây trồng khác, được sự hỗ trợ của TW Đoàn và của tỉnh Nghệ An, chúng tôi mang giống về cấp miễn phí cho từng hộ sản suất, hỗ trợ mỗi ha chè 5 triệu đồng. Bà con dân bản chỉ bỏ công sức chăm bón, đến kỳ thu hoạch đơn vị nhận bao tiêu sản phẩm’’, Phó Ban quản lý Làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi, anh Phan Viết Lịch cho hay.
Đơn vị đã đầu tư 200 triệu đồng lắp đặt, vận hành lò chế biến chè Tuyết Shan. Dưới đỉnh Phu Xai Lai Xeng, vườn chè của người Mông, người Thái xanh mơn mởn, góp phần giúp dân bản cải thiện cuôc sống. Điển hình, hộ gia đình Lầu Vả Mềnh, Lầu Chồng Pó, Xồng Bá Rê, Xồng Bá Sáo... mỗi hộ trồng từ 2 đến 3 ha chè Tuyết Shan.
Gà đen, đặc sản của Làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi
Gà đen, loại gà xương đen, thịt đen, món ăn bổ dưỡng trở thành đặc sản Kỳ Sơn. Từ giống gà quí sẵn có trong dân lai tạo với giống gà đen do các đội viên mang về từ một trung tâm bảo tồn nguồn gen tại Hà Nội, đã phát triển rầm rộ tại Na Ngoi. Xây chuồng, dựng trại, các đội viên chọn những chú gà to khỏe nhất để tạo giống, mở rộng đàn gà đen lên đến trên 3.000 con. Lầu Vả Mềnh (bản Ka Trên), Xồng Bá Cô (bản Na Cáng), Mùa Bá Xồng (bản Phù Khả)... mỗi hộ chăn nuôi từ 100 đến 250 con gà đen, thu nhập hàng chục triệu đồng/năm.
Ngoài gà đen, chè Tuyết Shan, các loại rau màu và cây lương thực, Làng thanh niên Na Ngoi còn vận động dân trồng bí đao, gừng. Sản lượng gừng tươi thu hoạch được đã giúp nhiều dân bản thoát nghèo, làm giàu. Anh Nguyễn Trọng Cảnh cho biết, thu hoạch vụ gừng năm 2014, gia đình ông Lầu Vả Mềnh bán được chừng 200 triệu đồng (20 tấn gừng) ; Lầu Xái Kỷ, Lầu Nhìa Bì, Xồng Bá Sáo... mỗi hộ có thu nhập khoảng 100 triệu đồng từ trồng gừng.
Sự trưởng thành, lớn mạnh của Làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi không chỉ tạo nên một mô hình kinh tế- xã hội, mà bằng những việc làm thiết thực, các đội viên TNXP đã giúp dân bản thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Lúc tiễn tôi ra về, thủ lĩnh Nguyễn Trọng Cảnh bảo: ‘‘Có những cái anh em TNXP đã làm được nhưng không đem ra đo đếm được!