Khổ tận, cam lai

TP - Bùi Việt Bách (SN 1979) người dân tộc Mường, ở tiểu khu 3, thị trấn Cao Phong (Hòa Bình) đang là chủ trang trại cam Cao Phong ruột vàng rộng 9ha, tạo việc làm cho 40 lao động địa phương, doanh thu gần 5 tỷ đồng/năm.
Anh Bách bên vườn cam Cao Phong.

Rẽ ngang

Bách sinh ra trong gia đình nghèo ở tiểu khu 3 (thị trấn Cao Phong). Từ nhỏ, Bách phải buổi đi học, buổi lên rẫy phụ giúp bố mẹ. Học xong THPT, Bách xin gia đình đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc.

Bách kể: “Lúc đó mình nghĩ, ở quê suốt ngày bám nương rẫy mà không giàu lên được, đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc, vất vả vài năm chắc sẽ có vốn liếng để về quê đầu tư làm ăn”.

Nhưng quyết định vào phút chót làm thay đổi cuộc đời Bách, để sang Hàn Quốc lao động, ngoài có tay nghề, còn cần một khoản tiền lớn. Nhìn bố mẹ vay mượn khắp nơi mà chưa đủ số tiền, với lại sang đất khách quê người không biết thế nào nên Bách rất trăn trở.

Khi đang làm hồ sơ, tình cờ Bách được thăm Cty rau quả và nông sản Cao Phong, được các anh chị giới thiệu và hướng dẫn mô hình trồng cam mang lại hiệu quả kinh tế cao, Bách nghĩ nhà mình đất đồi rộng, sao không cải tạo trồng cam để phát triển kinh tế, đâu cần phải đi làm ăn nơi đất khách quê người.

Bách quyết định không đi xuất khẩu lao động nữa mà ở lại quê mở mô hình trồng cam ruột vàng Cao Phong. Năm 2004, Bách bắt tay cải tạo diện tích đất đồi rộng 1ha bỏ hoang của gia đình. Bách kể, lúc đầu nguồn vốn còn hạn hẹp, không thuê người làm mà tự mình dựng lán trên đồi, hằng ngày cơm nắm khai hoang, phát cây cối, cỏ dại. Nhiều hôm làm việc mệt quá, Bách không lê nổi chân về nhà nữa mà ngủ ngay tại lán.

Bách mất gần một năm khai hoang. Năm 2005, anh vay ngân hàng 200 triệu đồng mua vật tư cây giống và bắt đầu trồng những cây cam đầu tiên. Nhận thấy nguồn nước ngầm dồi dào tại khu vực núi cạnh vườn, Bách chi 120 triệu đồng xây dựng hệ thống ống dẫn nước tưới.

“Một số hộ dân trồng cam trước thấy mình bỏ trăm triệu lắp đường ống nước tưới thì bảo bị khùng, họ nghĩ trồng cam không cần đầu tư nhiều về nước. Mình vẫn giữ nguyên lập trường, vì đã được các anh chị ở công ty rau quả nông sản Cao Phong tư vấn về kỹ thuật”, Bách tâm sự.

Bách cho biết, giống cam từ lúc trồng cho tới khi thu hoạch mất 2-3 năm. Thời gian đầu, Bách gần như ăn ngủ tại lán để chăm sóc theo đúng kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh, tưới nước,…

Những sự cố gắng của Bách trong suốt 4 năm được đền đáp xứng đáng. Cuối năm 2007, anh thu hoạch vụ đầu tiên với hơn 50 tấn cam, bán được gần 1 tỷ đồng. Trừ chi phí, anh thu về hàng trăm triệu.

Thuê đất trồng cam

Khi thương hiệu cam được khách hàng ưa chuộng và có chỗ đứng trên thị trường anh nhận thấy, Cao Phong là nơi có khí hậu và thổ nhưỡng hợp với cây cam, nên việc phát triển mô hình trồng cam là rất hợp lý, sẽ cho năng suất cao, cam ngọt và thơm hơn. Trong khi diện tích đất bỏ hoang của nông trường Cao Phong còn nhiều, anh thuê thêm 8 ha đất của nông trường mở rộng vườn cam của mình.

Hiện tại, trang trại của anh đang trồng nhiều loại cam đặc sản khác nhau như cam xã Đoài, cam canh, cam lòng vàng, quýt ngọt… ngoài ra, anh còn trồng thêm 5 ha mía đường.

Với 9 ha đất trồng cam và 5ha đất trồng mía, hiện trang trại của anh đang tạo việc làm thường xuyên cho 30 -40 lao động trong vùng với mức lương 4 -5 triệu đồng/tháng. Năm 2013, anh thu hoạch được hơn 200 tấn cam, đạt tổng doanh thu gần 5 tỷ đồng.

Chia sẻ về kỹ thuật trồng cam, anh Bách cho biết: “Để trồng cam thì việc chọn đất là rất quan trọng. Nên chọn vùng đất tơi xốp, ít pha đất sét và đặc biệt là nhanh thoát nước. Ngoài ra, cần hệ thống tưới nước ít nhất 1 lần/ngày, kết hợp phun thuốc bảo vệ thực vật để cam kháng bệnh và sinh trưởng tốt. Bên cạnh đó, cần thường xuyên cắt tỉa cành và bón phân gà, phân trâu…”. Với 9 ha đất trồng cam và 5 ha đất trồng mía, hiện trang trại của anh đang tạo việc làm thường xuyên cho 30 - 40 lao động trong vùng với mức lương 4 - 5 triệu đồng/tháng. Năm 2013, Bách thu hoạch được hơn 200 tấn cam, đạt tổng doanh thu gần 5 tỷ đồng.

Hiện, hệ thống ống nước của Bách không chỉ cung cấp nước tưới cho vườn nhà mà còn giúp hàng chục hộ dân trồng cam trong vùng.

Bách cũng thường xuyên tư vấn kỹ thuật trồng, xây dựng đường nước cho vườn cam, tổ chức nhiều buổi giao lưu, nói chuyện với đoàn viên thanh niên trong huyện về ứng dụng mô hình trồng cam tại Cao Phong, góp phần định hướng cho bạn trẻ phát triển kinh tế, làm giàu dựa vào thế mạnh của vùng.

Ông Nguyễn Thế Anh, Phó chủ tịch UBND thị trấn Cao Phong cho biết: “Anh Bách là thanh niên nhiệt huyết, năng động, dám nghĩ dám làm, là tấm gương trẻ làm kinh tế giỏi của xã. Anh Bách luôn nhiệt tình, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ bà con trong vùng mở mô hình trồng cam, góp phần quảng bá thương hiệu cam Cao Phong ra thị trường và thúc đẩy kinh tế tại địa phương phát triển”.