Số là hôm 3/3 Bộ VHTTDL đánh công văn gửi Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội đề nghị “tạo điều kiện dựng phối cảnh 3D cảnh bộ phim tại một địa điểm nổi bật ở phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm để người dân Thủ đô và khách du lịch chụp ảnh lưu niệm và trải nghiệm những công nghệ chụp ảnh mới với mô hình và các trò chơi thú vị. Tại địa điểm này có đặt bàn tài liệu quảng bá du lịch Việt Nam và du lịch Hà Nội”.
Quan chức Bộ VHTTDL ký công văn trên. Nhưng có báo mạng hôm qua viết rằng khi họ hỏi ông về vụ nóng sốt này, ông tỏ ra ngơ ngác “Tôi đang bận họp. Tôi vừa đi Tây Nguyên về nên không biết”.
Công văn còn đề xuất cụ thể vị trí phù hợp để đặt Kong: Khu vực tượng đài Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Cái này lạ đây.
Di tích lịch sử và danh thắng hồ Hoàn Kiếm được xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt từ 2013. Theo quy định, không được phép tổ chức các hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm ở nơi thế này.
Đề xuất trên kia của Bộ (phối hợp nhà phát hành phim Kong) trước hết là một đề xuất quảng cáo cho phim, không thể nói khác. Và có thể quảng cáo cả mấy thứ này nữa: “Những công nghệ chụp ảnh mới với mô hình và các trò chơi thú vị” (trích công văn đã dẫn).
Đã mất công dựng 3D đương nhiên không thể bé, chân dung Kong ắt khổng lồ, hoành tráng. Ngang nhiên nơi công cộng. Nhưng đã hiện diện chốn công cộng, dù thể loại gì đi nữa, anh phải đáp ứng mỹ quan chung, chưa kể qui định đã dẫn (về di tích đặc biệt). Bởi có phải ai cũng thích hình ảnh một con khỉ vĩ đại đen thui đập mắt mình đâu, ai cũng mê phim ảnh nhất là dòng phim quái vật, giả tưởng đâu. Kong ở hồ Gươm ư - không giải quyết được vấn đề mỹ quan, vấn đề văn hóa nào cả.
Còn quảng bá du lịch. Ngoài trường quay bộ phim ở Hạ Long, Ninh Bình, Quảng Bình, thì các tua du lịch lớn nhỏ quanh hồ Gươm và những nơi khác, nếu thích, có thể trương hình ảnh phim Kong - kích cỡ nào cũng được trong khuôn viên công ty mình miễn phù hợp điều kiện vật chất của họ, để mời gọi tua du lịch hấp dẫn. Rộng hơn có thể đưa Kong vào các công viên - những địa điểm giải trí thuần túy có bán vé, có sự tham gia của doanh nghiệp. Hoặc kể cả sân bay, như nhà sử học Nguyễn Hồng Kiên đề xuất.
(Mà địa điểm lý tưởng, có khi là... vườn bách thú Thủ Lệ chẳng hạn!)
Thử tưởng tượng hình ảnh Kong ở Bờ Hồ, cũng phù hợp một bộ phận công chúng đấy: Có thể nhiều người hớn hở đến bên để chụp ảnh seo phi, rồi “vẽ hình logo phim, hỏi đáp vui” theo như kịch bản của ban tổ chức. Nhưng hình ảnh đó lợi hại, hay dở thế nào trên con phố đi bộ đang ra sức chỉnh trang bộ mặt văn hóa, và là “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”, tụ điểm hút khách du lịch quốc tế? Chắc chắn, ý tưởng bày Kong ở hồ Gươm cũng không giải quyết được vấn đề du lịch nào sau khi đã vô hiệu về mặt văn hóa.
Bà con mấy hôm nay vẫn lũ lượt xếp hàng mua vé xem “Kong: Đảo đầu lâu”, đẩy doanh thu phòng vé lên mức chắc khiến nhà phát hành mừng rơn. Nhiều người thấp thỏm lo âu và phập phồng hy vọng cho ngành du lịch ngủ đông hơi lâu; lo cho tấm thịnh tình điện ảnh Mỹ-Việt mới chớm, vân vân. Đều là xúc cảm đáng quí. Ngay báo chí cũng khá ưu ái khi viết về Kong. Được đà ăn theo sự kiện điện ảnh cũng hay, ví dụ mời anh đạo diễn làm đại sứ du lịch. Song le, như triết gia cổ đại Heraclitus (535-475 TCN) đã nói: “Đẹp có nghĩa là trung bình, vừa phải”; sau này triết gia Democritus (460-370 TCN) cũng nói na ná- “Đẹp nghĩa là vừa phải, không thừa không thiếu”. Nồng nhiệt là tốt nhưng quá đi một chút, dễ thành lố. Mà đó là đã loại bỏ rồi đấy, những tham vọng thấp thoáng đằng sau.