- Sao? Chuyện thường ngày, suốt đêm, từ phố đến quê trường diễn bấy nay có chi mà phải bàn?
- Thì bây giờ đến giới hạn cuối cùng của sức chịu đựng rồi nên phải bàn thôi…
- Người ta bàn sao?
- Bỏ còi!...
- Bỏ còi thì làm sao đi lại được? Cậu chưa từng nghe “còi to cho vượt” à? Giữa cả một biển người huyên náo với cơ man đủ loại âm thanh, thích thì rẽ, ưa thì tạt đầu… Không còi còn lâu mới tránh.
- Nhưng ai cũng giành, ai cũng vượt, ai cũng còi… có phải là hỗn loạn ức chế, căng thẳng thêm lên, cùng với sự tra tấn ô nhiễm tiếng ồn nữa, sống sao nổi?
- Thế ý cậu là muốn cấm tiệt?
- Không hẳn thế! Còi lúc nào cần, lúc nào đáng còi thôi…
- Hơ hơ! Cậu nói như tiên đề ấy nhở! Giao thông thời ùn ứ và tắc nghẽn bất thùng chi thình thì lúc nào mà chẳng cần, chẳng đáng. Cứ còi lên một tiếng cho chắc…
- Lạ nhỉ! Sao ở nước ngoài, ngay cả Lào sát ta cũng hiếm hoi tiếng còi?
- À, ừ…Có lẽ người xứ họ trầm ngâm, suy tư chứ đâu có được sự hoạt náo, ham vui như dân mình. Không thế mà mỗi năm xứ ta có đến trên 8.000 lễ hội đó thôi…
- Nghe cũng chưa thuyết phục lắm nhề! Theo mình biết, như ở Thái Lan, các loại lễ hội cũng đâu thua kém gì ta. Họ cũng ham vui, cũng ồn ào náo nhiệt. Nhưng họ đâu có lấy tiếng còi làm âm thanh chủ đạo khi tham gia giao thông?
- Này! Mình làm sao biết là tại làm sao hử? Cậu sang đó rồi sao không hỏi họ cho chắc, chuẩn, chỉnh?
- Mình có hỏi, họ trả lời, xe nào xe chả có còi, nhưng rủi cái là đạo chích xứ họ gỡ còi mang sang Việt Nam bán hết cả rồi. Mình chả biết có thật không nữa!
- !!!???