Kon Tum: Hàng trăm 'ổ voi' trên các tuyến đường biên giới

TPO - Nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện biên giới Đăk Glei, Kon Tum xuống cấp trầm trọng, xuất hiện hàng trăm "ổ voi" sau nhiều năm khai thác.
Tuyến đường ĐH 83 xuống cấp trầm trọng, hàng trăm ổ voi lớn nhỏ trải dài

Theo ghi nhận của PV, tuyến đường ĐH 83 (từ thị trấn Đăk Glei đến xã Đăk Nhoong) dài 33km và ĐH 85 (từ xã Đăk Môn đến xã Đăk Long) dài 18km có đến hàng trăm "ổ voi" lớn nhỏ trải dài.

Nhiều "ổ voi" dài hơn 5m, rộng 3m, chiếm gần hết mặt đường, đe dọa an toàn giao thông, ảnh hưởng đến đời sống nhiều hộ dân sinh sống trong khu vực. Vào mùa mưa, các hố sâu này ngập nước và trở thành những cái bẫy đối với người đi đường.

Mùa mưa, các hố sâu ngập nước gây nguy hiểm đối với các phương tiện lưu thông

Theo bà Y Thuyền (trú thôn Pêng sal pêng, xã Đăk Pék), tình trạng xuống cấp tuyến đường ĐH 83 đã diễn ra hơn mười năm qua từ bão số 9 (năm 2009). Cứ mỗi năm, tuyến đường càng nát tươm, ổ voi lại xuất hiện dày đặc, lún sâu hơn. Cuộc sống của người dân càng thêm khó khăn khi di chuyển trên đường, đặc biệt vào mùa mưa lũ.

Đường sá quá khó đi, tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp cán vào ổ voi, ngã xuống. Mấy hôm mưa bão, đường ngập sâu, người dân không dám di chuyển vì nước lấp ổ voi không thể quan sát”, bà Y Thuyền than vãn.

Người dân phải nhường đường cho nhau để đi qua đoạn ổ voi

Anh A Vít, trưởng thôn Pêng sal pêng nói thêm, nhiều hộ kinh doanh, sản xuất gặp khó khăn trong việc vận chuyển nông sản, hàng hóa ra thị trấn. Mặc dù nhiều lần cơ quan chức năng có sửa chữa, nhưng đến nay chỉ mới chắp vá, khắc phục một vài điểm trên tuyến đường.

Cô Nguyễn Thị Nga, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu (xã Đăk Pék) chia sẻ: “Học sinh, cô giáo thường xuyên bị ngã xe khi đi qua các đoạn ổ voi, trầy xước và bẩn hết quần áo. Thương nhất là các em học sinh vào ngày mưa, quần áo lấm lem bùn đất không thể tập trung học tập. Các cô cũng phải thay từ giày cao gót sang dép để tiện di chuyển”.

Không đủ kinh phí duy tu, bảo dưỡng

Nhiều người phải chọn cách dắt xe trước tình trạng mặt đường lồi lõm

Ông Huỳnh Ngọc Ly, Chủ tịch UBND xã Đăk Long cho biết, xã có 9 thôn với khoảng 1.600 hộ dân, gần 6.700 nhân khẩu. Trước tình trạng tuyến đường ĐH 85 xuống cấp, đoàn Đại biểu Quốc hội, đoàn công tác của tỉnh cũng đều xuống ghi nhận. Tuy nhiên đây là tuyến đường do huyện Đăk Glei quản lý nên vẫn chưa có đủ ngân sách để khắc phục toàn bộ.

“Đây là tuyến đường trọng điểm ra 2 cửa khẩu phụ Đăk Long, Văn Tách nên lưu lượng xe đi lại rất nhiều. Điều này dẫn đến tình trạng tuyến đường này liên tục xuống cấp, ảnh hưởng lớn đến kinh tế của người dân vì tiền cước vận chuyển vào xã đắt hơn” ông Ly nói.

Các tuyến đường ĐH 83, ĐH 85 hư hỏng, xuống cấp vì lưu lượng phương tiện vận chuyển quá lớn

Ông A Duy, Phó phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đăk Glei nhận định, nguyên nhân chính khiến cho các tuyến đường ĐH 83, ĐH 85 hư hỏng, xuống cấp bởi lưu lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa lớn. Đồng thời, mưa lũ gây sạt lở nghiêm trọng tại nhiều vị trí, úng ngập phá vỡ kết cấu nền đường và mặt đường, làm tắc nghẽn, hư hỏng hệ thống thoát nước…

Người dân mong muốn đường sá sớm được sửa chữa

“Năm nay, UBND huyện Đăk Glei cân đối, phân bổ nguồn kinh phí chi thường xuyên khoảng 500 triệu đồng để sửa chữa nhỏ các hư hỏng mặt đường. Nhưng do huyện được giao quản lý tài sản hạ tầng giao thông lớn, với 70km đường huyện, 13km đường trong đô thị và 51km đường xã. Với nguồn kinh phí hạn hẹp như trên thì việc duy trì công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên cho các công trình rất khó khăn”, ông Duy chia sẻ.

Vì kinh phí duy tu, bảo dưỡng đường vượt khả năng cân đối của địa phương nên theo ông Duy, UBND huyện Đăk Glei đã kiến nghị UBND tỉnh Kon Tum và các sở ngành liên quan, tổng hợp và đề nghị T.Ư hỗ trợ kinh phí nâng cấp 2 tuyến đường ĐH 83, ĐH 85.

Tuyến đường ĐH 81 (đoạn từ xã Đăk Man đến xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei) dài 21,5km đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp với kinh phí 170 tỉ đồng. Hiện đang trong quá trình thi công và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024.