Kỹ sư Dương

TP - Hôm ấy không rõ “có ý” gì không mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có vẻ như nhấn mạnh vào hai chữ “Kỹ sư” khi nhắc đến Trần Bá Dương, ông chủ của Ô tô Trường Hải, nhân tập đoàn này khởi công mở rộng thêm 210 héc-ta nhà máy nữa, cùng Khu đô thị 265 héc-ta tại Chu Lai.
Ông Trần Bá Dương (bên phải) giới thiệu với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dòng xe mới tại Khu phức hợp ô tô Chu Lai. Ảnh: Hà Minh

Hay là do tôi mắc bệnh mẫn cảm thái quá khi thấy xã hội đang sốt lên vì câu chuyện các “lò sản xuất tiến sĩ”? Với tốc độ hơn một ngày cho ra đời một tiến sĩ! Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng chỉ ước ao đất nước có thêm được vài ba ông kỹ sư như ông Dương, để mỗi năm đóng góp vào ngân sách quốc gia chừng 1 tỷ đô la như doanh nghiệp của ông đang làm bấy lâu.

Chính trong phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng không nén được xúc động: “Tôi còn nhớ hình ảnh khi chúng tôi vào vận động anh Trần Bá Dương ra Quảng Nam làm ăn và đầu tư, vợ anh Dương đã khóc để tiễn chồng… Thật cảm động! Rồi anh Dương còn huy động, đưa cả đội ngũ chủ chốt ra đây để kiến tạo nên một ô tô Thaco lớn mạnh như hôm nay… (Chi tiết này, hôm sau nghe một người thân cận với ông Dương, cười bảo “nội tướng” của ông Dương còn kiên cường hơn cả chồng, chắc bữa ấy là do… bụi bay vào mắt thôi).

Câu chuyện được Thủ tướng kéo ngược về 13 năm trước, khi ông còn đương chức Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đối mặt với bộn bề gian nan. Bây giờ nhìn vào Khu kinh tế Chu Lai mà Trường Hải là hạt nhân cũng là đòn bẩy chủ lực, mỗi năm Trường Hải đem về cho ngân sách tỉnh từ 10-15 ngàn tỷ đồng, nhớ lại mới hơn mười năm trước thấy như điều không tưởng. Dù với cương vị nào, là người con quê hương ai mà không thấm thía, đong đầy cảm xúc. Khi ông hồi nhớ về mảnh đất từng khô cằn sỏi đá không có loài cây nào sống nổi, như chính Chu Lai này.

Như mới hôm qua thôi, tôi theo đoàn của Thủ tướng vượt qua cầu Cửa Đại về vùng Đông khởi công dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An. Bỏ lại sau lưng một Hội An lung linh, sầm uất, qua cây cầu Cửa Đại kỳ vĩ bắc qua mênh mông Thu Bồn vừa khánh thành tháng trước để tiến về vùng Duy Hải, Duy Nghĩa của Duy Xuyên và Bình Dương của Thăng Bình, bắt gặp ngay quang cảnh như đầu những năm 1980 còn sót lại. Hoang vắng, trống trơn, xơ xác. 

Cậu bạn đồng nghiệp quê gốc Duy Xuyên nhà gần đó, kể hồi xưa đi học, cùng lũ bạn trầy lưng gánh nước tưới rau. Gánh nước tưới cát bao nhiêu cho xuể hả trời, nhưng vẫn phải cắn răng làm để có cái mà đổi lấy ít đồng mua gạo, mua vở. Ngày nắng đến khô máu, đêm đến bầy dĩn rúc lên từ cát cắn thì thôi rồi. Nghèo quá, một dạo ai đó thử trồng cây điều để đổi đời. Thế là thi nhau trồng, rồi tiêu luôn. Sau lại có người thử trồng mướp lấy xơ xuất khẩu. Cả làng lại trồng, nhưng cũng chẳng thấy mặt mũi thương lái đâu. “Tiêu điều xơ xác mướp” thành một bộ hoàn chỉnh…

Vậy nên khi ngồi trên xe nhìn nắng đầu hè dội lửa xuống vùng cát ven biển nơi mai này sẽ là khu nghỉ dưỡng cùng các loại hình dịch vụ du lịch rộng đến gần 1 ngàn héc-ta, tổng vốn đầu tư ngót 4 tỷ đô la, tôi chạnh nhớ đến Chu Lai một thời. Chu Lai ngày ấy đến cái tên còn chưa có trên bản đồ. Hai chữ “Chu Lai” có người lý giải là cách đọc trại tên của một viên tướng thủy quân lục chiến Mỹ khi ông này đi khảo sát thực địa tìm nơi đặt một sân bay dã chiến tại đây những năm 1960. Còn một lý giải nữa, theo một số nhà nghiên cứu, vùng này tên cũ vốn là Châu Lai (bến nơi các thuyền lớn tìm đến), điệp với Châu Ổ phía bên Quảng Ngãi. Nhưng cũng vẫn chỉ là những giả thuyết.

Một vùng đất cát xen sỏi đá cằn cỗi, hoang vu đến nhức nhối. Làm gì ở đó bây giờ? Thế mà kỹ sư cơ khí Trần Bá Dương cùng nhóm cộng sự đầu tiên đã quả cảm, kiên cường bám trụ gây dựng để có cơ ngơi như ngày hôm nay. Hai chữ “kiên cường” là của Thủ tướng. “13 năm, ô tô Trường Hải Chu Lai đã phấn đấu kiên cường, một tinh thần yêu nước, năng động sáng tạo được nâng lên ở giai đoạn đổi mới”. 

Cũng khá bất ngờ với khái niệm “yêu nước” được đặt trong một bối cảnh rất đặc thù, chưa mấy ai dùng, đó là làm ăn kinh tế. Nhớ trước đó, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc cũng có câu: “Làm giàu chân chính là yêu nước”. Một tinh thần ái quốc như Trường Hải, khi từ lâu lắm rồi, sáng thứ Hai đầu tuần nào cũng vậy, hàng vạn cán bộ, công nhân trong tập đoàn khắp cả nước đồng loạt nghiêm trang chào cờ, hát Quốc ca. 

Nhưng yêu nước như kỹ sư Dương còn là can đảm và quyết đoán bước ra khỏi cái xưởng sửa chữa nhỏ ở KCN Biên Hòa, khai phá vùng đất mới còn chưa có tên, để ra đời một Khu phức hợp công nghiệp ô tô 400 héc-ta lớn bậc nhất Việt Nam, với 24 nhà máy cùng cảng biển, đội tàu, trường đào tạo nghề, khu đô thị... Để đến năm 2014 Thaco chính thức đứng đầu thị trường ô tô trong nước với 37% thị phần, “lật đổ” ông lớn Toyota tại Việt Nam.

Kiên cường? Tôi nhớ đôi lần chiều tối hoặc sáng sớm ra sân bay Đà Nẵng đón người thân, bất chợt gặp ông chủ Trường Hải bận cái áo thun đơn giản, tay xách cái cặp nhỏ chắc đựng đủ bộ áo quần, một mình lững thững với gương mặt bộn bề suy nghĩ. Mà không thấy ai xung quanh. Sau nghe kể ông quen như vậy rồi. Không thích đưa đón rộn ràng. Nhiều hôm từ mờ sáng, hoặc tối mịt vẫn còn ở sân bay. Rồi ngồi tiếp trên ô tô mấy tiếng đồng hồ. Mười mấy năm biết bao chuyến khuya sớm đi/về như thế. 

Chắc cái vùng cát Núi Thành Chu Lai “trận đầu thắng Mỹ” này buổi đầu hẳn “kinh hoàng” với người kỹ sư ấy lắm! Đến tận giờ, nhiều chuyên gia kinh tế khi nói về hiện tượng Trường Hải, vẫn còn vương vấn với câu hỏi: “Tại sao Chu Lai?”. Bởi vị trí này không phải trung tâm phân phối lớn của cả nước, đi lại ít thuận lợi, chi phí đầu tư cao, và nữa là nhân lực tại chỗ chủ yếu nông dân, đào tạo nghề thế nào? Thế nhưng kỹ sư Dương đã hóa giải được một cách thần kỳ. Và không chỉ là lợi nhuận. Quan trọng hơn, trong số 7.000 công nhân đang làm việc tại đây, có đến hơn 80% là người địa phương. Không rõ những người ngày xưa từng bảo ông Dương là … “điên”, nay nghĩ gì?!

                 * * *

Ngày  24/4/2016 có lẽ là cột mốc mới của sự nghiệp Trường Hải ở Chu Lai, đưa nơi này lên tầm cao của ASEAN. Đó là chính thức mở rộng diện tích thêm 210 héc-ta để cấp bách xây dựng và đưa vào hoạt động trong năm 2018, gồm: Nhà máy xe con mới với công nghệ hàn lazer công nghệ sơn tiên tiến nhất công suất 100.000 xe/năm; Nhà máy xe tải mới công suất trên 100.000 xe/năm; Nhà máy xe bus công suất 5.000 xe/năm và xe mini bus 12-16 chỗ 10.000 xe/năm. Đồng thời phát triển tổ hợp các nhà máy công nghiệp, sản xuất động cơ, máy móc phục vụ nông nghiệp, để trở thành trung tâm cơ khí đa dụng của miền Trung. Đầu tư mở rộng cảng Chu Lai – Trường Hải, lập tuyến vận tải biển trực tiếp từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc về Chu Lai… Còn vì sao lại 2018? Vì đó là năm theo lộ trình hội nhập khu vực ASEAN, thuế suất ô tô nhập khẩu sẽ về bằng 0%. Hai tuyến đường nối từ cảng Tam Hiệp của Trường Hải đến đường cao tốc đang thi công và khu công nghiệp góp phần chắp thêm đôi cánh rộng dài cho nơi này.

Một “thành phố Trường Hải” không biết có nằm trong tham vọng của kỹ sư Dương? Nhưng với Khu đô thị Tam Hiệp rộng tới 265 héc-ta gồm nhà ở, trường học, siêu thị… đang bắt tay xây dựng, hẳn sẽ là nơi an cư cho những thế hệ công dân Trường Hải – Chu Lai.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan Khu phức hợp ô tô Trường Hải.

Tất cả đang hiện thực hóa Thông điệp số 11 năm 2016 – thông điệp mới nhất của Chủ tịch Trần Bá Dương, đó là đưa Trường Hải “trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành với sản xuất và kinh doanh ô tô là chủ đạo, bước vào tốp đầu của ASEAN”. Với mục tiêu năm 2016 kinh doanh tăng đến 56% so với 2015 doanh thu hợp nhất đạt 72.000 tỷ đồng tương đương 3 tỷ USD. Tổng nộp ngân sách năm 2016 là 20.018 tỷ đồng, trong đó tại tỉnh Quảng Nam là 15.178 tỷ đồng.

Tôi từng nghe ông Trần Bá Dương sử dụng 5 chữ, khi được cánh nhà báo hỏi về triết lý và chiến lược làm ăn của Thaco. Đó là “Đúng đắn và khác biệt”. Đúng đắn, đó là đề cao đóng góp phát triển nền kinh tế và cống hiến cho đất nước, kiến tạo những giá trị cơ bản và thiết yếu cho hội nhập. Còn “khác biệt”, hẳn nhiên là bí kíp có lẽ khó ai học được từ Trường Hải.   

…Tôi để ý trong buổi sáng hôm ấy, cả hai buổi lễ khởi công Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An và mở rộng Chu Lai Trường Hải, sau khi phát biểu và bấm nút lệnh khởi công, Thủ tướng đã dành hai cái ôm thật chặt cho hai nhà đầu tư. Là ông Don Lam - chủ của VinaCapital và Trần Bá Dương của Trường Hải.

Rồi tôi cũng lại luẩn quẩn với câu hỏi, giữa ông Trần Bá Dương và ông Nguyễn Xuân Phúc, từ 13 năm trước “ai phát hiện ra ai”? Để bây giờ một cách tài tình giữa miền Trung – Quảng Nam có một điểm sáng sản xuất làm ăn bền vững, đóng góp lớn cho nền kinh tế và xã hội, vượt lên trên không ít những khu kinh tế mở khác. Không chỉ thế, một thứ Văn hóa doanh nghiệp đầy đặn cứ đậm nét, sáng rỡ dần trên mảnh đất vốn khô cằn này. Một Chu Lai – bến đỗ mới của niềm hy vọng…

            Chu Lai, 25/4/2016 

Một “thành phố Trường Hải” không biết có nằm trong tham vọng của kỹ sư Dương? Nhưng với Khu đô thị Tam Hiệp rộng tới 265 héc-ta gồm nhà ở, trường học, siêu thị… đang bắt tay xây dựng, hẳn sẽ là nơi an cư cho những thế hệ công dân Trường Hải – Chu Lai.