Không được Quốc hội tín nhiệm có thể xin từ chức

TP - Ngày 15/8, Ủy ban thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tổ chức QH (sửa đổi). Luật Tổ chức QH sửa đổi quy định, người được QH bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm nếu vì lý do sức khỏe, hay vì lý do khác mà không thể thực hiện được nhiệm vụ thì có thể xin từ chức.
Luật tổ chức QH sẽ sửa đổi theo hướng ĐBQH không được tín nhiệm có thể từ chức. Ảnh: Hồng Vĩnh

Dự án Luật Tổ chức QH (sửa đổi) cũng bổ sung một điều mới quy định về thẩm quyền của UB TVQH trong việc đề nghị QH bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước cho phù hợp với Hiến pháp; đồng thời làm rõ thẩm quyền của UB TVQH trong việc tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của QH.

QH sẽ thực hiện khi có đề nghị của UB TVQH hoặc có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu QH, hoặc của Hội đồng dân tộc, hoặc Ủy ban của QH. Những người trong diện được đề nghị bỏ phiếu là Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Chủ nhiệm Ủy ban QH; Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ…

“Người không được QH tín nhiệm có thể xin từ chức. Trong trường hợp không được quá nửa tổng số đại biểu QH tín nhiệm, cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu để bầu hoặc đề nghị phê chuẩn người đó có trách nhiệm trình QH xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người không được QH tín nhiệm”, Dự thảo Luật Tổ chức QH (sửa đổi) nêu rõ. 

Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Nghị quyết 35 đề cập đến việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm. Quy định này có thể là cơ sở cho việc chuyển từ lấy phiếu tín nhiệm sang bỏ phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, hiện dự thảo Luật Tổ chức QH lại chưa có điều này, nên có thể xem xét đưa vào.

Đại biểu QH phải làm hết trách nhiệm với công dân

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng đối với trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, ĐBQH phải làm hết trách nhiệm như “nghiên cứu, kịp thời chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người kiến nghị, khiếu nại, tố cáo biết; đôn đốc và theo dõi việc giải quyết”. 

Nhiều đại biểu cho rằng hiện nay việc tiếp dân thuộc trách nhiệm của Ban Dân nguyện, tuy nhiên vấn đề này đã nêu từ 4 khóa mà chưa giải quyết được thấu đáo những bức xúc, khiếu nại, tố cáo của người dân. 

Vì vậy, dự thảo luật cũng đặt ra phương án nâng Ban Dân nguyện, hiện đang thuộc UB TVQH, lên thành một Ủy ban của QH. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng đây là một cơ quan hành chính, hoạt động theo chế độ thủ trưởng, trong khi QH là cơ quan theo nhiệm kỳ, hoạt động theo nguyên tắc tập thể và quyết định theo đa số. Nếu thuộc QH thì các thành viên của cơ quan này phải là ĐBQH chứ không phải công chức hành chính như hiện nay. 

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cũng kiến nghị giữ nguyên vị trí của ban. “Theo luật hiện hành thì Ban Dân nguyện không thiếu thẩm quyền, chỉ là tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả hơn thôi”, ông Nguyễn Đức Hiền nói. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết: Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng tăng số lượng đại biểu QH hoạt động chuyên trách từ ít nhất là 35% lên 40%. 

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần đưa chỉ tiêu bình đẳng giới vào trong Luật. 

“Theo đó ĐBQH cả nam, và nữ không giới nào cao hơn 60%, và thấp hơn 40%. Hiến pháp đã nói bình đẳng giới, giờ chúng ta mạnh dạn làm, khi luật hóa có cách tổ chức thực hiện thì mới được”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết.

Không để tình trạng “mặc cả” khi kiểm toán

Cho ý kiến về dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi), Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng sửa luật phải đảm bảo khách quan, không để kẽ hở để đối tượng bị kiểm toán có thể “mặc cả" với cơ quan kiểm toán. 

“Hiện nay quy định báo cáo kiểm toán sau khi có kết luận thì kiểm toán chuyển cho đơn vị được kiểm toán để phản hồi lại. Điểm tích cực là để bảo đảm khách quan nhưng cũng là một sơ hở. 

Vì trong thời gian đối tượng bị kiểm toán phản hồi lại dễ tạo ra khả năng “mặc cả với nhau”, 10 biến thành 8, cái lớn biến thành bé. Vì vậy nên quy định có trao đổi ngay trong quá trình kiểm toán. 

Khánh An